Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Thời cơ từ bên trong với công cuộc đổi mới hiện nay

 


Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”[1].

Nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.

 An ninh lương thực không những được đảm bảo, mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 80% GDP. Trong đó, “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”[2].

Chính trị luôn giữ vững ổn định, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được xây dựng, từng bước hoàn thiện, quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trên các lĩnh vực đời sống xã hội, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với nhân dân ngày càng được thắt chặt. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội ngày càng được củng cố, tăng cường.

Đời sống nhân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%. Đến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng cao; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng ngày càng tăng.

Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ngày càng giảm. Tuổi thọ trung bình của dân cư ngày càng tăng. Chăm sóc tốt hơn những người có công.

Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Tỷ lệ người Việt Nam sử dụng Internet ngày càng cao, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức cao, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện đất nước.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104.

[2] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2022, tr. 28-29.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét