Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Tính chất của thời đại hiện nay

 


Tính chất của thời đại hiện nay là: quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây là cuộc đấu tranh giữa hai kiểu chế độ xã hội hoàn toàn đối lập nhau về chất, trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và cách mạng xã hội, chứ không thể bằng cải lương, hòa bình chủ nghĩa.

“Xét về tính chất, thời đại ngày nay là thời đại quá độ, vì nội dung cơ bản của nó là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác”[1]. Sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp lâu dài, thậm chí có lúc quanh co thất bại. Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới, khác về chất so với chế độ xã hội trước đó, nên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm khiếm khuyết, cũng như sự chống phá quyết liệt của kẻ thù và những phần tử cơ hội, thóai hóa, biến chất.

Đảng ta khẳng định: Thời đại chúng ta mà nội dung căn bản là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu bằng cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, là thời đại đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập, là thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc, là thời đại chủ nghĩa đế quốc sụp đổ và hệ thống thuộc địa bị thủ tiêu, là thời đại ngày càng có nhiều dân tộc tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, là thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới[2].

Quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài, đan xen giữa cái cũ và cái mới, cái lạc hậu và cái tiến bộ, cái đang định hình và cái đã định hình đấu tranh quyết liệt phủ định lẫn nhau. Do đó, không thể chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn, mơ hồ thủ tiêu đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội để chung sống hòa bình vô nguyên tắc hoặc tuyệt đối hóa mâu thuẫn, mặt đối lập dẫn đến tư tưởng cực đoan, khép kín, bất hợp tác đều là những sai lầm và phải trả giá.



[1] A.M. Ru-mi-an-xtép (Chủ biên), Chủ nghĩa cộng sản khoa học - Từ điển, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1986, tr.332.

[2] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 22, Tăng cường đoàn kết nhất trí, tiến tới những thắng lợi mới!” (1966), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.57.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét