Cương vị được hiểu là vị trí trong một hệ thống tổ chức, quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Người khác chỉ chấp hành (làm theo, nghe theo) người nói khi họ trên cương vị được tổ chức giao, có chức trách, quyền hạn về lĩnh vực đó, là sự “đúng vai”. Và người nói cũng chỉ nên hoặc được phép nói, yêu cầu ai đó bằng đúng cương vị, chức trách của mình. Những người nhầm cương vị, phần lớn là do tự cao tự đại, không hiểu vị trí của mình nên có những phát ngôn rất bừa bãi, lộng ngôn, nhất là trên mạng xã hội. Thậm chí có người tự cho mình có quyền phán xét như quan tòa, nhiều nhất là những phát ngôn, bình phẩm, ra lệnh cho người khác từ các sự việc cụ thể trong cuộc sống cho đến cả những việc ở tầm quốc gia đại sự.
Thời gian qua, lợi dụng các sự việc, nhất là những sự việc ở
tầm quốc gia đại sự, một số cá nhân rất lộng ngôn trên mạng xã hội. Họ tự cho
mình có quyền sinh quyền sát, yêu cầu người khác phải làm theo ý mình. Họ lên
giọng chỉ đạo, định hướng, thậm chí dạy bảo cả cơ quan chức năng phải làm thế
này, làm thế kia... như chỗ hàng tôm hàng cá. Trong số đó có không ít cán bộ,
đảng viên, những người đáng ra phải chấp hành tôn chỉ, mục đích khi tự nguyện
đứng trong hàng ngũ của Đảng, chấp hành điều lệ, quy định của Đảng, nhất là quy
định về những điều đảng viên không được làm. Những phát ngôn bừa bãi này hoàn
toàn khác với ý kiến góp ý, phản biện bởi nó không chỉ không đúng lúc, đúng chỗ
mà còn nhằm mục đích làm mất uy tín, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân khác.
Ngạn ngữ có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Việc nhầm
cương vị hiểu sâu xa thì rất tai hại. Thứ nhất, khi người không có
cương vị lại nhầm mình có thể đưa ra quyết định, lên tiếng chỉ đạo... thì điều
đó là vô nghĩa, là sự khoác lác, "ngáo chữ", "ngáo
lời". Thứ hai, việc nhầm cương vị sẽ dẫn đến hiện tượng “nói
cho sướng mồm”, ai cũng có thể phát ngôn như ở nơi vô cương vô pháp. Nay anh ba
hoa khoác lác được việc này thì mai anh lại ba hoa khoác lác việc khác. Trong
khi đó, xã hội luôn có kỷ cương, trật tự; pháp luật điều chỉnh hành vi của mọi
cá nhân, tổ chức. Thứ ba, phát ngôn bừa bãi lâu dần rất dễ hình
thành ảo tưởng quyền lực, tự huyễn hoặc mình có quyền lực. Nguy hiểm hơn, có
nhiều đối tượng nhầm cương vị theo kiểu cố tình. Thực chất là họ tìm mọi cách
để đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đằng sau đó bằng sự tác động vào dư
luận. Đây là hiện tượng không mới nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.
Những cá nhân phát ngôn nhầm cương vị tạo ra dư luận xã hội
rất xấu, gây mất trật tự an ninh xã hội. Nếu họ là những người nổi tiếng như
nghệ sĩ, ca sĩ thì dễ khiến lớp trẻ trong xã hội bị ảnh hưởng theo những trào
lưu nói năng, suy nghĩ, hành động lệch chuẩn ấy. Nếu họ là những người có sự
ảnh hưởng về chính trị như nhà văn, nhà báo, luật sư, cán bộ, đảng viên, người
hoạt động chính trị... thì rất dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, mua chuộc
dẫn đến sa ngã. Những phát ngôn của họ còn là cơ hội để các thế lực thù địch
xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của cán bộ,
đảng viên và nhân dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiêm minh của
luật pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét