Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

QUYỀN CON NGƯỜI ĐƯỢC HIẾN ĐỊNH VÀ ĐƯỢC ĐẢM BẢO TRONG THỰC TIỄN

 Có một sự thật cần phải khẳng định rằng, ở Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ lợi ích của người dân. Vì thế, quyền con người, quyền công dân cũng không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp (thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), mà còn đồng thời được bổ sung, điều chỉnh trong các luật, bộ luật và các văn bản dưới luật. Các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền con người, mà còn là sự khẳng định, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình thực thi quyền con người.

Cùng với đó, chỉ từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, việc Quốc hội Việt Nam thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… đã cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chính sách để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thực tế, việc bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân như đã nêu trên không chỉ phản ánh đúng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn tạo thuận lợi để mọi người dân đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như để các cơ quan nhà nước hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, cũng có một sự thật không thể phủ nhận là ở Việt Nam, các cuộc thảo luận, chất vấn, phản biện, góp ý kiến về chủ trương, chính sách, pháp luật; góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội của Đảng, cho Dự thảo Hiến pháp năm 2013… đã không chỉ diễn ra tại diễn đàn Quốc hội, mà còn được tổ chức thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tại khu dân cư, v.v.. Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của cán bộ, đảng viên và của các tầng lớp nhân dân đối với những vấn đề liên quan đến “quốc kế dân sinh” cũng như những ý kiến đóng góp tâm huyết “ích nước lợi dân” đều được ghi nhận và đánh giá cao. Điều đó cũng có nghĩa là, quyền dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin… của người dân được hiến định tại Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 luôn được bảo đảm ngày càng tốt hơn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đã, đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chứ không phải là Việt Nam “đang bóp nghẹt nhân quyền”, “bóp nghẹt tự do ngôn luận” như xuyên tạc.

Thực tế, hiện Việt Nam “có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 1/2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số”(1). Tại một đất nước mà internet và mạng xã hội đang đứng thuộc top đầu thế giới, với “150 triệu kết nối mobile; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook; hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã biên giới, hải đảo”(2) và nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, việc đề ra các chế tài để quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật cũng là việc đương nhiên. Thế nên, việc Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình bị bắt tạm giam với cáo buộc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; còn Hoàng Việt Khánh bị bắt tạm giam với cáo buộc tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh… là do đã vi phạm Điều 117, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chứ không phải họ là những người “bất đồng chính kiến” nên bị “chính quyền xử lý”.

Và cũng vì thế, việc Nguyễn Lệ Nam Em bị phạt 37,5 triệu đồng vì liên quan tới các phát ngôn gây tiêu cực trên mạng xã hội; Hàn Ni và Trần Văn Sỹ bị phạt 1,5-2 năm tù giam vì vi phạm luật an ninh mạng, lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) càng chắc chắn không phải là vì Nhà nước làm như vậy để “đe doạ tất cả người dân Việt Nam đang dùng mạng xã hội” hay là dùng cách “răn đe trên cõi mạng xã hội” để nhằm vào những “tiếng nói bất đồng”; là nhằm vào những người “dũng cảm đấu tranh cho dân chủ” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Cho nên, luận điệu cho rằng Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm “triệt hạ tiếng nói bất đồng” hay “bóp nghẹt tự do báo chí” như các thế lực thù địch “cáo buộc” các cơ quan chức năng của Việt Nam là phản động.

Cùng với đó, cần phải khẳng định chắc chắn rằng, sẽ không có cái gọi là “các nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù bất công” nếu các hành động của họ không vi phạm pháp luật Việt Nam. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng, đã là hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, thì không thể đánh tráo khái niệm thành “bất đồng chính kiến”, cũng như không thể coi việc các cơ quan chức năng bắt tạm giam những người này là “bất công” được. Cho nên, luận điệu phản động kiểu “nhân quyền ở Việt Nam chỉ còn trên giấy” hay Việt Nam “không có nhân quyền”, “chính quyền không bảo đảm quyền con người” chỉ là sự nhận định thiếu khách quan, sai lệch; chỉ là những quy kết, vu cáo, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhằm kích động nhân dân chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật và cổ súy cho những hành vi phỉ báng, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, cơ hội.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét