HỌC TẬP TẤM GƯƠNG MẪU MỰC, SÁNG NGỜI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người tiết kiệm không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, mà còn từ tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết. Điều này không chỉ cần thiết trong thời kỳ đất nước còn trong chiến tranh, mà còn có giá trị thực tiễn đối với giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân lao động được cải thiện rõ rệt. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã coi lãng phí là một căn bệnh - “bệnh lãng phí”, nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Mới đây, trong bài viết Chống lãng phí, Tổng bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra thực trạng lãng phí đã và đang còn tồn tại ở nước ta, thậm chí là tồn tại dai dẳng, không chỉ khiến mất đi tài sản công, lãng phí nguồn lực quốc gia, thu hẹp những cơ hội phát triển mà đau xót hơn là gây mất lòng tin trong nhân dân đối với Đảng cầm quyền.
Việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí vào thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp đối với mỗi tổ chức, đơn vị trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những giải pháp để chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người nhấn mạnh, muốn đánh thắng nó, phải có chuẩn bị thật chu đáo, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và điều quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt để chống. Người phản đối việc bố trí những người đã “nhúng chàm” làm nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì làm như vậy, thực chất là “nối giáo cho giặc”. Theo quan điểm, tư tưởng của Người, các bước cần tiến hành để trừ khử tham ô, lãng phí, quan liêu là:
Một là, phải làm tốt công tác tư tưởng, làm cho mọi người hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước như thế nào và vì sao phải chống những nạn ấy? Phải kiên quyết sửa chữa những nhận thức không đúng về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Để có thể tiết kiệm, chống lãng phí, cán bộ, đảng viên cũng cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc từ đó tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong dân, tạo ảnh hưởng tích cực đến công tác xây dựng và phát triển đất nước.
Hai là, phải nghiên cứu để có lý luận chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu; phải sửa đổi lối làm việc; nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, đối với cán bộ cao cấp phải “thật thà tự kiểm thảo để làm gương mẫu”; phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Phải kiên quyết “nhổ cỏ” và khi đã nhổ thì phải nhổ tận gốc rễ.
Ba là, phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, nâng cao trình độ quản lý kinh tế - tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tạo kẽ hở cho bọn tham ô, lãng phí, quan liêu đục khoét. Trong cuộc đấu tranh này, phải dựa vào nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, huy động lực lượng quần chúng tham gia. “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”.
Bốn là, phải có phương pháp giữ gìn tiền bạc, phải thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt, nhất là tiết kiệm trong chi tiêu ở các cơ quan hành chính, giảm thiểu việc họp hành nếu xét thấy nó không cần thiết.
Năm là, trong công cuộc đấu tranh chống lãng phí, các cơ quan thanh tra nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô. Phát hiện ra những việc lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ biết và giải quyết mà còn giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô”. Như vậy, thanh tra, kiểm tra không những để phát hiện vi phạm, phát hiện lãng phí để xử lý. Quan trọng hơn, qua kiểm tra, các cơ quan thanh tra nhà nước tìm hiểu nguyên nhân, tìm ra biện pháp chống lãng phí, từ đó, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với bản thân các cơ quan là đối tượng thanh tra, kiểm tra để có các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả.
Cuộc đấu tranh chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp này, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư để từ đó “tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới” như Tổng bí thư Tô Lâm đã kêu gọi./.
PBVN ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét