Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

 BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Quy định số 144 được ban hành ngày 9/5/2024 với 6 điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 5 là quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới như Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc (Điều 1); Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập (Điều 2); Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (Điều 3); Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm (Điều 4); Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời (Điều 5) và Điều 6 là tổ chức thực hiện Quy định. Với 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, được thể hiện trong 5 điều, nhưng đã bao hàm một cách toàn diện các nội dung quy định đối với người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc cho đến các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Do đó, nội dung của các điều trong Quy định rất rõ ràng, vừa có sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và những quy định trước đó của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và về công tác cán bộ của Đảng nói riêng; song cũng xuất phát từ nhu cầu cấp bách của thực tiễn.

Một là, Quy định số 144 trước hết là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; trong đó, Người đặc biệt nhất mạnh đến đạo đức cách mạng của người cán bộ. Người nêu rõ: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường

Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay là bại chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”(1). Do đó, Người yêu cầu “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”, “Phải giữ vững đạo đức cách mạng, chí công vô tư”, “Phải tự mình làm gương mẫu về cần, kiệm, liêm chính để nhân dân noi theo”(2). Soi chiếu với việc Đảng ta ban hành Quy định số 144 cũng như nội dung một số điều trong Quy định, có thể nhận thấy Đảng ta đã có sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về việc cần thiết phải xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên thông qua những quy định cụ thể. Đặc biệt, Điều 3 với quy định về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chính là sự vận dụng trực tiếp tư tưởng Hồ Chí Minh về những phẩm chất cơ bản về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Hai là, sự kế thừa quan điểm của Đảng trước đó về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Không phải đến bây giờ Đảng ta mới đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên mà vấn đề này đã được đề cập, chỉ rõ và yêu cầu người cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực hiện từ rất sớm, trong nhiều văn bản như: Tại Điều 1, Điều 2 của Điều lệ Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”; 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Ban Chấp hành Trung ương chỉ ra cụ thể tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Trên cơ sở kế thừa những nội dung trong những quy định, kết luận đó, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quy định chuyên đề về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Đúng như tên gọi, đây là Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nên nội hàm của các điều trong Quy định vừa có sự kế thừa, chắt lọc; đồng thời, cũng có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, không thể cố nói bừa rằng những nội dung trong Quy định số 144 chỉ là trò “bình cũ rượu cũ” hay chỉ là kiểu “giật gấu vá vai” hay “cố đấm ăn xôi”. Hơn nữa, nội dung các điều trong Quy định cũng rất rõ ràng, rành mạch, mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể hiểu để thực hiện hay nhân dân cũng có thể hiểu để giám sát việc thực hiện quy định của Đảng ở mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, cũng không thể cố tình xuyên tạc nội dung Quy định số 144 là giáo điều, sáo rỗng! Đó là những luận điệu vô căn cứ, cố tình quy chụp với mưu đồ chống phá.

Ba là, Quy định số 144 xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn đặt ra. Thời gian qua, đúng như Đảng ta nhận định, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ... Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý. Đáng lo ngại, lợi dụng tình hình đó, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị đã lên tiếng công kích, xuyên tạc, phủ nhận công tác cán bộ cũng Đảng cũng như đội ngũ cán bộ ở nước ta thời gian qua. Điều này một mặt vừa làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Đảng, song mặt khác cũng gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng cũng những đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Do đó, việc Đảng ta ban hành Quy định số 144 là rất cần thiết, kịp thời, cho thấy sự quyết tâm rất lớn của Đảng trong xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Vì thế, không thể cáo buộc Đảng ta không chú tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hay xuyên tạc rằng Quy định số 144 là “vũ khí” để “thanh trừng bè phái”. Quy định này được áp dụng trong toàn Đảng, vừa để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” và cũng là căn cứ để đánh giá cán bộ, xử lý những cán bộ sai phạm, bất kể ở địa vị, chức vụ nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét