Tập trung dân
chủ là nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN). Từ bỏ nguyên tắc này là từ bỏ Đảng về bản chất. Chính vì vậy, các thế
lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ thủ đoạn nào, luôn tìm cách
chống phá, đòi ĐCSVN phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hòng
xóa bỏ bản chất và vai trò lãnh đạo của Đảng. Gần đây, trên trang Thongluan-rdp, Lê Hữu Khóa lại có bài viết “Đừng trông
chờ độc đảng toàn trị tổ chức và hòa giải dân tộc” gây bức xúc dư luận xã hội.
Với những lời lẽ xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng, Lê Hữu Khóa cho rằng “Đảng CSVN là độc tài, độc đoán, chuyên
quyền, độc trị, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tụt hậu… và kêu gọi phải đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “hòa hợp dân tộc”, để “đất nước được phát
triển”. Vậy ở Việt Nam có cần thiết phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập” không?
1. Đảng Cộng sản
Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Như chúng ta
đã biết, vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm
trong lầm than nô lệ của thực dân Pháp. Nhiều phong trào yêu nước đã xuất hiện
nhưng tất cả đều bị thất bại và bị dìm trong biển máu bởi thiếu đường lối cách
mạng đúng đắn. Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước,
tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá vào Việt Nam, cùng với phong trào
công nhân và phong trào yêu nước, thành lập ra ĐCSVN – Đảng duy nhất lãnh đạo
cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là một thực tiễn không thể
bàn cãi.
2. Sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn của lịch sử và sự lựa chọn của nhân dân
Việt Nam
Thực tế cho thấy, Đảng
Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tự cho mình quyền độc tôn lãnh đạo. Sau khi cách
mạng tháng 8 thành công, tại Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản còn xuất hiện hai
đảng khác là đảng Việt Quốc và đảng Việt Cách. Tuy nhiên, về thực chất lãnh đạo
cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản, còn hai đảng Việt Quốc và Việt
Cách “theo đuôi Tưởng Giới Thạch” không hề đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi
quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ
đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thời kỳ sau
đó, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng tồn tại hai đảng khác: là Đảng Dân chủ Việt Nam
và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải thể. Sự xuất hiện và rút lui
của đảng Việt Cách, Việt Quốc hay tự giải thể của Đảng dân chủ và đảng xã hội
đã cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa
chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân hoặc đã bị chính lịch sử và
nhân dân ta loại bỏ. Như vậy, Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, nhưng chính
lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ định chế độ đó.
3. Hãy thử hỏi
rằng, nếu hiện nay Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng, đất nước sẽ ra sao?
Câu trả lời đã
có sẵn đáp án từ thực tiễn Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu. Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất ổn định chính trị do sự
tranh giành quyền lực giữa các đảng phái. Thực tiễn, nhiều nước trên thế giới
hiện nay đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh
tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống
nhân dân cực kỳ khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những quan điểm đòi “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thực chất là quan điểm sai trái, phản động
hòng muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị
tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công khai hóa, hợp
pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó cạnh
tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo
của Đảng. Thực tiễn tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã chứng
minh rất rõ âm mưu, ý đồ thâm độc này.
4. Một Đảng lãnh
đạo không đồng nhất với độc tài, mất dân chủ.
Dân chủ và
phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguyên, đa
đảng không đồng nghĩa với sẽ có dân chủ và phát triển. Một đảng lãnh đạo không
đồng nhất với độc tài lãnh đạo, mất dân chủ. Và không nhất thiết cứ “đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập” mới có dân chủ và phát triển. Thực tiễn hiện nay đã
cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ,
chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời
sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta
vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế
và uy tín quốc tế như ngày nay.
Từ thực tế trên cho thấy,
những luận điệu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như Lê Hữu Khóa thực
chất là tư tưởng “ngược dòng lịch sử”, phản động, hại nước, hại dân. Mọi người
hãy hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của
các thế lực thù địch, phản động để ĐCSVN “mãi mãi là mùa xuân của dân tộc”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét