Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

CHÚNG KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC ĐÓ LÀ “HÌNH THỨC, KHÔNG TÁC DỤNG”

 Vừa qua, trên không gian mạng, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trong đó chúng đưa ra nhiều thông tin sai lệch, không đúng về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Chúng cho rằng, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh không cần thiết được thành lập, vì không cần thiết, chỉ là hình thức và không có tác dụng, chỉ tốn tiền thuế của nhân dân mà thôi. Chúng đòi phải giải tán các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và trắng trợn tuyên bố: chỉ có cách xóa bỏ Đảng Cộng sản thì mới chống được tham nhũng…

Nhưng những thông tin chống phá sai trái, thâm độc trên đã bị bác bỏ bởi thực tế ở Việt Nam với hoạt động tích cực, hiệu quả của các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ngày 10/5/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XIII đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đến ngày 2-6-2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trương này của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống với sự ra đời và hoạt động khẩn trương, hiệu quả (tính đến ngày 5-8-2022 đã có 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập). Ngày 19-6-2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, khẳng định nhiều thành công, kết quả, bài học kinh nghiệm, cũng như tiếp tục xác định quyết tâm, đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Chỉ sau một năm thành lập và đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, tiến hành rà soát và đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban Chỉ đạo cần tập trung xử lý. Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các địa phương trên toàn quốc đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng nhiều so với cùng thời gian năm trước đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đánh giá: “Chỉ sau một năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở”. Qua đó đã khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thực hiện quyết tâm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tăng cường niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống tham nhũng của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, trong đó có những giải pháp quan trọng cơ bản dưới đây: 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. Chủ động, tích cực, khẩn trương hoàn thiện công tác tổ chức, cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. 2. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và cơ sở. Có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ này hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bản thân mỗi cán bộ cũng cần tự giác rèn luyện phấn đấu, có ý chí quyết tâm cao, thật sự trong sạch, liêm chính, “dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung”. 3. Tăng cường tính chủ động, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, khẩn trương, nghiêm minh và nhân văn. Thực hiện tốt sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, với các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật ở địa phương và Trung ương; thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, phổ biến những cách làm hay, biện pháp tốt ở địa phương cũng như trên toàn quốc nhằm tạo kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực toàn diện, thiết thực hơn nữa. 4. Cần chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan báo chí và đặc biệt là nhân dân hưởng ứng, ủng hộ, tích cực tham gia đồng hành cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần quan tâm tạo thuận lợi để nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức thích hợp để tiếp nhận những thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng của nhân dân”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét