Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

 CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN LAN TỎA HÌNH ẢNH BỘ ĐỘI CỤ HỒ RA THẾ GIỚI

Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) đã thể hiện và phát huy vai trò như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam 80 năm qua; vai trò, nhiệm vụ đặt ra đối với CTĐ, CTCT trong giai đoạn hiện nay cùng những đề xuất trong việc phối hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng về quân sự, quốc phòng…

Đây là những ý kiến phát biểu tâm huyết của PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tại Tọa đàm 80 năm “Linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng” do Báo QĐND tổ chức ngày 5-11 vừa qua. Báo QĐND lược trích bài phát biểu của PGS, TS Lê Hải Bình tại tọa đàm.

 Thứ nhất, liên quan đến đánh giá về hoạt động CTĐ, CTCT, khi đi ra thế giới, chúng ta tự hào về dân tộc, về Đảng ta như một trong những điều rất đặc biệt và tự hào về QĐND ta. Tuy ra đời vào năm 1944, thời điểm non nửa của thế kỷ XX, nhưng QĐND Việt Nam đã khẳng định trong cả thế kỷ XX ấy, đối với nhân dân là Bộ đội Cụ Hồ; đối với bạn bè quốc tế là một biểu tượng, sự cổ vũ; đối với thế giới là một đội quân bách chiến bách thắng.

Ví dụ, Vovinam là môn võ được các bạn bè ở châu Phi tập rất nhiều, thậm chí ở Algeria, võ Vovinam còn được đưa vào hệ thống giáo dục và nhân dân Algeria tập luyện phổ biến.

Với tư cách Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, tôi hỏi các bạn Algeria: Tại sao người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hàn Quốc vận động tập võ dân tộc của nước họ mà các bạn lại chọn tập Vovinam? Tôi nhận được câu trả lời: “Bởi vì năm 1954, sau khi thông tin về thắng lợi Điện Biên Phủ đến Algeria, chỉ 6 tháng sau, người Algeria bắt đầu công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Suy nghĩ của chúng tôi lúc đó là người Việt Nam làm được thì người Algeria ắt phải làm được. Trên trận tuyến chống Pháp, chúng tôi không hô tiếng “xung phong” bằng tiếng Pháp (ngôn ngữ tại Algeria do thực dân Pháp truyền dạy), cũng không hô tiếng “xung phong” bằng tiếng bản địa Algeria, mà chúng tôi hô “Hồ Chí Minh”, “Điện Biên Phủ”, “Võ Nguyên Giáp”, lấy đó là niềm động viên cho chúng tôi thắng thực dân Pháp. Đến năm 1962, chúng tôi thành công. Vì vậy, chúng tôi muốn học môn võ của một dân tộc đã cổ vũ chúng tôi trên con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc Algeria”. Như vậy, chúng ta khẳng định được câu chuyện về CTĐ, CTCT là một biểu tượng của sự động viên, cổ vũ đối với các dân tộc thuộc địa.

Thứ hai, cùng sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng và nền tảng truyền thống của ông cha ta để lại, phải khẳng định CTĐ, CTCT có vai trò hết sức to lớn trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam. Đó là sự độc đáo, đặc sắc ngay trong việc phối hợp hài hòa hữu cơ giữa công tác chính trị và công tác quân sự. Bác Hồ từng nói chính trị trọng hơn quân sự, nhưng không coi nhẹ công tác quân sự. Việc xuất bản báo chí trong những lúc cam go, thách thức nhất, ngay ở tiền phương như ở mặt trận Điện Biên Phủ thể hiện sự độc đáo trong CTĐ, CTCT của QĐND ta. Cùng với báo chí, thơ ca, văn nghệ và cả công tác hậu phương Quân đội đã cho thấy một cách hết sức độc đáo của hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt Lênin cũng đã có tư tưởng quan trọng về công tác chính trị trong Quân đội. Ví dụ, Lênin nói: Không có chính ủy thì không có Hồng quân. Lênin cũng nói: Các chính ủy (ý nói về CTĐ, CTCT trong Quân đội), trước hết là người mang tinh thần của Đảng, mang kỷ luật của Đảng, mang tính kiên nghị và lòng dũng cảm của Đảng vào trong cuộc đấu tranh quân sự. Đảng ta, Bác Hồ và các thế hệ nối tiếp của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã làm cho tư tưởng về chính trị trong quân sự của Chủ nghĩa Mác - Lênin đậm chất Việt Nam.


Thứ ba, CTĐ, CTCT còn đóng vai trò lớn, vượt ra khỏi khuôn khổ công tác quân sự. Ví dụ phân tích thêm về những giai đoạn cam go, đầy thách thức. Khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, lúc đó sự vững mạnh của Quân đội, tính Đảng và tính chính trị trong Quân đội đã góp thêm phần củng cố sự vững vàng của Đảng ta. Nhắc đến Liên Xô, phải nhớ đến câu chuyện phi chính trị hóa quân đội đã khiến quân đội xa rời Đảng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.


Về vai trò, nhiệm vụ đặt ra đối với CTĐ, CTCT trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng, CTĐ, CTCT nói riêng và toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nói chung càng quan trọng hơn. Trong thời kỳ chiến tranh khó khăn, gian khổ, nhiều thách thức, với lòng yêu nước nồng nàn, dân ta đứng lên đẩy lùi kẻ thù xâm lăng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với CTĐ, CTCT của Tổng cục Chính trị, ta đã huy động được một đội quân có ý chí thống nhất và vô địch. Còn trong giai đoạn hiện nay, chúng ta luôn bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, song kẻ thù chính trị và tư tưởng lại vô hình lẩn khuất đâu đó.


Một là, trên thế giới, cạnh tranh nước lớn cùng những sự chuyển đổi từ các cuộc cách mạng khoa học, những sự va chạm về văn hóa, dẫn đến tình hình tư tưởng chính trị trên thế giới rất phức tạp. Ngoài ra, tác động của phương tiện truyền thông mới khiến tình hình càng khó đoán định. Hai là, ở trong nước, mặt trái của kinh tế thị trường cũng có tác động đến suy nghĩ, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và cả hậu phương. Ba là các thế lực thù địch. Khi chúng ta càng thành công, càng thắng lợi, các thế lực thù địch càng chống phá, đặc biệt trên không gian mạng. Vì vậy, tình hình hiện nay đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới và càng khẳng định thêm vai trò của hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân đội.


Về đề xuất trong việc phối hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng về quân sự, quốc phòng: Qua các công việc của mình, từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao, người phụ trách lĩnh vực thông tin đối ngoại, phụ trách Công tác 35 cho đến hiện tại là lý luận chính trị của Đảng, nhiệm vụ của tôi luôn gắn liền với công tác của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nói chung, Báo QĐND nói riêng. Do đó, đề xuất thứ nhất là tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Chính trị với các cơ quan liên quan, trong đó có Tạp chí Cộng sản.


Thứ hai, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến Công tác 35 về bảo vệ nền tảng chính trị, tư tưởng của Đảng. Trong đó, vai trò của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Phải nói rằng, trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực báo chí, Báo QĐND là lá cờ đầu. Có những vấn đề Báo QĐND đã thông tin rất sớm, nói rất rõ và hiệu quả.


Thứ ba, về công tác thông tin đối ngoại. Cho đến nay, có thể khẳng định, hình ảnh QĐND Việt Nam đã ngày càng vang xa trên trường quốc tế, góp phần vào việc khẳng định vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam chúng ta. Tôi chỉ lấy ra 3 hoạt động tiêu biểu: Đầu tiên là hoạt động gìn giữ hòa bình. Bây giờ, không một video clip giới thiệu về thành tựu Việt Nam nào mà không có hình ảnh các chiến sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam với lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh thứ hai là Bộ đội Cụ Hồ Việt Nam tham gia cứu trợ, cứu nạn, tiêu biểu là hoạt động cứu trợ, cứu nạn sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta đã khẳng định không chỉ tham gia cứu trợ bằng chuyên môn, mà còn làm tốt công tác dân vận tại đó. Thứ ba là hình ảnh Quân đội tham gia Army Games ở Nga. Tại đó, chúng ta cũng một lần nữa khẳng định không chỉ câu chuyện về chuyên môn đua xe tăng hành tiến, kết hợp bắn mục tiêu, mà còn là công tác dân vận tại chỗ, tuyên truyền tại chỗ. Những hoạt động ấy cho thấy điều rất đặc biệt của CTĐ, CTCT của Quân đội chúng ta.


Tôi cũng phải nhấn mạnh: Báo QĐND là đơn vị đi đầu trong việc livestream, thực hiện đổi mới sáng tạo để lan tỏa những hình ảnh cao đẹp, tự hào về Bộ đội Cụ Hồ./.


Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét