Bây giờ cứ rờ mó vào lĩnh vực nào thì cũng thấy nổi
lên yếu tố thị trường. Những bộ phim “mì ăn liền”; những kịch bản nhảm nhí, dễ
dãi, thiếu vắng yếu tố văn hóa, nhân văn …, nếu có ý kiến phản biện thì cũng
phản biện lại, kiểu như “thị trường mà!”.
Hình như “yếu tố thị trường” cũng đang chen chân vào
lĩnh vực dạy và học hay sao ấy. Nhiều chuyện lão nghe được mà không biết có nên
tin không? Nhà nào cũng có con cháu còn đang tuổi cắp sách đến trường. Nhưng
một vài hoạt động trong một số trường nó lạ lắm. Cũng từng là giáo viên tiểu
học, đương nhiên hồi nhỏ cũng cắp sách đến trường cho đến khi học hết cấp trung
học. Hồi ấy nhà nước ta còn nghèo lại có chiến tranh, ấy thế mà chả thấy nhà
nước bắt học sinh đóng góp bất cứ thứ gì – trường sở, trang thiết bị, lương
giáo viên đều do nhà nước chi trả. Cha mẹ học trò chỉ mua cho con mấy tập vở và
có đủ quần áo mặc. Vậy là xong. Khỏe!
Ngày nay, nghe mấy cháu đi học về kể, ngày chúng học ở
cấp trung học cơ sở thì có chuyện, dành riêng một lớp cho các cháu con nhà
giàu. Ngồi học trong lớp đó, nói chung là sướng! Lớp dành riêng cho các cháu
con nhà giàu, không khác mấy “Quốc tử giám” khi xưa chỉ dành riêng cho các gia
đình quý tộc.
Khi lên cấp trung học phổ thông lại gặp một chuyện lạ
khác – đấu giá chỗ ngồi trong lớp! Cháu nào nhà nghèo không có tiền tham gia
đấu giá thì cũng phải góp cho trường 5.000 đồng/chỗ/tháng. Tất nhiên những chuyện
trên không xuất hiện ở tất cả các trường, nhưng chỉ xuất hiện ở một vài nơi
cũng đủ làm cho chúng ta nghĩ gì về ngành giáo dục.
Đấu giá chỗ ngồi trong lớp cũng không khác mấy với mấy
ông “khán chợ” (từ cổ như ban quản lý chợ ngày nay), đấu giá sạp bán hàng trong
chợ. Ừ, có lẽ cũng lại là thị trường. Thị nghĩa là chợ, trường là nơi buôn bán,
trao đổi. Người này kinh doanh hàng ngoài chợ, người khác kinh doanh con chữ.
Thế là chết rồi! Ở cơ sở muốn làm gì thì làm! Nếu ở đó
được coi là một công ty kinh doanh tự chủ thì đúng là như thế. Mà đã như thế
thì gọi mỗi trường là một hãng buôn con chữ. Bộ Giáo dục là “Bộ quản lý thị
trường con chữ”. Nói vậy cũng không phải nói cho sướng cái miệng đâu, mà có
chuyện đó đó. Còn một chuyện nữa hình như có tính “phổ biến” hơn, nhà trường
dạy gì cho các cháu? Các môn văn, thể, mỹ. Nhưng ở trường công, cũng lại nghe
nói, nếu học văn (tức văn hóa) thì không phải đóng tiền “thuê thầy”, còn lại
“thể, mỹ” (những môn phụ) thì phải đóng tiền. Vậy nếu như không có cháu nào chịu
học các môn “thể mỹ” (giả thiết thế) thì không biết chừng, một thế hệ người
Việt sẽ nhanh chóng bị biến đổi gen cũng nên; biến đổi từ một dân tộc dũng cảm,
chỉ biết chiến thắng sang một dân tộc ươn hèn và chính những việc làm này đã
góp phần làm tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.
Hy vọng những chuyện nói ở trên chỉ là cá biệt, song
“con sâu làm rầu nồi canh” đó mọi người ạ ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét