Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Chủ nghĩa xã hội là một trào lưu tư tưởng, lý luận, một học thuyết khoa học.

 


Đó là những trào lưu tư tưởng, hệ thống lý luận khoa học và cách mạng về con đường, cách thức và phương pháp đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, giải phóng con người thóat khỏi chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội trở thành học thuyết khoa học dựa trên những tiền đề của những trào lưu tư tưởng, lý luận trước Mác, gọi là tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng. Nó ra đời gắn với cuộc đấu tranh chống ách áp bức, bất công của các xã hội có mâu thuẫn giai cấp đối kháng (bắt đầu từ chế độ chiếm hữu nô lệ).

Khi xã hội loài người bước sang chế độ phong kiến, trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa tiếp tục được thể hiện trong mô hình xã hội tương lai của loài người. Đó là chủ nghĩa xã hội phong kiến hoặc chủ nghĩa xã hội Thiên Chúa giáo - những tư tưởng đồng nhất xã hội cộng sản với “thiên đường ngàn năm của Chúa”. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, một số tác phẩm văn học của các nhà tư tưởng đã phản ánh tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, song nó còn nhiều yếu tố “không tưởng”. Đến giữa thế kỷ XIX, tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng đã có bước phát triển mới, với những phác họa một xã hội tương lai có tính chất cộng sản chủ nghĩa. Với tính chất phê phán sâu sắc và toàn diện, tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng thời kỳ này được gọi là chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán với ba đại biểu tiêu biểu là Xanh Ximông, S.Phuriê và R.Ôoen. Năm 1848, với sự ra đời tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, chủ nghĩa xã hội từ trào lưu tư tưởng đã trở thành một học thuyết khoa học và là một trong ba bộ phận lý luận cấu thành của học thuyết Mác. Từ năm 1848 đến nay, qua giai đoạn lịch sử, lý luận về chủ nghĩa xã hội ngày càng được bổ sung, phát triển, từng bước hoàn thiện và vận dụng vào thực tiễn phù hợp với đặc điểm, điều kiện của quốc gia dân tộc, xu thế phát triển của thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét