Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là đặc trưng chủ yếu mà chế độ ta xây dựng

 


Đây là đặc trưng tổng quát nhất chi phối các đặc trưng khác, bởi nó thể hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là những giá trị xã hội tốt đẹp nhất, được kết tinh từ chọn lọc những giá trị tiến bộ nhất của các cuộc cách mạng trên thế giới kết hợp với khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Các giá trị trong đặc trưng này có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nền tảng và sự bảo đảm bền vững cho hạnh phúc của nhân dân ta. Đồng thời, các giá trị trên thể hiện sự khác nhau căn bản, sự tiến bộ hơn hẳn của chế độ chủ nghĩa xã hội so với các chế độ xã hội trước đó, nhất là chế độ tư bản. Vì vậy, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thật sự. Đây là khát vọng tha thiết của toàn thể nhân dân Việt Nam sau khi đất nước giành được độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Xây dựng xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” là quá trình vô cùng khó khăn, gian khổ và lâu dài trong hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam - một nước đang phát triển, chưa có “nền đại công nghiệp” (điều kiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội như C.Mác đã chỉ rõ). Nhưng để trở thành xã hội chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng nêu trên, không có cách nào khác là toàn Đảng, toàn dân ta phải nỗ lực sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiếm lĩnh các đỉnh cao của xã hội. Và, Việt Nam đang từng bước đạt tới các mục tiêu cần có trong hiện thực. Đến Đại hội XIII, tiêu chí “hạnh phúc”, tuy chưa đưa vào hệ mục tiêu của xã hội chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhưng được Đảng ta nêu ra như một thành tố trong mục tiêu tổng quát, đó là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1].



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.326.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét