Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Một trong những đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, phải kể đến sự đóng góp của công tác đảm bảo hậu cần.
Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đánh giá việc cung cấp hậu cần cho chiến dịch là một công tác to lớn và nặng nề. Bởi vì, Điện Biên Phủ nằm cách rất xa hậu phương của ta, với cung đường vận chuyển từ 400 - 500km, trên địa hình rừng núi bao la hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng và không có đường thủy, thời tiết khí hậu mưa nắng thất thường, trong điều kiện phương tiện vận tải của ta có hạn. Hơn nữa, lại thường xuyên bị không quân Pháp ngăn chặn, đánh phá các tuyến đường lên mặt trận.
Nhưng lịch sử Việt Nam đã chứng minh, càng trong hoàn cảnh khó khăn thì bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh con người Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân và dân ta đã có những sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn như bên cạnh việc sử dụng tối đa số ô tô vận tải hiện có, ta huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ như: xe ngựa, xe đạp thồ, xe quệt, thuyền, bè, mảng... để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào mặt trận Điện Biên Phủ. Trên các tuyến vận tải đường bộ từ Việt Bắc sang, Liên khu III, Liên khu IV lên Điện Biên Phủ, cùng với xe cơ giới, hàng chục vạn dân công và phương tiện thô sơ, vượt qua đèo cao, suối sâu, qua mưa bom, bão đạn, qua ghềnh thác dữ để chuyển hàng ra mặt trận.
Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp mặt trận, các tỉnh Tây Bắc đã huy động 31.818 lượt dân công, 914 ngựa thồ, các tỉnh Việt Bắc đã huy động 36.519 lượt dân công, 8.065 xe đạp thồ, Liên khu 3 đã huy động 6.400 lượt dân công, 1.712 xe đạp thồ, Liên Khu IV đã huy động 186.714 lượt dân công, 12.000 xe đạp thồ. Riêng tỉnh Thanh Hoá huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn, với tổng số 1.061.593 lượt người, cùng với 11.000 xe đạp thồ.
Trong số các phương tiện vận tải thô sơ, phải kể đến xe đạp thồ - một phương tiện vận chuyển đặc biệt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Dân công vận chuyển hàng bằng xe đạp thồ được tổ chức thành đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có khoảng 30 đến 40 người. Trong đội hình xe đạp thồ, mỗi đoàn xe sẽ có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế để đảm bảo phương tiện chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó, lực lượng dân công đã nỗ lực hết mình vận chuyển được một khối lượng hàng hoá lớn lên mặt trận Điện Biên Phủ. Tiêu biểu trong đội quân xe đạp thồ có tấm gương của dân công Ma Văn Thắng (tỉnh Phú Thọ) chiếc xe đạp thồ do ông gia cố đã lập kỷ lục vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung bình mỗi chuyến ông chở được 337kg, dân công Cao Văn Ty (tỉnh Thanh Hoá) với nhiều sáng kiến đã chở được 352kg/chuyến.
Hòng ngăn chặn dòng người và các phương tiện vận chuyển hậu cần từ hậu phương ra mặt trận Điện Biên Phủ, Quân đội Pháp đã tăng cường tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt tất cả các tuyến đường giao thông lên Điên Biên Phủ. Trên các đoạn đường trọng điểm như Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, Lai Châu - Sơn La, Cò Nòi - Yên Bái, không quân địch liên tục đánh phá 24/24 giờ. Riêng Ngã ba Cò Nòi là trọng điểm ác liệt thường xuyên chịu tới 69 tấn bon đạn trong ngày. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch ngăn chặn, nhưng từng đoàn xe đạp thồ, ngựa thồ, xe quệt, xe cút kít, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của ta vẫn dũng cảm, không quản hy sinh, ngày đêm băng rừng, lội suối vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phát huy sức mạnh của vận tải thô sơ cùng với vận tải của xe cơ giới đến đầu tháng 3/1954, trên 95% nhu cầu vật chất theo kế hoạch tác chiến đã được đưa đến khu vực tập kết để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm "Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta bằng quyết tâm cao độ, đã đập tan hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một pháo đài mà Thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và "bất khả xâm phạm". Bảo đảm hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại bài học kinh nghiệm quý về kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân. Trong đó, vận tải thô sơ đã trở thành nét độc đáo, sáng tạo trong bảo đảm hậu cần của quân và dân ta trong trận quyết chiến, chiến lược Điện Biên Phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét