Sự phát triển mạnh mẽ của
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng mang lại
những thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.
Lợi dụng không gian mạng,
các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Hoạt
động của các tổ chức chống phá có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ,
bài bản. Mục tiêu xuyên suốt của chúng là tuyên truyền chống phá, lôi kéo kêu
gọi tụ tập, biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, thực hiện âm mưu
“diễn biến hòa bình” phá hoại sự ổn định phát triển đất nước. Hầu hết các tổ
chức phản động đều xây dựng tài khoản mạng xã hội tổ chức thành hệ thống các
kênh truyền thông chống phá.
Theo thống kê của cơ quan
chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video
trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ
không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước
ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại
phát tán trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức
phản động).
Qua thực tiễn tình hình
trong nước, có thể nhận thấy âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản
động, cơ hội chính trị trên
không gian mạng cơ bản vẫn tập trung vào một số nội dung, như: Xuyên tạc phá
hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước;
gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp
cao của Đảng,
Nhà nước, thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình,
gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kích động hoạt động chống phá của số
đối tượng chống đối chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và “tự do
Internet”, khuyến khích các đối tượng này chống phá quyết liệt hơn bằng cách
trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù
của Internet”, vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền.
Để thực hiện âm mưu thâm
độc trên, các đối tượng phản động, thù địch thường dùng các thủ đoạn: Sử dụng
tài khoản mạng xã hội có tương tác lớn hoặc tổ chức các chiến dịch truyền thông
phát tán thông tin. Đăng tải tài liệu, thông tin, bình luận hướng dư luận nhìn
nhận theo quan điểm sai lệch; dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, pha
trộn thông tin thật-giả, xuyên tạc tình hình chính trị trong nước. Tiến hành
xây dựng nhiều kênh thông tin trên các nền tảng xuyên biên giới có sự liên kết
với nhau; đặc biệt phát triển các kênh truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số
(Mông, Khơ me…) hướng tới đối tượng tuyên truyền là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cổ súy tư tưởng chống phá,
định kiến của một số người có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phát
tán, giật tít các bài viết của các đối tượng này lên Internet, mạng xã hội. Lợi
dụng lợi ích cá nhân của một bộ phận người dân trong giải quyết vấn đề đất đai,
các vụ án kinh tế… để kích động lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động
gây rối, mất an ninh chính trị trên mạng xã hội, từ đó lan truyền, hiện thực
hóa trên thực địa... Sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu
kỳ của công chúng; trước khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, phát tán ồ
ạt những tin bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, hướng lái dư luận thông qua những
tiêu đề “giật gân”, “câu khách”.
Thu hút, lôi kéo người dân
vào tổ chức; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội dành cho giới trẻ để phát
hiện, lôi kéo đầu mối; sử dụng các hình thức liên lạc qua mạng để móc nối, huấn
luyện và chỉ đạo cơ sở phản động thực địa. Sử dụng truyền thông mạng xã hội để
lừa gạt, lôi kéo nhân dân, hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh
nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội.
Cùng với đó, chúng lợi dụng
các sự kiện chính trị, kinh tế, quân sự… trên thế giới (xung đột quân sự
Nga-Ukraine, đảo chính quân sự ở Niger…), sự kiện chính trị quan trọng của đất
nước, các vụ án về kinh tế, hoạt động khẳng định chủ quyền biển đảo, biên
giới... đề dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, pha trộn thông tin
thật-giả; xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và có thời
điểm tổ chức hoạt động tuyên truyền chống phá thành “chiến dịch” dưới nhiều
hình thức.
Lợi dụng hạn chế, bất cập
trong công tác quản lý kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội để
tuyên truyền xuyên tạc; lợi dụng chính sách của mạng xã hội, thành lập hàng
nghìn hội nhóm tổ chức chính trị phản động, trong đó bao gồm cả hội nhóm công
khai, bí mật với số lượng thành viên tham gia lớn, lôi kéo, thu hút, mời chào
thành viên tham gia, hoạt động có đường hướng, tôn chỉ, mục đích cụ thể. Tạo
lập các trang mạng, tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan của nhà nước, các
đồng chí lãnh đạo, các cá nhân có ảnh hưởng... để đăng tải thông tin phản động;
xuyên tạc, lợi dụng sự hiếu kỳ của người dân và sự thiếu hiểu biết của một bộ
phận người dân để kích động cộng đồng mạng tham gia phát tán thông tin xấu độc.
Trước tình hình diễn biến
trên không gian mạng ngày càng phức tạp cùng với các hoạt động chống phá có tổ
chức, xây dựng và lên kế hoạch tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, các
đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, theo chúng tôi cần thực hiện
một số vấn đề mang tính giải pháp sau:
Thứ nhất, sử dụng thông tin
chính thống đóng vai trò dẫn dắt định hướng dư luận. Các ban ngành đoàn thể từ
Trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí cần phát huy được vai
trò trong cung cấp thông tin chính thống kịp thời và chính xác, tránh tạo
khoảng trống thông tin để các đối tượng phản động lợi dụng phát tán các thông
tin xuyên tạc, để các tầng lớp nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống
trước khi tiếp cận với thông tin phản động. Hệ thống các kênh truyền thông của
các cấp từ Trung ương đến địa phương cần được xây dựng đồng bộ, có sự liên kết
chặt chẽ giữa các kênh truyền thông để tạo ra sức ảnh hưởng lớn với dư luận.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả
công tác phối hợp, hiệp đồng. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng
trong và ngoài Quân đội có thế mạnh trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái trên không gian mạng và trên báo chí, Trong đó lực lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ
thống luật pháp có cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà cung cấp
dịch vụ mạng xã hội, yêu cầu thực hiện đúng theo pháp luật Việt Nam, hợp tác
trong việc xóa bỏ các thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc ảnh hưởng đến nhiệm
vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phối hợp
lực lượng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cung cấp trao đổi thông tin kiên quyết
đấu tranh, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng Internet mạng xã hội để tổ
chức các hoạt động phát tán tin giả, thông tin sai sự thật nguy hại đến chủ
quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, nghiên cứu phát triển
ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đấu tranh. Xây dựng và khai
thác có hiệu quả các trọng tâm nghiên cứu công nghệ thông tin trên từng lĩnh
vực, từ đó có kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ truyền thông, đấu tranh với thông
tin xấu bảo đảm sự bài bản, tính chính xác, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu các
giải pháp, ứng dụng sức mạnh của khoa học, công nghệ thông tin để tăng cường
khả năng theo dõi, bám nắm, giám sát tình hình; hỗ trợ cho công tác quản lý,
đánh giá chất lượng các hình thức đấu tranh. Nghiên cứu, xây dựng nội dung, xây
dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động triệt phá tin giả,
thông tin sai trái, xấu độc.
Xây dựng hệ thống kênh chỉ
đạo điều hành đồng bộ từ chỉ huy đến cấp thực hiện, kênh liên lạc giữa các lực
lượng tham gia đấu tranh. Hệ thống cho phép điều hành tổ chức các nhiệm vụ
triệt phá tin giả, thông tin sai trái, xấu độc trên Internet, mạng xã hội đồng
thời là kênh để cán bộ thực hiện có thể chia sẻ kinh nghiệm cách thức tổ chức xử
lý thông tin xấu độc. Trang bị cho lực lượng đấu tranh các hệ thống hiện đại để
giám sát phát hiện thông tin phát hiện kịp thời các thông tin xuyên tạc trước
khi bị phát tán ra nhiều tài khoản mạng xã hội tiếp cận đến số lượng lớn cộng
đồng mạng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức,
vai trò cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc khai thác, sử dụng Internet
và mạng xã hội. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ
chốt các cấp, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao hơn nữa nhận
thức, vai trò, trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu nêu gương trong việc khai
thác, sử dụng Internet và mạng xã hội. Phát huy tính hiệu quả, thiết thực việc
sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền tải, nhân rộng
những yếu tố tích cực, tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt, những giá trị
văn hóa nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái của quốc gia, dân tộc. Đồng
thời, tích cực đấu tranh chống các thông tin sai trái, phản động, bịa đặt trên
mạng xã hội, phê bình, phản đối các hành vi lợi dụng Internet, mạng xã hội để
chia sẻ, thông tin, bình luận, đăng tải những hình ảnh phản cảm, thiếu tinh
thần trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm với những khó khăn, mất mát của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét