Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Trò hề của những con rối

 

“Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số nhà báo bị giam giữ cao nhất trên thế giới trong năm 2023 với tổng cộng 19 người. Con số thống kê này chỉ sau Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga”. Đánh giá nêu trên do Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) đưa ra được tổ chức khủng bố Việt Tân cắt ghép thành video đăng trên Facebook vừa qua.

CPJ cho rằng, “hơn một nửa số nhà báo này phải đối mặt với cáo buộc đưa tin sai sự thật, chống phá Nhà nước và khủng bố”. Tình trạng “đối xử tàn tệ với họ” cũng được CPJ nêu ra với việc “họ bị giam giữ trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và dịch vụ y tế”. Lợi dụng đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, mang tính áp đặt của CPJ, Việt Tân đã “lu loa”, còn một số tờ báo, trang thông tin của các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài cho rằng trong năm 2023, Việt Nam không đạt được thành tích gì đáng kể. Cụ thể, trong 180 quốc gia trên thế giới được xếp hạng, Việt Nam nằm trong số 3 nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất.

Từ đó, chúng đưa ra những chỉ trích chỉ số tự do báo chí năm 2023 của Việt Nam. Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) thì đưa Việt Nam nằm trong 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới. Một số bài viết của trang BBC tiếng Việt còn đưa ra khuyến nghị Việt Nam phải sửa đổi Luật Báo chí năm 2016, bãi bỏ Luật An ninh mạng năm 2018. Các bài viết này chỉ mang tính chỉ trích mà không hề đưa ra khái niệm hay tiêu chí của tự do báo chí nhằm gây hiểu nhầm hoặc hiểu không đầy đủ cho người đọc. Có lúc dưới chiêu bài nêu nghi vấn đặt dấu hỏi, các bài viết này đã đưa ra những thông tin nhập nhèm. Độc giả nếu không tỉnh táo rất dễ dính bẫy, tin vào những luận điệu mà các bài viết đó đưa ra. Tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải tuân theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và những quy định của pháp luật. Điều này không chỉ có ở Việt Nam mà có ở tất cả cơ quan báo chí và mọi quốc gia trên thế giới.

Ví như trên trang web của Ủy ban Thẻ nhà báo Pháp đã đưa ra những điều kiện cụ thể cho việc cấp thẻ và thu hồi thẻ nhà báo. Để được cấp thẻ nhà báo, công dân Pháp phải có đủ các điều kiện như: Hoạt động báo chí phải là nghề chính và liên tục ít nhất 3 tháng tính đến thời điểm xin cấp thẻ; thu nhập từ hoạt động báo chí phải là thu nhập chính, tức là chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của người xin cấp thẻ; tác phẩm báo chí của họ phải được đăng tải trên các ấn phẩm báo chí thuộc cơ quan báo chí được Chính phủ cấp phép hoạt động. Bất cứ nhà báo nào vi phạm những điều kiện nêu trên sẽ bị ủy ban xem xét thu hồi thẻ nhà báo. Còn tại Việt Nam, một nhà báo muốn được cấp thẻ hoạt động trước hết phải có thời gian nhất định hành nghề làm báo. Ngoài ra, phải có những tác phẩm báo chí được đăng tải trên các ấn phẩm báo chí được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật. Và một điều kiện không thể thiếu đó là bằng cấp phù hợp với ngành nghề hoạt động báo chí.

Các thế lực thù địch trong thời gian vừa qua đã lợi dụng cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam và xét xử một số nhân vật đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội để tuyên truyền chống Nhà nước; phỉ báng, bôi nhọ uy tín của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cổ xúy cho những hành vi sai trái. Những hành vi đó đã xâm phạm đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và tổ chức, cá nhân. Các vụ việc nêu trên đều được cơ quan chức năng điều tra, xét xử đúng người, đúng tội, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cơ quan, tổ chức có liên quan. Điều này cho thấy, các thế lực thù địch đã cố tình tập trung vào vế đầu của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948: “Tự do tư tưởng, tự do xuất bản là quyền cơ bản của con người”. Nhưng lại bỏ đi vế sau là: “Quyền tự do đó nằm trong khuôn khổ pháp luật và thể chế mỗi quốc gia”.

Không hiểu vì lý do gì, Việt Tân, CPJ hay những cơ quan truyền thông có trụ sở tại nước ngoài lại cho rằng những kẻ đang bị ngồi tù phải chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật Việt Nam lại là nhà báo. Thậm chí, những kẻ vi phạm pháp luật nêu trên chỉ đăng lên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook… cũng được chúng gắn mác nhà báo thì thật vô lý. Nếu như vậy thì nhà báo ở Việt Nam đông không kể xiết. Rõ ràng, chỉ có động cơ chính trị đen tối mới là động lực chính để các nhà dân chủ ở hải ngoại nêu trên “tấn phong” cho những “con rối chính trị” trong nước mác nhà báo. Ngoài ra, chúng còn cổ xúy cho cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập”. Thành viên của hội này toàn những “thành phần bất hảo, đã có thời vào tù ra tội” thì không thể đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của những người làm báo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nền báo chí phát triển. Theo thống kê, nước ta có khoảng hơn 800 cơ quan báo chí cùng với hơn 40.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Một đất nước mà không có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì không có số cơ quan báo chí và số người hoạt động trong lĩnh vực này đông đến như vậy. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị rất quan tâm, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có quy chế, quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có Hội Nhà báo; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Chân lý là cái có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ngược lại, những gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức không phải là chân lý. Tự do báo chí đúng nghĩa phải phụng sự cái chung, vì một xã hội dân chủ, nhân văn và vì lợi ích của đông đảo quần chúng. Đó cũng chính là lý tưởng nghề nghiệp mà mỗi nhà báo chân chính hướng tới. Điều này cho thấy sự khác biệt hoàn toàn về bản chất với những “con rối chính trị” bị giật dây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét