Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Tự phê bình và phê bình - giải pháp cơ bản khắc phục những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay

Trong Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ tư (khóa XIII), về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tụ diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cùng với tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện mục tiêu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Hệ thống chính trị, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, nó là “giặc nội xâm”, kẻ thù ở trong lòng mỗi con người, muốn chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, một trong những biện pháp rất quan trọng là phải tự phê bình và phê bình, Người coi “thang thuốc tốt nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa một cách thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” và phải gắn liền với quá trình tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống suốt đời. Điều đặc biệt hơn, Người luôn căn dặn rất kỹ về mục đích, cách (phương pháp) tự phê bình và phê bình. Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc tốt hơn, đúng hơn; để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Người còn nhấn mạnh, muốn chưa khỏi bệnh cá nhân chủ nghĩa, tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải lấy lòng nhân ái, thành thật để phê bình đồng chí mình. Phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm; không “thâm thọc, mỉa mai”, “bới bèo ra bọ, vạch lá tìm sâu”. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người; hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và phải sửa chữa cho bằng được… làm được như thế thì sẽ sớm chữa được bệnh cá nhân chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên và như thế “Đảng cũng khỏe mạnh vô cùng”.

Thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tự phê bình và phê bình nhằm khắc phục những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cần thực hiện một số biện pháp chủ yếu sau đây:

Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc về những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để nhận biết rõ những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân trong bản thân mình; đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác hại khi vướng vào chủ nghĩa cá nhân. Muốn nhận thức nhận thức sâu sắc về những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 21-NQ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Quy định về những điều đảng viên không được làm”. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội, tiếp tục quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Trong đó, nghiên cứu kỹ, nắm chắc 5 phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới và 10 biểu hiện nhận diện chủ nghĩa cá nhân mà Quân ủy Trung ương đã thống nhất. Có như vậy mới nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa cá nhân và sự cần thiết, cấp bách phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch trong lòng mỗi người, nó gặm nhấm, làm “hư hỏng” chính bản thân mỗi người, nó cản trở quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự vấn, thật thà tự kiểm điểm, tự phê bình hàng ngày, trước, trong và sau mỗi khi thực hiện nhiệm vụ hoặc ra quyết định nào đó. Từ trong suy nghĩ, hành động phải xem xét thật kỹ lưỡng suy nghĩ ấy, hành động ấy có vướng vào những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân hay không. Phải thiết thực, chân thành lắng nghe ý kiến phê bình thật thà của đồng chí đồng đội, từ đó nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm và biểu hiện chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại trong chính bản thân mình. Trên cơ sở đó, “tự soi”, “tự sửa” thường xuyên, liên tục suốt cuộc đời, phấn đấu thực sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức đảng trong thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên là một tế bào của Đảng, đều sinh hoạt trong một tổ chức đảng nhất định. Vai trò, chức năng của các tổ chức đảng là quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên thông qua các chế độ sinh hoạt, trong đó tự phê bình và phê bình là một chế độ, đồng thời là vấn đề quy luật trong xây dựng và phát triển Đảng. Do đó, thực hiện một cách có hiệu quả, thường xuyên, liên tục chế độ tự phê bình và phê bình sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên tự nhận ra những khuyết điểm, những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, giao nhiệm vụ, xác định thời gian sửa chữa cho cán bộ, đảng viên, giúp họ tiến bộ và trưởng thành. Các tổ chức đảng, nhất là chi ủy, chi bộ phải phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình thông qua các chế độ sinh hoạt như: sinh hoạt học tập, ra nghị quyết lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm. Trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm, kỹ năng, phương pháp công tác của bí thư cấp ủy, nhất là trong khơi dậy tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng của mỗi cán bộ, đảng viên.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét