Trong những năm gần đây, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nổi lên như một khu vực địa chính trị quan trọng, đặc trưng bởi môi trường an ninh ngày càng phức tạp khó lường. Bên cạnh các mối đe dọa truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống (Non-Traditional Security), như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia hay các mối đe dọa về an ninh mạng… đang định hình lại cách các quốc gia trong khu vực nhận thức và thực thi khả năng tự chủ của mình.
An ninh phi truyền thống và xu thế tự chủ chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương: Một số vấn đề về nhận thức chung.
An ninh phi truyền thống (ANPTT) là khái niệm mới xuất hiện trong những thập niên gần đây, gắn liền với những biến động phức tạp của thế giới hiện đại, đặc biệt từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ và đã được bàn luận rộng rãi trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khác với khái niệm an ninh truyền thống vốn tập trung vào các mối đe dọa quân sự từ các chủ thể nhà nước, ANPTT đề cập đến các thách thức có nguồn gốc phi quân sự, xuất phát từ các tác nhân và chủ thể phi nhà nước, nhưng cũng đe dọa sự ổn định và an ninh của con người, quốc gia và cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm chung cho thuật ngữ “an ninh phi truyền thống”, bởi đây là khái niệm mang tính động, thay đổi tùy thuộc vào cách tiếp cận và các mối nguy hiểm mới phát sinh.
Một đặc điểm nổi bật của vấn đề ANPTT đó là tính xuyên quốc gia. Sự nổi lên của các mối đe dọa mới cùng xu hướng toàn cầu hóa khiến biên giới quốc gia dần trở nên mờ nhạt, thay vào đó, các khái niệm như “biên giới mềm” và “không gian ảo” ngày càng được thảo luận rộng rãi. Các quốc gia gần như không thể đơn phương giải quyết các vấn đề này, mà cần có sự hợp tác chặt chẽ, trên cả các diễn đàn song và đa phương. Do đó, mô hình “an ninh truyền thống” do nhà nước nắm vai trò chủ đạo đang bị thách thức bởi bối cảnh thế giới mới, dẫn tới nhận thức mới về an ninh và vấn đề tự chủ chiến lược.
Về cơ bản, khái niệm “tự chủ chiến lược” phản ánh khả năng của một quốc gia trong việc theo đuổi, triển khai chính sách đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia và các ưu tiên đã xác định mà không bị ràng buộc, tác động bởi bất kỳ quốc gia nào khác. Hay nói một cách khác, tự chủ chiến lược là việc các nước đưa ra những lựa chọn chỉ “đơn thuần dựa trên lợi ích quốc gia”. Song, tự chủ chiến lược không có nghĩa là tự cô lập, hay theo đuổi chính sách biệt lập. Khả năng tự chủ của các quốc gia cũng không phải trạng thái cố định hay độc lập một cách tuyệt đối. Có nhiều mức độ tự chủ được ghi nhận, trải rộng từ không có quyền tự chủ (thấp nhất) đến tự chủ về mặt chiến lược (cao nhất), và có thể với những cấp độ giữa là tự chủ mang tính hạn chế, tự chủ đáng kể nhưng vẫn bị giới hạn và tự chủ trong nhiều vấn đề, thậm chí có tầm ảnh hưởng tới các quốc gia nhỏ hơn, nhưng vẫn bị giới hạn khi tương tác với các nước lớn hơn. Ngoài ra, tự chủ chiến lược cũng có nhiều khía cạnh, như tự chủ về chính trị, về kinh tế…
Do tính chất đặc điểm có phần trái ngược mà các xu thế về tự chủ chiến lược cùng các mối đe dọa ANPTT đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia dường như phải đối mặt với lựa chọn: hoặc duy trì quyền tự chủ truyền thống dựa trên sự tự lực, hoặc xây dựng các chính sách hợp tác nhằm xử lý các thách thức chung đến từ các vấn đề ANPTT. Điều này làm thay đổi cách tiếp cận truyền thống về quyền tự chủ, buộc các quốc gia phải cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ chủ quyền và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có sự đa dạng về năng lực và lợi ích quốc gia, các thách thức ANPTT không chỉ làm xói mòn các khái niệm tự chủ truyền thống mà còn thúc đẩy sự hợp tác khu vực như một chiến lược cần thiết để tăng cường khả năng ứng phó. Ví dụ, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đẩy các quốc đảo nhỏ phải tìm kiếm hỗ trợ từ các nước lớn, đồng thời tham gia vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng chống chịu. Tương tự, sự gia tăng các cuộc tấn công mạng buộc các quốc gia, như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia phải đầu tư vào các sáng kiến đa phương, như hợp tác an ninh mạng trong khuôn khổ Đối thoại an ninh tứ giác (QUAD). Thực tiễn đó đặt ra câu hỏi, liệu có phải các thách thức ANPTT là trở ngại cho khả năng tự chủ và rộng hơn là xu thế tự chủ chiến lược của các quốc gia? Tuy nhiên, có một thực tế khác không thể không thừa nhận, khả năng tự chủ của các quốc gia cũng sẽ không được bảo đảm nếu như các thách thức an ninh, trong đó có ANPTT, không được giải quyết một cách hiệu quả. Mọi thách thức an ninh đều là những uy hiếp đối với sự tồn tại của quốc gia, các thách thức ANPTT cũng vậy. Do đó, sự tự chủ của quốc gia cần phải được xây nên trước tiên bằng những nỗ lực giải quyết các thách thức đó. Vô hình trung, hợp tác để giải quyết các thách thức ANPTT trở thành tiền đề cho sự tự chủ của quốc gia. Nói cách khác, khả năng tự chủ của các quốc gia và chủ thể trong khu vực cần được xác định không chỉ bởi sự tự lực mà còn bởi khả năng phối hợp để giải quyết các thách thức phi truyền thống mang tính toàn cầu. Vấn đề sẽ là, sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong đối mặt với các thách thức ANPTT cần ở mức độ nào, theo phương cách ra sao để không cản trở khả năng tự chủ chiến lược của các quốc gia; đâu là những nhân tố có thể tác động để hỗ trợ hài hòa hai mặt của vấn đề.
Tác động của một số thách thức an ninh phi truyền thống tới xu thế tự chủ chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiện nay, thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang cùng lúc đối mặt với hàng loạt thách thức ANPTT, từ ô nhiễm môi trường, BĐKH, dịch bệnh, đến an ninh mạng, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Trong số đó, các vấn đề về BĐKH, dịch bệnh và an ninh mạng được cho là những thách thức cơ bản và cấp bách nhất, đòi hỏi ưu tiên giải quyết hàng đầu. Lựa chọn những trường hợp điển hình này không chỉ phản ánh mức độ ảnh hưởng của chúng với khu vực, mà còn góp phần làm rõ mối quan hệ đan xen, phức tạp giữa vấn đề tự chủ chiến lược với các thách thức ANPTT đương đại.
Vấn đề biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với khả năng tự chủ của các quốc gia, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ tại nam Thái Bình Dương, như Maldives và Kiribati. Mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH không chỉ đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ mà còn làm suy thoái các nguồn tài nguyên trên đất liền, từ đó gián tiếp làm suy yếu năng lực kinh tế và chính trị nội địa. Trước thực tế đó, các quốc gia này đều buộc phải dựa vào hỗ trợ quốc tế, bao gồm viện trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này dẫn đến một nghịch lý: trong khi các nguồn lực từ bên ngoài giúp các quốc đảo đối phó với khủng hoảng, nó cũng làm giảm khả năng tự quyết, đặc biệt trong các vấn đề chiến lược và chính sách nội bộ.
Các quốc đảo nhỏ tại Nam Thái Bình Dương một phần khẳng định khả năng tự chủ thông qua việc tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế như Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Thông qua việc kêu gọi hành động trước sự BĐKH toàn cầu, các quốc gia này không chỉ vận động các nước phát triển thực hiện cam kết giảm phát thải, mà còn yêu cầu hỗ trợ tài chính cho các dự án thích ứng và ngăn chặn hệ quả của tình trạng BĐKH. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, họ phải phụ thuộc vào các đối tác lớn, như Australia, Nhật Bản và Mỹ. Đôi khi các quốc đảo này buộc phải nhượng bộ trong các lĩnh vực khác để đổi lấy viện trợ. Mặt khác, các sáng kiến hợp tác khu vực như Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương đã giúp các quốc gia tăng cường tiếng nói chung, tạo ra hình thức “tự chủ tập thể” trong việc đàm phán với các cường quốc và tổ chức quốc tế.
Đến năm 2030, tác động của BĐKH đối với các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dự kiến trở nên nghiêm trọng hơn, với nguy cơ mất đất đai và gia tăng dòng người di cư vì BĐKH. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), khu vực này có mật độ dân số ven biển cao nhất thế giới, khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ lũ lụt và buộc phải di dời. Dự báo đến năm 2050, BĐKH có thể khiến 216 triệu người trên toàn cầu phải di cư nội địa, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến có khoảng 49 triệu người, chiếm 2% dân số khu vực. Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hơn 80% trong số 1.200 đảo san hô ở khu vực này đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, với tình trạng nước biển dâng, lũ lụt ven biển và xâm nhập mặn.
Trong bối cảnh đó, sự phụ thuộc vào viện trợ quốc tế chắc chắn sẽ gia tăng, đặc biệt là khi các quốc gia nhỏ thiếu nguồn lực trong nước để đầu tư vào kết cấu hạ tầng bền vững hoặc công nghệ xanh. Tuy nhiên, các quốc gia này có thể tăng cường vị thế thông qua việc tham gia tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Ví dụ, sự phát triển của các tổ chức khu vực như Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương và các sáng kiến quốc tế như Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Những nỗ lực này có thể giúp các quốc gia nhỏ giảm bớt phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài, thay vào đó, tận dụng lợi thế từ các tổ chức đa phương hay sự hợp tác giữa các nước nhỏ cùng bị đe dọa bởi vấn đề BĐKH để đạt được các mục tiêu bền vững. Đồng thời, các quốc gia này sẽ có cơ hội định hình các chuẩn mực và quy tắc quốc tế về BĐKH, từ đó giành được ảnh hưởng đáng kể hơn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, khả năng duy trì sự cân bằng giữa phụ thuộc và tự chủ sẽ dựa vào mức độ mà các quốc gia này có thể phát triển nội lực, đặc biệt trong các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng. Nếu không, nguy cơ bị các cường quốc lớn thao túng sẽ ngày càng gia tăng, làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược trong dài hạn. Vì vậy, chiến lược tương lai cần kết hợp giữa tăng cường năng lực nội tại và khai thác tối đa lợi thế từ hợp tác đa phương để bảo đảm không chỉ sự sống còn mà còn quyền và khả năng tự quyết của các quốc gia này.
Vấn đề dịch bệnh.
Từ trong lịch sử, vấn đề dịch bệnh đã luôn là một thách thức đối với nhân loại không chỉ gây ra thiệt hại về sinh mạng mà còn làm thay đổi cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị. Từ đại dịch “Cái chết đen” ở châu Âu thế kỷ XIV đến đại dịch cúm Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XX, các cuộc khủng hoảng y tế cho thấy khả năng đe dọa tới sự phát triển ổn định của các quốc gia, ảnh hưởng tới tổng quan sức mạnh, gây ra những hệ quả lâu dài. Tuy nhiên, nếu trong lịch sử, phạm vi lây lan của dịch bệnh chỉ dừng lại ở một không gian địa lý trong một quốc gia hoặc một khu vực nhất định, sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhu cầu trao đổi buôn bán cùng xu thế toàn cầu hóa khiến cho dịch bệnh trở thành một thách thức toàn cầu. Điển hình, đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ những hạn chế nghiêm trọng trong hệ thống y tế công cộng của nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia nhỏ và kém phát triển. Sự thiếu hụt kết cấu hạ tầng, nhân lực y tế và nguồn lực tài chính đã khiến các quốc gia này phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để tiếp cận các thiết bị y tế và vaccine. Thực tế cho thấy rằng, gần như vaccine - yếu tố then chốt trong việc đẩy lùi dịch bệnh, đều được nghiên cứu, sản xuất và phân phối bởi các nước lớn. Tình trạng phụ thuộc này không chỉ bộc lộ sự mong manh của các hệ thống y tế mà còn tạo ra những thách thức về quyền tự chủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các quốc gia nhỏ không thể tự quyết định các chính sách y tế phù hợp với bối cảnh trong nước mà phải điều chỉnh theo điều kiện từ các nhà tài trợ hoặc tổ chức quốc tế, làm suy giảm khả năng hoạch định chiến lược độc lập.
Trong bối cảnh đó, các sáng kiến khu vực như Trung tâm ASEAN về Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm (ACPHEED) đã nổi lên như một giải pháp giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác ngoài khu vực. Các cơ chế hợp tác này không chỉ cung cấp nền tảng chia sẻ nguồn lực và chuyên môn, mà còn thúc đẩy khả năng tự chủ tập thể, trong đó các quốc gia trong khu vực cùng phối hợp để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, đối với những quốc gia nhỏ hơn, khả năng tự chủ y tế vẫn bị giới hạn bởi sự phụ thuộc vào viện trợ quốc tế để duy trì các hoạt động cơ bản, từ mua sắm vaccine đến xây dựng năng lực xét nghiệm và điều trị.
Trong tương lai, tác động từ các cuộc khủng hoảng về y tế gây ra bởi đại dịch dự kiến sẽ thúc đẩy 2 xu hướng trái ngược. Một mặt, sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng y tế toàn cầu có thể tiếp tục duy trì, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ và có nguồn lực hạn chế. Các quốc gia này sẽ cần hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển để bảo đảm quyền tiếp cận các công nghệ y tế tiên tiến và nguồn tài chính cần thiết. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự mất cân bằng quyền lực, khi các quốc gia nhận viện trợ phải chấp nhận điều kiện từ các đối tác lớn, từ đó làm suy yếu khả năng tự chủ trong chính sách y tế. Mặt khác, các sáng kiến hợp tác khu vực, nếu được củng cố, có thể thúc đẩy một hình thức tự chủ mới dựa trên năng lực tập thể. Ví dụ, ACPHEED và các sáng kiến tương tự có thể giúp các quốc gia chia sẻ chi phí, tài nguyên và công nghệ, giảm phụ thuộc vào các tác nhân ngoài khu vực. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng y tế, mà còn bảo vệ quyền tự chủ của các quốc gia trong việc định hình chính sách y tế phù hợp với nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, mức độ thành công của các sáng kiến này phụ thuộc vào khả năng đầu tư dài hạn vào hệ thống y tế trong nước. Các quốc gia cần tận dụng các nguồn lực sẵn có để xây dựng hạ tầng y tế bền vững, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất thiết bị và dược phẩm. Nếu không đạt được những tiến bộ này, xu hướng phụ thuộc vào viện trợ quốc tế sẽ tiếp tục kéo dài, làm giảm đáng kể khả năng tự chủ chiến lược trong lĩnh vực y tế, đẩy các quốc gia nhỏ vào tình thế dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng tương lai.
Vấn đề an ninh mạng.
Cùng với BĐKH và dịch bệnh, an ninh mạng nổi lên như một thách thức lớn đối với các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đe dọa không chỉ sự ổn định mà còn cả quyền tự chủ trên không gian số. Các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là việc phát tán các thông tin sai lệch, đã làm xói mòn niềm tin vào các thể chế chính phủ và gây bất ổn xã hội. Với việc công nghệ trở thành yếu tố cốt lõi trong các hoạt động kinh tế và quản trị quốc gia, khả năng tự chủ trên không gian số đang trở thành một thành tố quan trọng trong chiến lược tổng thể của các quốc gia. Tuy nhiên, khoảng cách về năng lực công nghệ và sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã khiến nhiều quốc gia nhỏ trong khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn. Những nỗ lực nhằm tăng cường tự chủ trên không gian mạng đang được triển khai tại nhiều quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ với chính sách định vị dữ liệu và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng an ninh mạng nội địa. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trong khu vực đều có đủ nguồn lực và năng lực để theo đuổi chiến lược này. Cũng giống như các vấn đề ANPTT khác, các quốc gia nhỏ hơn buộc phải dựa vào công nghệ và nguồn lực từ các đối tác lớn, đôi khi đánh đổi bằng sự tự chủ trong quyết định về chính sách quốc gia trên không gian số.
Trong những năm tới, an ninh mạng dự kiến sẽ tiếp tục là một trong những thách thức trọng tâm của khu vực, với sự gia tăng cả về quy mô và tính phức tạp của các cuộc tấn công mạng. Công nghệ trở thành một trong những yếu tố trọng yếu, quyết định sự phát triển của các quốc gia trong thập niên tới, nhưng cũng chính công nghệ lại gây ra không ít thách thức về mặt an ninh cho các quốc gia này. Nếu không có sự chuẩn bị và những chính sách hợp lý, các nước có thể phải đối mặt với tình thế lưỡng nan là tăng cường phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài để bảo đảm an ninh trước mắt hoặc đầu tư dài hạn để xây dựng năng lực số trong nước, một quá trình đòi hỏi nguồn lực và thời gian đáng kể.
Dự kiến tới năm 2030, vấn đề an ninh mạng sẽ được định hình bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất, các quốc gia lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia có thể dẫn đầu trong việc thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực nhằm củng cố năng lực an ninh mạng tập thể. Những sáng kiến này, mặc dù giúp tăng cường khả năng ứng phó trước mắt, có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn ngày càng lệ thuộc vào các hệ thống công nghệ do các đối tác lớn kiểm soát. Thứ hai, các quốc gia nhỏ, để giảm phụ thuộc, có thể lựa chọn thúc đẩy các chính sách, như đa dạng hóa nguồn cung công nghệ, hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển trong nước. Nếu không giải quyết được sự phụ thuộc công nghệ, các quốc gia nhỏ trong khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được quyền tự chủ trên không gian mạng một cách toàn diện, đồng thời đối mặt với rủi ro bị các quốc gia lớn hơn thao túng trong các vấn đề chiến lược. Đến năm 2030, quyền tự chủ trên không gian mạng sẽ không chỉ là một mục tiêu chiến lược, mà còn là tiêu chí đánh giá năng lực quốc gia trong việc quản lý các thách thức toàn cầu và bảo vệ lợi ích quốc gia trong một thế giới số hóa. Điều này đòi hỏi sự đầu tư không ngừng vào kết cấu hạ tầng, nhân lực và hợp tác khu vực giúp các quốc gia trong khu vực có thể thích nghi và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đối mặt với các thách thức ANPTT ngày càng gia tăng, khả năng tự chủ chiến lược không còn chỉ được định nghĩa bằng sự tự lực mà còn phụ thuộc vào khả năng hợp tác và thích nghi linh hoạt. Vấn đề BĐKH, đại dịch, an ninh mạng không chỉ thử thách năng lực của các quốc gia, mà còn đặt ra tình thế lưỡng nan trong việc cân bằng giữa bảo vệ chủ quyền và khai thác lợi ích từ sự phụ thuộc lẫn nhau. Những thách thức này buộc các quốc gia phải định hình lại tư duy và chiến lược về tự chủ, đặt trọng tâm vào xây dựng năng lực nội tại trong khi tận dụng sức mạnh của hợp tác khu vực và toàn cầu. Dự báo, các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với yêu cầu cấp bách hơn trong việc định hướng chính sách vừa đáp ứng các nhu cầu trong nước, vừa bảo vệ vị thế của mình trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp. Các sáng kiến hợp tác khu vực là những nhân tố quan trọng, cung cấp nền tảng cho các quốc gia nhỏ hơn trong việc tăng cường tiếng nói tập thể, giảm bớt sự lệ thuộc vào các cường quốc. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc vào sự cam kết đầu tư dài hạn vào năng lực nội tại, bao gồm năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng y tế, hạ tầng số.
Cuối cùng, tự chủ chiến lược trong thời đại mới sẽ không chỉ là câu chuyện về sự độc lập, mà còn là khả năng điều hướng một cách hiệu quả trong một hệ sinh thái toàn cầu hóa và nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chính sách, sự sáng tạo trong các giải pháp hợp tác, cam kết mạnh mẽ từ các quốc gia trong việc phát triển bền vững, từ đó bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét