Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

XÂY DỰNG Ý THỨC XÃ HỘI MỚI VIỆT NAM

 Đời sống vật chất và tinh thần là hai mặt không thể thiếu và cùng tồn tại song hành trong đời sống xã hội. Giữa chúng có sự gắn bó, tác động, tương hỗ, làm phong phú cho nhau song cũng có thể kìm hãm nhau trong quá trình phát triển xã hội. Ý thức xã hội mới với tư cách là một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần, nếu được xây dựng và phát huy tốt có thể chuyển hóa thành nguồn lực, sức mạnh và động lực để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc xây dựng CNXH thành công, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng nền tảng vật chất, cần hết sức quan tâm xây dựng ý thức xã hội mới, tạo dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.

Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”(1). Ý thức xã hội mới Việt Nam có khởi nguồn từ ý thức cách mạng của giai cấp vô sản, đã được khái quát trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự kế thừa tư tưởng xã hội nhân văn, tốt đẹp, vì sự phát triển của đông đảo quần chúng nhân dân lao động, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2). Tại Đại hội XIII, một trong năm bài học kinh nghiệm được Đảng ta rút ra qua nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cũng là quan điểm chỉ đạo hàng đầu trong thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới là: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(3).

Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, ý thức xã hội mới chính là tình cảm, tâm trạng, thói quen, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập quán, ước muốn, khát vọng, niềm tin... của cộng đồng dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng, vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, những đổi thay của cuộc sống hằng ngày... Ý thức xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay còn là kết quả của quá trình củng cố và khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn, ý chí, khát vọng hùng cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Nhìn từ góc độ các hình thái ý thức xã hội, xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam cũng chính là việc xây dựng, bồi đắp ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức... cho người dân trong xã hội.

Từ góc nhìn giai cấp - dân tộc, ý thức xã hội mới Việt Nam là ý thức cách mạng của giai cấp công nhân và cộng đồng dân tộc Việt Nam, hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ cũ, xây dựng xã hội mới. Đó là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phản ánh lợi ích của cộng đồng dân tộc; đồng thời, cũng là sự kế tục tư tưởng xã hội cao đẹp trong lịch sử tư tưởng của nhân loại.

Không thể phủ nhận, tinh thần, tư tưởng, niềm tin, khát vọng là yếu tố quan trọng tạo nên ý chí, lòng quyết tâm, là tiền đề, cơ sở để có hành động thống nhất, mạnh mẽ, hiệu quả. Thực tế cho thấy, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chính khát vọng thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc, cùng niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ và con đường cách mạng đã trở thành nguồn lực tinh thần, kiến tạo sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới.

Với tinh thần đó, ý thức xã hội mới là bộ phận quan trọng, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, hệ giá trị văn hóa, đạo đức... trong đời sống tinh thần cộng đồng dân tộc Việt Nam. Không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, ở góc độ khác, ý thức xã hội còn còn trở thành nguồn lực đặc biệt, là động lực nội sinh của dân tộc, tạo thành sức mạnh trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

GS Joseph Nye, người khởi nguồn cho lý thuyết sức mạnh mềm đã nói về Việt Nam rằng: thực chất, Việt Nam đã chiến thắng trong hai cuộc chiến với hai đế quốc lớn trong thế kỷ XX nhờ nhiều vào “sức mạnh mềm”. Mặc dù đối phương có vũ khí và tiền bạc vượt trội, Việt Nam đã vượt qua và nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế nhờ “vũ khí mềm” là chính nghĩa, khát vọng độc lập, thống nhất và lòng yêu nước(4). Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét