Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Tác động đến văn hóa của cộc cách mạng công nghiệp lần thức tư

 


Quá trình phát triển văn hóa (theo nghĩa rộng) dẫn đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay lại tạo ra những bước phát triển mới về chất của văn hóa.

Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với văn hóa và giáo dục có thể diễn ra theo hướng tích cực hoặc tiêu cực, phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội, vào mục đích sử dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ. Ở các nước tư bản phát triển, khoa học và công nghệ phát triển ở trình độ cao, cơ sở vật chất - kỹ thuật dồi dào tạo khả năng sáng tạo ra những giá trị văn hóa có chất lượng cao và đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Song, do bị chi phối bởi lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản, bởi chủ nghĩa cá nhân cực đoan và lối sống thực dụng, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ lại kèm theo nảy sinh những hiện tượng phản văn hóa, làm tha hóa con người, băng hoại đạo đức xã hội.

Nhu cầu phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp với yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ. Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ngày càng được xây dựng có chất lượng cao, càng tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển, đồng thời sự phát triển của khoa học và công nghệ là một trong những nội dung và điều kiện để xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay cung cấp ngày càng tốt hơn công cụ, phương tiện làm cơ sở cho phát triển văn hóa, giáo dục, đòi hỏi nhiệm vụ học tập trở thành nhiệm vụ suốt đời, bởi lẽ nếu không tự học thì con người sẽ nhanh chóng bị lạc hậu so với thời cuộc.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đưa loài người chuyển sang một nền văn minh mới, “Nền văn minh hậu công nghiệp”, “Nền văn minh truyền tin”… Ở nền văn minh này, con người có thể phát huy cao độ năng lực sáng tạo trong sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Con người đã tạo ra lượng của cải vật chất nhiều hơn tất cả các thế hệ trước kia cộng lại. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng khiến cho nền văn hóa dân tộc bị mai một do sự “xâm lăng văn hóa”, con người quá dựa vào máy móc mà thiếu sức sáng tạo.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời cũng làm gia tăng sự xung đột giữa nhiều yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại khi cái cũ chưa bị mất đi và cái mới (trong đó, có một số yếu tố văn hóa du nhập từ nước ngoài) cũng chưa định hình rõ nét, chưa hoàn toàn được xã hội chấp nhận. Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số xu hướng, phong cách văn hóa, lối sống mới hình thành đã và đang gây tranh cãi. Đó là sự thay đổi một số quan niệm, thói quen của một bộ phận người dân, từ nặng về duy tình sang duy lý, vị tình sang vị tiền; là xu hướng cho rằng gia đình không còn là trung tâm; các yếu tố mang giá trị vật chất phần nào thay thế cho yếu tố tinh thần, tình cảm; là sự hình thành tư tưởng hòai nghi, chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc; là sự băng hoại về đạo đức, sự xuống cấp trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là sự lệch lạc về nhận thức, sống thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ; là sự gia tăng khoảng cách các thế hệ trong nhận thức các giá trị văn hóa chuẩn mực... Điều này phần nào phản ánh cấu trúc nhân cách trong bản thân mỗi con người đã có sự biến đổi, dẫn đến những xu hướng khác nhau trong nhận thức về hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong đời sống xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét