Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin thu hút sự quan tâm
của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, những thông tin này không phải lúc nào cũng
chính xác, trong đó có nhiều thông tin bịa đặt, không đúng sự thật do một số
đối tượng đăng lên nhằm "câu like", "câu view" với động cơ
không tốt.
Thời gian qua, lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp, mọi thông
tin liên quan đến dịch bệnh đều tác động đến tâm lý, đời sống nhân dân. Lợi
dụng cơ hội này, một số đối tượng đã tạo tin giả, đăng tin sai sự thật trên các
mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, thậm chí còn có những hành
động tiêu cực.
Không riêng dạng tin giả, nhiều trang mạng, tài khoản facebook
còn đăng thông tin chưa được kiểm chứng để tạo cơn sốt ảo trên mạng xã hội.
Những hành động này chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý, nhưng ảnh hưởng rất xấu đối
với cộng đồng. Nhiều người theo dõi mạng xã hội có cảm giác sợ hãi, lo âu mỗi
khi ra đường.
Tin giả được xác định có nhiều dạng thức. Loại thứ nhất là những
thông tin hoàn toàn không chính xác, được cố tình đăng tải, lan truyền vì động
cơ, mục đích xấu của cá nhân nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có
một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, do người viết không kiểm
chứng trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc phóng đại, thêu dệt để "nâng
tầm" câu chuyện. Một loại khác thường tồn tại trên mạng xã hội là tin giả
dưới dạng tin đồn. Thông qua sự lan truyền, chia sẻ các bài viết, thông tin
ngày càng bị biến dạng, bóp méo dẫn đến sự sai lệch cho người đọc khi tiếp
nhận. Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó
là điều vô cùng quan trọng. Nhận diện tin giả không chỉ bảo vệ môi trường thông
tin lành mạnh mà còn góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội.
Cần các biện pháp xử lý nghiêm minh
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cổng thông tin
tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận
phản ánh tin giả 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được
các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu
độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến
các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin
giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật.
Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, có lẽ đã đến lúc cần các
biện pháp mạnh tay đối với những đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật để
tránh việc "nhờn luật". Quan trọng hơn, những người dùng mạng xã hội
cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động,
gây hoang mang dư luận; đồng thời phải có biện pháp tự bảo vệ mình trước những
thông tin xấu độc; tuyệt đối không chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng
tải những thông tin chưa được kiểm chứng. Để nắm các thông tin chính trị, kinh
tế-xã hội, người dân cần tham khảo trang thông tin của
các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ
báo chính thống, có uy tín. Làm được điều đó, chắc chắn tin giả, tin sai sự
thật sẽ không còn đất sống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét