Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam

Văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Trong gần 40 năm đổi, những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam là rất lớn, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng cho các chiến lược phát triển văn hoá dân tộc trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
                                            Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việt Nam có 53 DTTS ít người với khoảng trên 14 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số, phân bố trên địa bàn 58/64 tỉnh, thành cả nước. Mỗi dân tộc thiểu số lại có các sắc thái văn hoá riêng, tạo nên đời sống văn hoá Việt Nam giàu có, đa sắc màu. Văn hóa các DTTS là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta ngày càng có những chính sách cụ thể, sát hợp về văn hóa các DTTS và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam là rất lớn, không thể phủ nhận và đã tạo ra tiền đề quan trọng, là nền tảng cho các chiến lược phát triển văn hoá dân tộc trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, những vấn đề bất cập, tồn tại cũng đã và đang bộc lộ và trở thành điểm nghẽn trong tiến trình xây dựng nền văn hóa quốc gia, tiên tiến đậm đà bản sắc.

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM CỦA ĐẢNG

Ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình vận động cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng văn hóa. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc đã được đề cập và đến năm 1943, trong hoàn cảnh chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa; chủ trương phát triển nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), Đảng ta đã xác định văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời, gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật; tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, thiết thực, phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1960 đến năm 1975, Đảng đã tiếp tục phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam đối với nhiệm vụ vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, huy động đông đảo các lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Đến khi đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là từ khi Đổi mới đến nay Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam như: Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị khóa VI về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể; đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng con người Việt Nam, với trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh.

Tại Đại hội IX, Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này sau đó tiếp tục được phát triển sâu sắc hơn trong văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định những quan điểm, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu; đồng thời bổ sung, phát triển, làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đảng nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, rung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Thiếu nữ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong không gian Lễ hội Hoa Ban, tỉnh Điện Biên.

Phát triển văn hóa luôn giữ một vị trí quan trọng trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân là những nhân tố quyết định tạo ra những chuyển biến của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người những năm qua.

 

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Theo đó, cùng với các mục tiêu chung và cụ thể, 5 quan điểm lớn trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được xác định là:

1) Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng, phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế để thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và trước sự tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng.

2) Xây dựng, phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

3) Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

4) Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

5) Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Từ các quan điểm trên, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu, trong đó có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Già làng Ê-đê trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.

VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM

Văn hoá các tộc người trong bối cảnh phát triển văn hoá Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào các DTTS, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng để xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia, dân tộc.

Nghị quyết Trung ương V khoá VIII nêu rõ: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Cần phải hết sức coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống”. Xu thế trở về cội nguồn để khẳng định những giá trị văn hoá truyền thống là hướng đi mang tính tất yếu của thời đại. Muốn nhận diện được sự biến đổi văn hóa từ truyền thống đến hiện đại trong giao lưu hội nhập trên những bình diện mới giữa các quốc gia - dân tộc hiện nay thì vấn đề bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người có ý nghĩa lớn lao trong việc tham gia đối thoại với các nền văn hóa, văn minh trong khu vực và có thể xa hơn, rộng hơn.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định phương hướng phát triển văn hóa Việt Nam là: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số, chủ yếu sinh sống ở vùng đồng bằng và đô thị. Đồng bào các DTTS cư trú và sinh sống thành cộng đồng, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hình thái cư trú giữa các dân tộc là phân tán và xen kẽ với sắc thái văn hóa rất phong phú, đa dạng.

Ý thức dân tộc/tộc người là những tình cảm, tâm lý tộc người, thể hiện đặc điểm văn hóa của các dân tộc/tộc người khác nhau. Trong lịch sử hình thành và phát triển, mỗi cá nhân vừa là thành viên của một quốc gia - dân tộc, vừa là thành viên của cộng đồng dân tộc/tộc người nhất định. Tính dân tộc/tộc người chi phối ý thức, tình cảm, tâm lý của mỗi cá nhân và khi giao tiếp, quan hệ với một thành viên dân tộc/tộc người khác, thường biểu hiện bột phát, trực tiếp, rõ rệt. Ý thức dân tộc/tộc người thể hiện ở ý thức về tên tự gọi, về tiếng mẹ đẻ và các đặc trưng văn hóa tương đối bền vững. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, văn hóa dân tộc/tộc người là nền tảng từ đó nảy sinh ý thức dân tộc/tộc người. Khi văn hóa dân tộc/tộc người mai một thì ý thức dân tộc/tộc người mất đi và chính dân tộc/tộc người đó cũng bị tàn lụi. Ý thức dân tộc/tộc người chân chính góp phần hình thành ý thức quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa ý thức dân tộc/tộc người dễ đẩy tới bệnh hẹp hòi, vị kỷ, thậm chí khi bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động dễ chuyển hóa thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đi ngược lại lợi ích chung của quốc gia - dân tộc và gây tổn hại đến chính lợi ích từng dân tộc/tộc người.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của 54 dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.

Ý thức quốc gia - dân tộc là tổng hòa những tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí của mọi cộng đồng dân cư cùng cư trú trên lãnh thổ một quốc gia - dân tộc, cùng chung lợi ích, lịch sử, bản sắc văn hóa và các biểu tượng của quốc gia - dân tộc (lãnh tụ, quốc kỳ, quốc ca...). Ý thức quốc gia - dân tộc là một bộ phận cấu thành ý thức xã hội, được hình thành, bồi đắp gắn với quá trình dựng nước và giữ nước; là một động lực tinh thần cơ bản cho đoàn kết các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, thực hiện các sứ mệnh của quốc gia - dân tộc; là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu bảo đảm sự sinh tồn và phát triển của đất nước. Trong mỗi một bước chuyển của quốc gia cũng như của mỗi tộc người hệ giá trị văn hoá có vai trò định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và dòng tộc.

Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và đất nước...

(Ảnh minh họa)

Những chính sách lớn về bảo tồn và phát triển văn hoá các DTTS.

Chính sách văn hóa các DTTS ở Việt Nam mang tính chính trị sâu sắc, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Nguyên tắc bao trùm lớn nhất là phải thể hiện một cách đầy đủ các quyền bình đẳng về chính trị, quyền bình đẳng về mặt kinh tế, quyền bình đẳng về văn hóa, xã hội và đoàn kết giữa các dân tộc, tương trợ giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Điều 5 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Từ đó, có luật và nhiều chương trình, dự án được triển khai, đã cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước thành hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa

Trong thời ký đổi mới, vấn đề văn hóa quốc gia nói chung và văn hóa các DTTS nói riêng được Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII định hướng và tạo nên luông sinh khí mới chấn hưng các giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ khi Nghị quyết này được ban hành, giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người được coi trọng và phát huy. Nhiều chính sách, đề án, dự án, chương trình dành cho bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được ban hành, thực hiện như: Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ... Dựa trên Quyết định số 1270/QĐ-TTg, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020”. Cùng với đó là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Chiến lược “Phát triển văn hóa đến năm 2030” được Ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Bên cạnh đó, các bộ, ban ngành chức năng, chính quyền các cấp đã triển khai, cụ thể các quan điểm, nhiệm vụ thành nhiều chính sách văn hóa cụ thể nói chung và ở vùng DTTS nói riêng. Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã cụ thể nội dung các nghị quyết của Đảng thành những nhiệm vụ trọng tâm về công tác văn hóa ở vùng DTTS miền núi thể hiện qua hệ thống văn bản trọng tâm trong từng giai đoạn. Các vấn đề chính sách được tập trung vào các vấn đề: Công tác Văn hóa-Thông tin, Đề án xe văn hóa-thông tin lưu động tổng hợp, Công tác văn hóa thông tin biên giới, bờ biển, vùng Tây Nguyên, vùng đổng băng sông Cửu Long, 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; Đề án Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Xây dựng huyện điểm ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Bảo tồn làng, bản buôn các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; Phủ sóng phát thanh, truyền hình vùng dân tộc thiểu số; Bảo tồn tiếng nói chữ viết các dân tộc; Đưa các ấn phẩm, hoạt động văn hóa vào vùng đồng bào các dân tộc; Thành lập các hội nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ các dân tộc; Thành lập các thiết chế văn hóa, bảo tàng Văn hóa các dân tộc; Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; Đào tạo tri thức, nguồn lực con người các dân tộc thiểu số; Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số…

Hiệu quả của các chính sách về văn hóa đối với các DTTS trong thời gian qua, đáng ghi nhận nhất là các chính sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Hiện nay đã có trên 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các DTTS - chiếm hơn 50% tổng số di sản); 5 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết... Trong giai đoạn từ 2016- 2020, đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS.

Nhìn chung các chính sách văn hóa trên được các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyển các cấp quan tâm triển khai và mang lại hiệu quả quan trọng, tạo nên diện mạo mới của văn hóa các dân tộc thời kỳ đổi mới, với những thành quả được đánh giá trong văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và các địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần được quan tâm tâm trong giai đoạn mới.

Hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức vào dịp lễ Dolta.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 Thứ nhất, những vấn đề về nhận thức.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi như sau: Trước hết, đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Hai là, quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Ba là, yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.

Từ những bối cảnh trên, đặt ra yêu cầu cần có những nhận thức mới, cập nhật về bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số là:

1) Nhận thức đúng đắn về vai trò đặc biệt quan trọng của vǎn hóa trong việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, xây dựng xã hội mới. Khắc phục thái độ xem nhẹ việc xây dựng và đấu tranh trên lĩnh vực vǎn hóa ở cộng đồng các DTTS.

2) Cần nhận thức và quán triệt văn hóa Việt Nam là văn hóa của quốc gia đa tộc người trong đó văn hóa các DTTS là một bộ phận có tính đặc thù trong chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Văn hóa các DTTS ở nước ta vừa có tính thống nhất, vừa có tính đa dạng.

3) Xác định rõ vị trí, vai trò và có tác động pháp lý cụ thể đối với văn hóa DTTS trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc dân trong nền kinh tế thị trường, hội nhập.

4) Nhận thức rõ mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển để có định hướng toàn diện trong các văn bản pháp quy đối các vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa vùng DTTS trong sự đồng hành cùng đất nước.

5) Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố bản sắc văn hóa riêng của mỗi tộc người đang đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị mai một, biến dạng, bị đồng hoá có cả tự nhiên và do nhận thức của con người. Vì thế, trong quan điểm, nhận thức và đường lối của Đảng về phát triển văn hoá Việt Nam phải xử lý đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và tính đa dạng của văn hóa Việt Nam, đó là vấn đề cơ bản có ý nghĩa thực tiễn cấp bách đối với văn hoá các tộc người Việt Nam nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.

6) Tính đa dạng bởi đồng bào các DTTS cư trú trong những điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu khác nhau, mang đặc trưng vùng miền. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa DTTS có vai trò quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là ở các cộng đồng nghèo, các tộc người thiểu số rất ít người. Từ ngôn ngữ, các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày, đến kiến trúc nhà ở, các lễ nghi trong đời sống xã hội (hôn nhân, tang ma, thờ cúng...) truyền thống của từng tộc người còn ít được duy trì. Số lượng và chất lượng cán bộ cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là quyền của đồng bào DTTS trong lĩnh vực văn hóa.

7) Đồng bào DTTS nước ta phần lớn sống ở vùng núi, vùng có điều kiện KTXH khó khăn và đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản còn hạn chế. Việc toàn cầu hoá và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại những bước tiến nhảy vọt về KTXH là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mang đến những thách thức và sự tiêu cực như phân hoá giàu nghèo; thay đổi chuẩn mực xã hội; đảo lộn cấu trúc nhân lực xã hội… Theo đó, sự va chạm giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hoá của các DTTS.

Thứ hai, những vấn đề về chính sách.

Chính sách văn hóa các DTTS chính là hệ thống quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng được thực thi thông qua bộ máy Nhà nước nhằm quản lý, xây dựng và phát triển văn hóa các DTTS; nhằm thiết lập sự bình đẳng và hòa nhập phát triển, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phát triển văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Chính sách văn hóa phải bảo đảm quyền của người DTTS trong lĩnh vực văn hóa đã được thể hiện xuyên suốt trong quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật của Nhà nước.

Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 khẳng định “Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”162. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Để bảo đảm các quyền của các DTTS, Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

Lễ hội mừng lúa mới của cộng đồng người Xê Đăng ở Tây Nguyên.

Thực tế thời gian qua đặt ra một số vấn đề về chính sách như sau:

1) Các chính sách về văn hóa của người DTTS được thiết kế thiếu sự gắn kết với các chính sách của các ngành khác như kinh tế, y tế… dẫn tới phân tán, chồng chéo trong chính sách, không thể thực hiện việc điều phối chung để đạt được hiệu quả một cách toàn diện và tổng thể. Một số chính sách cho vùng đồng bào DTTS nói chung chưa được thiết kế, xây dựng và thực hiện phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào, do vậy hiệu quả chưa cao. Trong khi các thông tin, cơ sở dữ liệu về các DTTS Việt Nam - nhất là thông tin liên quan đến trình độ phát triển của các DTTS - còn chưa đầy đủ, toàn diện và thiếu cập nhật.

2) Chưa thể chế hóa toàn diện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các DTTS, đặc biệt là những dân tộc có số dân rất ít hoặc ở những vùng đặc biệt khó khăn đang có nguy cơ cao bị đồng hóa, mất bản sắc…

3) Việc hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn biểu hiện của tư duy mang tính áp đặt, chung chung chưa phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc; công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS còn nhiều hạn chế.

4) Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những dự án, đề án còn tách rời, biệt lập giữa văn hóa và phát triển kinh tế và giữa các ngành với nhau. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, du lịch ở vùng DTTS nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá do thiếu tính đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tuy được đề cao nhưng còn thiếu các chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

5) Việc phục dựng một số sinh hoạt văn hóa truyền thống (chẳng hạn như lễ hội) của các DTTS ở nhiều địa phương theo kiểu “sân khấu hóa” tuy có tạo ra được không khí và dư luận trong quần chúng về việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhưng lại có thể làm biến dạng, méo mó phần nào giá trị của di sản…

(Ảnh minh họa)

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một là, tiếp tục đổi mới hơn nữa nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS, xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển. Trong quá trình hoạch định chính sách phát triển, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS, cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa phải đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Hai là, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa”, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người. Có thái độ và cách nhìn thực sự văn hóa, tức là không được nhìn nhận và hành động đối với văn hóa dân tộc khác thông qua lăng kính và hệ giá trị của dân tộc mình mà cần có thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa các dân tộc, không vì kinh tế và các giá trị vật chất mà hy sinh các giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc.

Ba là, bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS nhất thiết phải được đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, để thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Có chính sách phát huy vai trò của chủ thể văn hóa tới bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa.

Bốn là, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Nhà nước cần ưu tiên tư đầu tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Năm là, tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS. Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Sáu là, chú trọng xây dựng và phát triển số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác. Tập trung kiểm kê, đánh giá, phục dựng và thực hiện số hóa giá trị văn hóa các DTTS nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, hiệu quả.

Bảy là, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS; có chính sách hỗ trợ, phục dựng các Lễ hội truyền thống; các công trình sản phẩm văn hóa; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa; phổ biến, truyền dạy nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị về văn hóa; hỗ trợ các mô hình văn hóa đặc sắc, mô hình điểm ở các bản làng; hỗ trợ việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS.

Tám là, phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Tăng cường giao lưu văn hóa các dân tộc với những nội dung, loại hình, hình thức đa dạng, nhất là trong thời kỳ số hoá, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của người dân, vừa quảng bá những nét đặc sắc riêng trong nền văn hóa của dân tộc mình; đồng thời làm quen, có nhận thức và tiếp cận đúng những yếu tố văn hóa ngoại lai để tiếp nhận, cộng sinh các nền văn hóa, bổ sung những tinh hoa nhằm phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà không bị lai căng, biến dạng, mai một đi trong quá trình phát triển.

*       *       *

Trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung và các DTTS nói riêng, đã được Đảng, Nhà nước đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Từ đó, văn hóa các DTTS không những được gìn giữ, bảo tồn mà còn được phát huy, chuyển hóa thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là sự tác động của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa… thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải sớm khắc phục những hạn chế, bất cập về chính sách, cũng như những sai lệch trong thực thi chính sách đối với văn hóa các DTTS. Bên cạnh đó cần phải tiếp tục xây dựng và thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến để chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS kịp thời và hiệu quả hơn.

Trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số, trước hết cần đề cao và phát huy vai trò chủ thể của đồng bào các DTTS trong gắn kết bảo tồn, phát triển văn hóa với phát triển sinh kế bền vững và phải đảm bảo đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Nguồn lực văn hóa các DTTS phải trở thành nguồn lực cho phát triển và cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư tại chỗ. Đây là yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất hướng tới để phát triển bền vững văn hóa các DTTS hiện tại và lâu dài.

Văn hóa các DTTS ở nước ta là một bộ phận quan trọng, tất yếu của sự nghiệp xây dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Vì vậy, trong xu thế, vận động, phát triển văn hóa của đất nước các vấn đề văn hóa các tộc người thiểu số không chỉ được soi sáng bởi các quan điểm của Đảng mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Đây cũng là thực trạng đặt ra nhiều vấn về lý luận và thực tiến cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét