Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Đặc biệt, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền với những nguy cơ của Đảng cầm quyền lại càng đặt ra trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, để cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ lo “mọi người vì mình”. Như vậy, đến đây, khái niệm chủ nghĩa cá nhân không chỉ dừng lại ở những tác hại, mức độ nguy hiểm, mà còn làm rõ hơn những biểu hiện của nó để chúng ta dễ nhận diện. Khi bàn đặc điểm, tác hại của chủ nghĩa cá nhân là Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp mâu thuẫn, đối lập chủ nghĩa cá nhân với đạo đức cách mạng.

Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hiểm bởi đó là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nó ẩn nấp trong mình, trong đồng chí mình, đáng sợ hơn giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh khẳng định: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Nó nguy hiểm bởi nhận diện và đấu tranh với chính mình và với đồng chí mình là điều không dễ dàng

Vậy làm thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân? Theo Hồ Chí Minh, để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả cần thực hiện tốt các yêu cầu có tính bắt buộc. Trong tác phẩm, Người đã dùng từ “Phải” như một điệp từ để truyền tải sự “tất yếu” phải làm, phải thực hiện và thực hiện phải kiên quyết, có kết quả. Người nhấn mạnh, để “cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác của Đảng phải chặt chẽ”.

Theo đó, học tập lý luận, chống căn bệnh lười học, ngại học là yêu cầu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Phải thực hành dân chủ, thực hiện tốt kỷ luật đảng là điều kiện để sớm đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân là nguy hại, là kẻ thù, là trở lực đối với sự phát triển của xã hội, vì vậy đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là đòi hỏi cấp bách, tất yếu, là cuộc chiến đấu “khổng lồ” để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, rác rưởi cặn bã, quét sạch “vi trùng” độc hại để cái tốt, cái tiến bộ, cái có giá trị có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cần phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân với việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Nếu lợi ích cá nhân không trái với lợi ích tập thể thì hoàn toàn không xấu mà đó là động lực của sự phát triển. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là không “giày xéo” lên cá nhân và ngược lại, nếu mỗi cá nhân cũng như lợi ích cá nhân được giải quyết hài hòa và bảo đảm sẽ là động lực để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét