Hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 94 năm qua đều không nằm ngoài mục đích xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc; đảm bảo để mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và được tự quyết vận mệnh/con đường phát triển của mình...
Trên cơ sở quan niệm quyền con người vừa mang tính phổ quát, thể hiện khát vọng chung của nhân loại đã được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng quốc gia, dân tộc trong hành trình phát triển, từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong từng quyết sách để đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đồng thời, để đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước cũng là vì người dân, để nhân dân được sống trong “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, Việt Nam đã, đang và tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với những chính sách nhất quán, thể hiện rõ sự tôn trọng, bảo đảm các quyền con người được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở Việt Nam, “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”(3) và quyền con người, quyền công dân được thực thi thông qua việc thực hiện các quyền quyền ứng cử, bầu cử, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước; quyền khiếu nại, tố cáo và giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việt Nam cũng đã ký và tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người…
Đồng thời, ở Việt Nam các vấn đề về tự do tôn giáo, tín ngưỡng; xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm ngay cả khi có đại dịch COVID-19; và chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục tăng theo các năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ,v.v..
Cũng ở Việt Nam, ngày 20/3/2024, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10; trong đó nêu rõ “chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043. Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ”(4). Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”(5).
(Hình minh họa)
Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người từ nhận thức đến hành động cụ thể không chỉ là một trong những điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà còn là cơ sở, là sự tin tưởng để Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả đó thêm một lần nữa cho thấy, Việt Nam không chỉ nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tôn trọng, mà còn là một trong những minh chứng khẳng định rằng nhân quyền được tôn trọng và đảm bảo ở Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, với vai trò là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tích cực tham gia, có những sáng kiến cụ thể để không chỉ đề cao Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, mà còn tham gia, đóng góp ý kiến về vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người cũng như thúc đẩy, bảo vệ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của con người trong bối cảnh thế giới thời kỳ hậu đại dịch COVID-19...
Sự tham gia tích cực tại Hội đồng nhân quyền, sự đóng góp thiết thực, có ý nghĩa đối với công việc chung của Việt Nam tại Liên hợp quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người” là không thể phủ nhận. Đặc biệt, những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao đúng như Surya Deva (Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển) đã ghi nhận vai trò của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực của Việt Nam trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR)(6).
Cùng với đó, những kết quả mà Việt Nam đạt được như: Nộp Báo cáo thực thi ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam và đăng tải trên website của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc; Nộp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019; Nhiều năm duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cao và chú trọng phát triển xã hội, cải thiện mạnh mẽ quyền về giáo dục, y tế, nhà ở, về bình đẳng giới (tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng cao so với các nước trong khu vực…); Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm ở khắp các vùng, miền; Năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 3% và tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội; Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới,v.v.. chính là những minh chứng không chỉ thể hiện sự cam kết thực hiện của một quốc gia thành viên có trách nhiệm, mà còn phản ánh khách quan, minh bạch sự phát triển và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người. Sự thật này bác bỏ những luận điệu bẻ cong sự thật, đánh lừa dư luận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là “không tôn trong quyền con người”, là “vi phạm nhân quyền”…
Vì thế, để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028(7). Với việc tuyên bố tái ứng cử này, có thể khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước là nghiêm túc, nhất quán, liên tục, mà còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng chính là sự thật, là minh chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bôi đen vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch./.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét