Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng văn hóa Việt Nam.

 Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập,...

 Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chiều 21/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ trì buổi Lễ có các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Dự buổi Lễ có các đồng chí: Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn, Tổ giúp việc Ban Biên soạn cuốn sách.

Cuốn “cẩm nang” quý về văn hóa

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản. Được triển khai từ tháng 3/2023, cuốn sách đã hoàn thành, ra mắt vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Cuốn sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Trong đó, phần thứ nhất “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc,... Với những lập luận đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng rất phong phú và sinh động, đồng chí đã lý giải cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hoá.

  Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Lễ ra mắt sách. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Phần thứ hai “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Với thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản;…

Phần thứ ba “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”, tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Cuốn sách tuyển chọn hơn 90 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa; các chuyến đi thăm, làm việc với các địa phương; các cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền Tổ quốc. 

Các đại biểu tham quan trưng bày sách. (Ảnh: Nam Nguyễn) 

Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam - vấn đề mang tính trọng tâm, đột phá chiến lược, là nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời, đồng chí cũng quan tâm chỉ đạo với những định hướng giải pháp thiết thực từ những vấn đề bao quát cho đến các lĩnh vực, các khía cạnh cụ thể của văn hóa.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, cuốn sách được sưu tầm, biên tập và xuất bản nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; trên cơ sở đó giúp cán bộ, đảng viên, các ngành, các cấp, các địa phương triển khai sâu rộng hơn, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hoá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung. Nội dung cuốn sách đồng thời khắc họa sâu sắc, sinh động một nhân cách văn hóa cao đẹp, giản dị, gần gũi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cuốn “cẩm nang” quý về văn hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ.

Tại lễ ra mắt sách, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ý thức sâu sắc rằng Cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn, bởi đây không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của Người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; qua đó góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền v,ăn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Toàn ngành Văn hoá hết sức vui mừng vì có thêm cuốn “Cẩm nang” cho công tác phát triển văn hoá, đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm quán triệt sâu sắc, chuyển tải, cụ thể hoá những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để những nội dung cốt lõi của cuốn sách được lan tỏa, thấm sâu vào tâm thức của đội ngũ những người làm công tác văn hoá, biến nhận thức thành hành động cụ thể; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo về quá trình biên soạn, xuất bản cuốn sách. 

Báo cáo về quá trình biên soạn, xuất bản cuốn sách, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, việc tổ chức biên tập, xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư là một nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm lớn lao, đồng thời là niềm vinh dự của các cơ quan được giao nhiệm vụ, trong đó có Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. “Mỗi cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư đều đặt yêu cầu rất cao về tính chính xác, tính khoa học, tính chính trị” - đồng chí Vũ Trọng Lâm cho biết.

Đồng chí Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản chia sẻ, văn hóa là lĩnh vực có nội hàm rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do vậy nội dung cuốn sách cũng có những đặc thù riêng, hình thức chuyển tải cũng phải thể hiện được đặc trưng của văn hóa; đồng thời với khối lượng tư liệu lớn, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết từ khi là cán bộ của Tạp chí Cộng sản đến cương vị là người đứng đầu Đảng ta, lưu trữ ở nhiều cơ quan, đơn vị, do vậy Nhà xuất bản đã tiến hành công việc rất khẩn trương, cẩn trọng; sưu tầm tư liệu, bài viết từ nhiều nguồn khác nhau; tham khảo và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi nội dung. Bên cạnh đó, việc sưu tầm, tuyển chọn tư liệu, xây dựng đề cương, sắp xếp các bài viết được tiến hành song song với công tác biên tập để bảo đảm tiến độ xuất bản sách. Bản thảo được biên tập kỹ lưỡng, qua nhiều lần trình xin ý kiến Văn phòng Tổng Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư về nội dung cuốn sách.

Làm sâu sắc, sống động thêm những nguyên lý căn cốt về văn hóa

Chia sẻ tại lễ ra mắt sách, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Nghiên cứu 92 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư in trong cuốn sách này, có thể cảm nhận rất rõ những luận điểm cốt lõi, nhất quán, ngày càng hoàn thiện của Tổng Bí thư về văn hóa.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư hệ thống, khái quát những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm khoa học, sáng tạo của Đảng về văn hóa. Đồng thời, với tầm cao trí tuệ, sự hiểu biết sâu rộng, Tổng Bí thư đã làm sâu sắc, phong phú, sống động thêm những nguyên lý căn cốt về văn hóa, nổi bật là sáu luận điểm: Thứ nhất, văn hóa là giá trị sáng tạo tinh hoa, là hồn cốt, sinh khí, sức mạnh của dân tộc. Văn hóa còn là dân tộc còn.

Thứ hai là, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, sức mạnh nội sinh của dân tộc, và khái quát cao hơn như Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV đầu năm 2024, văn hóa là nền tảng phát triển.

Thứ ba là, nền văn hóa mà Đảng, nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, thấm đậm tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; là sự tích hợp giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị các loại hình, lĩnh vực văn hóa, giá trị văn hóa các vùng miền, địa phương...

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại Lễ ra mắt sách.

Thứ tư là, phát triển văn hóa đồng bộ, ngang bằng với chính trị, kinh tế, xã hội; kết gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường văn hóa, phát triển các lĩnh vực văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt, mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ của đời sống xã hội, tạo thành và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình làm nền tảng định hình chuẩn mực giá trị đạo đức và tạo nên sức mạnh của con người Việt Nam.

Thứ năm là, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó tài năng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của đội ngũ trí thức, trực tiếp là cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà báo...là những nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên tầm vóc của dân tộc thông thái, đất nước văn hiến, văn minh.

Thứ sáu là, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; xây dựng văn hóa trong Đảng làm nòng cốt để xây dựng, chấn hưng văn hóa dân tộc; cán bộ, đảng viên, phải là những tấm gương về văn hóa, đạo đức. 

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh: Sáu luận điểm được Tổng Bí thư luận giải thuyết phục trong tác phẩm là những nguyên lý có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, đầy sức sống và bền vững.

Đại diện giới văn nghệ sĩ, PGS,TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tri thức sâu rộng, sự am hiểu tinh tế về tính chất, đặc điểm, đặc trưng của văn hóa, của từng loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trải qua nhiều thời kỳ, trên nhiều cương vị công tác, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức nước nhà.

“Qua cuốn sách, một lần nữa chúng tôi nhận thức sâu hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đối với sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà.” - PGS,TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Tuyên truyền nội dung cuốn sách đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ ra mắt sách, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, các cơ quan tuyên giáo các cấp và các cơ quan báo chí, xuất bản thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt sách. (Ảnh: Nam Nguyễn) 

Thứ nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp. Việc tuyên truyền nội dung cuốn sách phải được tổ chức có chiều sâu và hiệu quả, góp phần tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức biên dịch và xuất bản cuốn sách bằng nhiều ngoại ngữ, phát hành rộng rãi đến các cơ quan đối ngoại trong và ngoài nước, góp phần phục vụ công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Trung ương và các hội thành viên, tổ chức cho các đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách; tuyên truyền sâu rộng nội dung cuốn sách trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước và cụ thể hóa trong tổ chức triển khai nhiệm vụ. Hệ thống giáo dục toàn quốc tập trung nghiên cứu, xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về văn hóa trên cơ sở nội dung cuốn sách.

Các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng sách cho các cơ quan, đơn vị. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Thứ ba, các chi bộ đảng mở sinh hoạt chuyên đề nghiêm túc, hiệu quả về nội dung cuốn sách. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời gian tới.

Để lan tỏa giá trị của cuốn sách quý đến đông đảo nhân dân trong và ngoài nước, cùng với việc xuất bản sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng thời xuất bản phiên bản điện tử cuốn sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân, bạn đọc trong nước và nước ngoài trên trang https://sachquocgia.vn. Đồng thời, ngay sau Lễ ra mắt cuốn sách, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sẽ khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan biên dịch nội dung cuốn sách ra nhiều ngoại ngữ, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới./.


Mở đợt thi đua nước rút hoàn thành xây dựng đường dây 500kV mạch 3.

 Thủ tướng yêu cầu mở đợt thi đua cao điểm đặc biệt, “nước rút”, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc dựng cột, kéo dây, thử nghiệm trong tháng 6/2024 để tháng 7/2024 tiến hành kiểm tra, làm thủ tục vận hành kỹ thuật, nghiệm thu, hoàn nguyên môi trường và khánh thành dự án, đưa đường dây tải điện 500kV mạch 3 vào hoạt động.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, sáng 23/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra triển khai dự án đoạn qua tỉnh Nghệ An và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy triển khai dự án đảm bảo tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình thi công dựng cột VT22 tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, thuộc dự án thành phần đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, có chiều dài 92km, với 200 móng cột (Nghệ An 34 móng cột; Thanh Hóa 166 móng cột).

Vui mừng trước không khí thi công khẩn trương tại công trường dựng cột VT22, có chiều cao tới 88m, khối lượng thép dựng cột trên 200 tấn, việc thi công xây dựng cột trong điều kiện địa hình khó khăn phức tạp, thời tiết bất lợi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương lực lượng thi công được điều động từ nhiều vùng miền của đất nước về chi viện cho dự án, cũng như sự chung tay góp sức của lực lượng tại chỗ của địa phương như đoàn thanh niên… hỗ trợ, tiếp tế phục vụ thi công; các đơn vị nhà thầu không chỉ sử dụng thiết bị, phương tiện hiện đại mà có nhiều sáng kiến kỹ thuật, vận chuyển nguyên vật liệu, xây lắp…

Mở đợt thi đua "nước rút" để hoàn thành đường dây 500KV mạch 3 (Nguồn: vtvgo.vn)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lực lượng thi công và nhân dân địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy triển khai dự án, đồng thời tổ chức hoàn nguyên, trả lại cảnh quan, môi trường; mong muốn đoàn viên, thanh niên địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, tích cực tham gia dự án, cũng như các phong trào, công trình, dự án quốc gia khác, vì lợi ích đất nước và quê hương; phấn đấu hoàn thành lắp dựng cột vào ngày 27/6.

* Sau khi kiểm tra thực địa thực hiện dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương nhằm thúc đẩy triển khai dự án đảm bảo tiến độ.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 từ Phố Nối - Quảng Trạch có tổng chiều dài khoảng 519km; tổng mức đầu tư khoảng 22.356 tỷ đồng. Dự án gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; Thanh Hóa - Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 và Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Phố Nối. Các dự án thành phần được khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.

Toàn dự án có 1.177 vị trí cột, trong đó, tại Nghệ An có hơn 200 móng cột, Hà Tĩnh có gần 285 móng cột và Thanh Hóa có 299 móng cột. Như vậy, đường dây đi qua 3 tỉnh kể trên chiếm khoảng 2/3 móng cột của đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.

Với tinh thần triển khai “thần tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các phần giải phóng mặt bằng, hành lang tuyến, đúc móng cột đã hoàn thành; đang tập trung dựng cột và kéo dây; phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác xây dựng trong tháng 6/2024 để sang tháng 7/2024 tổ chức nghiệm thu, đưa đường dây tải điện vào khai thác.

Tại cuộc làm việc, các bộ, ngành và địa phương cũng báo cáo và đề xuất một số nhiệm vụ, nhằm thúc đẩy dự án như việc vận chuyển vật liệu, thiết bị; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; huy động nhân lực có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề cao cho dự án…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, khối lượng công việc lớn. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa thành quả, kinh nghiệm các đường dây trước đây; với tư duy, phương pháp luận, cách làm phù hợp, mặc dù mới được triển khai khoảng 6 tháng, song dự án đã đạt khối lượng công việc khổng lồ, tương đương với công việc thực hiện của 2-3 năm, với chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình được đảm bảo; an toàn lao động, bảo vệ môi trường, đời sống của người dân có đường điện đi qua, nhường mặt bằng cho dự án được đảm bảo.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết tâm cao, quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng tham gia dự án, nhất là các lãnh đạo và cán bộ, công nhân đã “lăn lộn trên công trường, thậm chí cử cả người sang nước ngoài, kiểm từng contairner để đưa thiết bị về nước”; biểu dương và cảm ơn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị của ngành điện trên khắp mọi miền đất nước đã về hỗ trợ triển khai dự án, lao động hăng say trong thời tiết nắng gắt của miền Trung; cảm ơn nhân dân đã nhường đất cho dự án; bà con, các đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh và đặc biệt là đoàn thanh niên đã tiếp sức cho các lực lượng thi công và tham gia các phần việc có thể.

“Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khi nắng thì như đổ lửa, khi mưa lại như trút nước, nhưng toàn thể lực lượng tham gia dự án đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi thách thức đạt được tiến độ rất tốt”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng động viên kỹ sư, công nhân các đơn vị đang thi công dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đoạn qua tỉnh Nghệ An. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Nêu các bài học kinh nghiệm để có được thành công trong việc triển khai dự án cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện…, Thủ tướng nêu rõ phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá; bố trí các nguồn vốn, tập trung nguồn lực cho dự án; khi triển khai phải huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước và huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ cho dự án, với tinh thần “đồng lòng, quyết chí, toàn dân, toàn diện, tổng thể” và hiệu quả.

Sau khi có mặt bằng thì phải khẩn trương triển khai đồng loạt, đồng bộ, nhịp nhàng với tinh thần “móng không đợi cột, cột không đợi dây” và “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thi công đồng bộ trên tất cả các vị trí, công đoạn, công việc thuộc phạm vi dự án…

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu mở đợt thi đua cao điểm đặc biệt, “nước rút”, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc dựng cột, kéo dây, thử nghiệm trong tháng 6/2024 để tháng 7/2024 tiến hành kiểm tra, làm thủ tục vận hành kỹ thuật, nghiệm thu, hoàn nguyên môi trường và khánh thành dự án, đưa đường dây tải điện 500kV mạch 3 vào hoạt động.

Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động và dồn lực cho dựng cột, kéo dây, vận hành các trạm biến áp, triển khai các thủ tục cần thiết; quan tâm chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng thi công trên công trường.

Các địa phương phối hợp bàn giao hành lang tuyến, huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… hỗ trợ triển khai các công việc khác như vận chuyển nguyên vật liệu, trang thiết bị, phục vụ hậu cần, ăn ở… để công nhân tập trung làm việc; đồng thời rà soát, bảo đảm người dân đã nhường mặt bằng cho dự án đã có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Các bộ ngành rà soát, tiếp tục triển khai các công việc, xử lý các vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao như vướng mắc liên quan tới chuyển đổi đất rừng…

Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin thành quả triển khai dự án; đồng thời phân tích bài học hay, kinh nghiệm quý, nhất là trong công tác chỉ đạo, huy động nguồn lực, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, đơn vị trong triển khai dự án để truyền cảm hứng, áp dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện cho các dự án sau này; góp phần xây dựng đất nước ta ngày một hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./. 

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Nguồn cảm hứng cho vị Đại tướng đọc thơ

 

Mỗi lần trở lại thăm Trường Sĩ quan Chính trị, tôi như được trẻ lại trong bầu không khí tươi vui, tràn đầy nhiệt huyết của những con người luôn khát khao dâng hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị.

Mùa thi dặm dài nỗi nhớ

 

Chiều đi trên phố, nắng chiếu nghiêng nghiêng vẽ bóng người đổ dài dưới mặt đường. Con phố nhỏ có hàng cây xanh mát khẽ xao động khi có gió thoảng qua. Dừng xe bên quán nước vỉa hè, tôi gọi cốc trà đá mát lạnh. Ngồi ngắm nhìn phố xá, dòng người vẫn hối hả ngược xuôi. Chiếc xe máy từ từ đỗ lại. Người đàn ông trông vẻ khắc khổ cất lời:

Gia đình là động lực

 

Gắn bó với Viện Y học dự phòng Quân đội tròn 11 năm, Thiếu tá Võ Sơn Tùng đã đóng góp nhiều đề tài, sáng kiến cho Viện, cho Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và giành được nhiều giải thưởng. Để có những thành công ấy, theo anh Tùng, phía sau anh luôn có điểm tựa gia đình vững chắc, giúp anh vững bước trên con đường quân ngũ.

Sân chơi bổ ích dịp hè về

 

Với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án Khu Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) A So-A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), những ngày hè năm 2024 thực sự bổ ích khi được tham gia lớp dạy bơi miễn phí do Đoàn KT-QP 92 (Quân khu 4) phối hợp với Huyện đoàn A Lưới tổ chức. Thông qua lớp học, các em được đào tạo bài bản về kỹ năng bơi lội, cách phòng tránh tai nạn đuối nước, đồng thời tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn.

Cảnh giác trước các "tin bẩn"

 

Mọi người cần hết sức cảnh giác trước những thông tin suy diễn, không có kiểm chứng đăng trên mạng xã hội; đồng thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra giải pháp hữu hiệu phòng, chống “tin bẩn”.

"Tôi không lạc đề"!

 

Họp Đảng ủy xã đánh giá về công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Lê là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ thôn Đoài phát biểu thẳng thắn:

Trái ngọt cho những nỗ lực, cố gắng

 

Là kỹ sư của Khoa Trang bị, Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần Quân khu 4, công việc của Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm được ví như bác sĩ của các loại máy móc.

Ước mơ của chiến sĩ Sùng Sinh

 

Được phục vụ lâu dài trong Quân đội, trở thành sĩ quan Hải quân là ước mơ của Trung sĩ Sùng Sinh, người dân tộc Mông, chiến sĩ Trạm ra-đa 485, Trung đoàn 151, Vùng 1 Hải quân.

Câu chuyện sau những tấm ảnh liệt sĩ

 

Mới đây, chúng tôi tham gia cùng nhóm phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ do anh Phùng Quang Trung phụ trách và đoàn làm phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân dự chương trình “Thanh Miện quê hương - Ngày trở về” tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Những bữa ăn đặc biệt giữa trùng khơi

 

Để đến được với Trường Sa là điều không hề dễ dàng, cần có một sức khỏe tốt để vượt qua hàng nghìn hải lý với điều kiện thời tiết, sóng gió trên biển bất thường. Vì vậy mới thấy vai trò quan trọng của những "anh nuôi" trên các tàu chở đoàn đại biểu đến thăm Trường Sa. Họ là những người thầm lặng đứng sau bảo đảm sức khỏe cho cả đoàn công tác để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Nữ bác sĩ quân y hết mình vì nhiệm vụ​

 

Đến Bệnh viện Quân y 120, Cục Hậu cần Quân khu 9 nhiều người đều biết đến Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Khoa Cán bộ, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Bệnh viện Quân y 120.

Mỗi đảng viên phải có trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

 ĐCSVN) - Mỗi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi đảng viên

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Với góc nhìn của một đảng viên sinh hoạt chi bộ tại địa bàn dân cư, tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ nhiệm vụ của người đảng viên trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong sinh hoạt hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, chúng ta không thể không nghe những tiếng khen, lời chê hoặc phê phán sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành xã hội của Nhà nước. Có những lời khen đúng, chê hoặc phê bình đúng, cần phải nghe để kiến nghị các cấp sửa chữa làm cho tốt hơn. Song, cũng có những sự phê phán, phản bác với luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ... Là đảng viên, chúng ta cần nhìn cho đúng bản chất của từng sự việc để chống lại, phản bác, đấu tranh lại những luận điệu sai trái của những cá nhân, thế lực thù địch!

Nếu chú ý một chút, chúng ta có thể thấy các thế lực thù địch, những cá nhân phản động, những người trước kia hoạt động cách mạng hoặc công tác trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng do bất mãn hoặc vì lý do nào đó đã quay ngoắt lại nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử ...

Đối với Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, cá nhân phản động, cơ hội... thường lu loa rằng: Đảng không thể chống tham nhũng thành công, vì chế độ độc đảng cầm quyền sẽ thủ tiêu đấu tranh; muốn chống tham nhũng thành công thì phải mở rộng dân chủ, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chê bai quản lý yếu kém, tham nhũng; bịa đặt, suy diễn thiếu căn cứ gây hiểu lầm, hoang mang trên cộng đồng mạng và trong nhân dân nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ... Trên thực tế ở nơi này, nơi khác, có những đảng viên vẫn còn sinh hoạt đảng, lại đi nói xấu Đảng, phê phán đường lối, chủ trương của Đảng thiếu căn cứ, nói ẩu, nói bừa. Có người nói thẳng rằng còn ở trong đảng là vì quyền lợi chính trị của gia đình mình, chứ thật tình không thiết tha gì với lý tưởng của Đảng. Chính vì thấy được thực trạng đó, nên Đảng mới chỉ ra sự thoái hóa chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...của một bộ phận đảng viên.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật... Thời điểm họ xuyên tạc thường vào những dịp, những sự kiện lớn như: đại hội đảng các cấp, toàn quốc, hay mới đây là dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(30/4/1975 - 30/4/2021) và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.... Luận điệu nói xấu, xuyên tạc là nhằm hạ thấp ý nghĩa to lớn của chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam; rằng giải phóng được Sài Gòn gần như nguyên vẹn là nhờ trước đó Dương Văn Minh đã “chủ động hoà hợp hoà giải”; hay “Việt Nam không nên kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 nếu muốn hòa hợp dân tộc”! Còn trong cuộc bầu cử, chúng xuyên tạc rằng việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác nhân sự; kích động, kêu gọi người dân không tham gia bầu cử; lợi dụng việc "tự ứng cử" để gây rối; kêu gọi cử tri “tẩy chay bầu cử”, “không đi bỏ phiếu”, “bỏ phiếu trắng”… với mong muốn tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Và hơn thế nữa, thông qua việc tuyên truyền với luận điệu “tẩy chay bầu cử”, các thế lực phản động, thù địch còn muốn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ cho các âm mưu, hoạt động chống phá của chúng.

Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam biết rất rõ về tình hình đất nước của mình. Trong 46 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển , đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Những thành tựu trong thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, chính là kim chỉ nam hành động của toàn thể đảng viênvà Nhân dân ta nhằm đề cao cảnh giác, không bị động, lúng túng trước những luận điệu và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những cá nhân phản động, bất mãn chế độ. Quá trình thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW sẽ giúp cho từng đảng viên nhìn lại mình, nâng cao nhận thức trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụ thể hơn, trong mỗi cuộc họp chi bộ, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi đảng viên từ lời nói, việc làm phải là hạt nhân của sự đoàn kết ở địa phương, trong cơ quan, nơi cư trú... Mặt khác, mỗi đảng viên khi tham gia mạng xã hội, cần thận trọng khi tham khảo, sử dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Nếu nhận thấy có thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn gốc, thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức, thông tin có nội dung, luận điệu xuyên tạc, đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ... thì phải có ý kiến đấu tranh,phản bác lại những thông tin sai trái đó một cách sắc bén; không im lặng cho qua hoặc thờ ơ, xem như mình vô can. Mỗi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì danh dự và uy tín của Đảng không thể tách rời danh dự, uy tín của mỗi đảng viên./.

                                                                                            Nguon: dangcongsan.vn