Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch trong tình hình mới

 

“Xâm lăng văn hóa” thực chất là một hình thức, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; hòng làm lệch chuẩn hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn tới nguy cơ làm thay đổi bản chất chế độ, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” ngày càng tinh vi, xảo quyệt và rất nguy hại, đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay

Thời gian qua, các thế lực thù địch mở rộng, đẩy mạnh “xâm lăng văn hóa”, tập trung vào công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, tạo ra sự mâu thuẫn về nhận thức tư tưởng của nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phủ nhận đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, thâm độc hơn là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, ra sức truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản nhân văn, phi văn hóa nhằm kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, sa đọa...; làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, đạo đức nhân ái, nhân văn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ… Mục tiêu "xâm lăng văn hóa" của các thế lực thù địch là tiêm nhiễm làm xói mòn văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó chuyển dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị. Có thể khái quát một số phương thức, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay:

Ở trong nước, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội để kích động tư tưởng chống đối, lối sống thực dụng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin để chống phá; khuếch trương quá khích các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, những điểm còn hạn chế trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ... Thông qua việc phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế lực thù địch âm mưu từng bước tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện ở sự hoài nghi, dao động về chính trị, mất định hướng, khủng hoảng niềm tin, phai nhạt lý tưởng; trỗi dậy chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, thiếu trung thực, thái độ thờ ơ, vô cảm, buông lỏng kỷ cương, kỷ luật, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng... “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là quá trình diễn ra trong chính nội bộ chúng ta, đồng thời cũng là “sản phẩm” từ hoạt động tấn công, tác động chuyển hóa từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ở nước ngoài, các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, thành lập các hội, nhóm văn hóa, văn nghệ phản động để tiến hành tuyên truyền, bôi nhọ quan điểm, đường lối của Đảng; dùng mọi biện pháp để công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận những giá trị văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam, nhất là hệ giá trị văn hóa giữ nước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; đánh đồng giá trị nhân văn, chính nghĩa với phi nghĩa, phản động, làm lẫn lộn giá trị yêu nước của những chiến sĩ cách mạng với những kẻ phản bội, cướp nước, bán nước…

Các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, lung lạc một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ trong nước; hướng lái họ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, đào sâu “tự do, dân chủ” trong sáng tác, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” để đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam... Họ còn dùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo cớ gây áp lực đòi “nhân quyền”, kích động bạo lực và lối sống thực dụng, dung tục, hòng làm phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch dùng thủ đoạn cử người trực tiếp tiếp cận các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức, sinh viên và một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất để tuyên truyền, lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Với mưu đồ phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa - văn nghệ, các thế lực thù địch cổ xúy chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa - văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đã có biểu hiện nhận thức lệch lạc về các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chạy theo lối sống phương Tây; thương mại hóa các hoạt động văn hóa một cách thái quá, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc...

Một số giải pháp phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”

Một là, tăng cường giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”(1). Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa tác động của những âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”; tạo “sức đề kháng”, sự “miễn dịch” trong các tầng lớp nhân dân trước mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân ái, nhân văn trong truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, đó chính là sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; tích cực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng ở cơ sở cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, gắn sát với đặc điểm của từng đối tượng; trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trường, ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của các tổ chức quần chúng trong hoạt động tuyền truyền giáo dục đoàn viên, hội viên. Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với tổ chức các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ để định hướng nhận thức tư tưởng một cách sinh động, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt ở địa phương, cơ sở.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; có cơ chế khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin, nhất là trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội. Kiên quyết ngăn ngừa, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục…

Phát huy tốt vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp có tác dụng lan tỏa rất lớn trong giáo dục, định hướng giá trị văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quán triệt quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cơ sở phải là những tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, lối sống, phong cách và tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa cao đẹp đến các tầng lớp nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các địa phương, cơ sở.

Môi trường văn hóa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, là môi trường xã hội trực tiếp hình thành, nuôi dưỡng, phát triển, hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch.

Xây dựng môi trường văn hóa ở địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay cần phải đồng bộ, toàn diện, bao gồm hệ thống các giá trị văn hóa, các quan hệ văn hóa, hoạt động văn hóa và thiết chế, cảnh quan văn hóa. Chăm lo xây dựng văn hóa từ trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đến văn hóa, nhân cách của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung xây dựng đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, “cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân…; bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp…”(2). Chăm lo xây dựng các quan hệ văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình…; khắc phục sự xuống cấp về đạo đức trong các quan hệ văn hóa, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Xây dựng cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, tạo ra ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị một không gian văn hóa lành mạnh, tiến bộ, để ngăn chặn sự nảy sinh những biểu hiện phản văn hóa.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữa gìn giữ, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người thời kỳ mới với kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay. Những tác động tiêu cực từ mặt trái nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mưu đồ chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch đã và đang làm nảy sinh ngày càng gia tăng những biểu hiện phi văn hóa, phản giá trị, suy thoái, tệ nạn, tiêu cực... Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” nhằm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp” để “dẹp cái xấu” và lấy “chống” để “xây”, kiên quyết “nhổ cỏ dại” để “hái mùa vàng”.

Trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi trọng giáo dục, gìn giữ, bồi đắp và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện bản sắc giá trị của mình; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, để có những giá trị văn hóa mới, mang tính tiên tiến, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, lọc bỏ những biểu hiện phản giá trị văn hóa, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng; các hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là vai trò của cơ quan chức năng, các ban chỉ đạo 35, lực lượng nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, được tiến hành một cách bền bỉ, kiên trì trên mọi lĩnh vực, hoạt động, tổ chức, lực lượng và trong mỗi con người. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa khơi dậy và phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên với tăng cường quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm./.

--------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 144

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét