Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Không gian mạng vẫn âm ỉ “bão ngầm”

Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có hơn 77 triệu người dùng Internet, tương đương 79% dân số. Số người dùng mạng xã hội khoảng 70 triệu, tương đương 71% dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161 triệu. Từ đó có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Internet và mạng xã hội cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Còn tại Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 1.296.331 thuê bao điện thoại (cố định 9.245 thuê bao, di động 1.287.086 thuê bao), tỷ lệ người dân sử dụng thuê bao điện thoại đạt 124%. Số thuê bao Internet băng rộng là 1.143.734 (cố định 217.966 thuê bao, di động 925.769 thuê bao), tỷ lệ số thuê bao Internet băng rộng là 110%. 

Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội được đăng phát, chia sẻ dưới nhiều dạng thức: bản tin, bài viết, thông tin bình luận, cảm nhận, các tệp âm thanh, hình ảnh, video/clip… và đa phần là do cá nhân người dùng chia sẻ, cung cấp, chưa qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào của các cơ quan chức năng (chỉ qua sự kiểm duyệt lỏng lẻo của các công ty quản trị mạng xã hội). Các thông tin này được nhiều người chia sẻ, tiếp cận, loan tin…với tốc độ rất nhanh chóng, trên diện rộng, nội dung đa dạng, không phân biệt không gian, thời gian. Bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội (kết nối giao lưu, học tập, giải trí, kinh doanh…), không gian số cũng là mảnh đất màu mỡ, là công cụ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng khai thác, gia tăng các hoạt động chống phá, đặc biệt là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Lợi dụng những thế mạnh và tính mở của không gian mạng với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, không có ranh giới cụ thể giữa “thực” và “ảo”, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá. Chúng bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam. Chúng xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Những “chú hề” lấp dưới chiêu trò “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “tự do ngôn luận”, “lật sử”… vẫn ngày đêm phát loa rè, hả hê chống phá, tạo nên những cơn “bão ngầm” trên mạng xã hội.

Cuộc chiến không khoan nhượng

 

Phạm vi, tính chất của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là rất rộng lớn, bao quát trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Cuộc chiến “làm sạch” thông tin xấu, độc trên không gian mạng vẫn diễn ra âm ỉ từng phút, từng giờ, từ công tác truyền thông, giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cảnh giác, nâng cao sức đề kháng, miễn dịch trước những thông tin xấu, độc cho cán bộ, đảng viên và toàn dân, đến công tác đấu tranh trực diện (cả bí mật và công khai) bằng nhiều hình thức khác nhau, làm thất bại những âm mưu “diễn biến hoà bình” của chúng. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội…đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả với phương châm “xây đi đôi với chống”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Trong đó, lấy “xây” là cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Hiện nay, công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số tài khoản mạng xã hội do cá nhân thiết lập sử dụng với mục đích thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hoặc đăng tải, phát tán các thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật… thường là những tài khoản ẩn danh (không chính danh), gây khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm. Số lượng các vụ, việc được phát hiện, xử lý còn chưa nhiều, chủ yếu dựa vào đơn tố cáo, tố giác của các cá nhân, tổ chức. Thông tin trên mạng xã hội thường có sớm hơn thông tin trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng và thường được đăng tải, chia sẻ, phát tán trên diện rộng theo ý kiến chủ quan, chưa qua kiểm duyệt, thẩm định, dẫn đến việc phát hiện thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật chưa kịp thời, chưa bao quát toàn diện… Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung, biện pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ thông tin và Truyền thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh bị vi phạm, hay vô tình bị lợi dụng, tiếp tay cho những thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, phản ánh, giám sát, phản biện của báo chí, truyền thanh cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trong công tác này. Quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, trong công tác tuyên truyền, chú trọng thực hiện chia sẻ các nội dung bài viết, thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí, cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị Nhà nước lên mạng xã hội. Triển khai xây dựng hệ thống các trang tin, fanpage của các đơn vị, địa phương nhằm tạo thành hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống trên mạng xã hội. Thông qua các trang tin, tài khoản mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực, thông tin tốt, phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa các hình thức, cách thức lan tỏa thông tin tích cực một cách sinh động, phù hợp với tâm lý công chúng và nền tảng truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Ba là, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên không gian mạng, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng không gian mạng để “nhân danh Nhân dân” để “mị dân”… Đầu tư trang thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các cơ quan chức năng giám sát thông tin trên không gian mạng một cách tự động, toàn diện, kịp thời.

Bốn là, tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các cơ quan Nhà nước tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin chính thống từ nhiều góc nhìn khách quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Năm là, tăng cường quản lý đối với mạng xã hội, báo chí, xuất bản; phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà mạng để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật; ngăn chặn, xử lý triệt để, kịp thời các kênh “tin rác”, xuyên tạc, bịa đặt, kích động…Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm để cảnh cáo, răn đe.

Muốn “miễn dịch cộng đồng” trước những thông tin xấu, độc cần có vắc xin “đoàn kết toàn dân”, nhằm tạo nên những hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, chung tay vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Và hơn hết, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là những người gương mẫu đi đầu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét