Để sự kiện diễn ra trang trọng và chu đáo, trước một ngày chúng tôi đã có mặt ở Hải Dương và cùng đến trao ảnh chân dung liệt sĩ cho một trường hợp đặc biệt là gia đình liệt sĩ Trần Văn Tường. Anh hy sinh năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi.

Hơn nửa thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Vở, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tường luôn ôm nỗi đau mất mát và nhớ con trai qua bức ảnh thờ đã cũ. Tưởng như việc phục dựng ảnh cho liệt sĩ Trần Văn Tường sẽ phần nào giúp mẹ nguôi ngoai nhưng rất tiếc, trước thời điểm trao ảnh 3 ngày, mẹ Nguyễn Thị Vở đã qua đời do tuổi cao, sức yếu. Mẹ đã không kịp nhìn thấy con trai của mình trong một tấm hình mới.

Câu chuyện sau những tấm ảnh liệt sĩ

 Bà Trần Thị Công xúc động nhận ảnh liệt sĩ Trần Văn Tường. 

Để hoàn thành di nguyện của mẹ, nhóm của anh Quang Trung trực tiếp đến thăm hỏi chia buồn cùng gia đình và trao tặng ảnh chân dung liệt sĩ Trần Văn Tường. Nhận được tấm ảnh của em trai, bà Trần Thị Công bật khóc: “Mẹ ơi, em Tường về rồi này. Khi còn sống, mẹ cứ mong có một bức ảnh đẹp của em để thờ. Giờ nhà mình có ảnh đẹp của em rồi, mẹ an lòng nhé!”.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến hội trường nhà văn hóa huyện Thanh Miện. Còn khoảng 1 tiếng chương trình mới bắt đầu nhưng tại hội trường đã đông kín người. Phần lớn họ là thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân địa phương. Quan sát chúng tôi thấy trên khuôn mặt ai cũng đầy tâm trạng bồn chồn, chờ mong.

Câu chuyện sau những tấm ảnh liệt sĩ
Nâng niu, trân trọng từng bức ảnh liệt sĩ. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chương trình phục dựng ảnh liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hải Dương được bắt đầu thực hiện từ tháng 12-2023 với 100 bức ảnh đã được trao tại chương trình cấp tỉnh. Lần này, huyện Thanh Miện triển khai dự án với 35 bức ảnh liệt sĩ phục dựng thành công sẽ trao tới các gia đình. Đằng sau 35 bức ảnh là những câu chuyện đầy xúc động về các liệt sĩ và gia đình.

Nâng niu từng bức chân dung liệt sĩ, các thành viên trong nhóm phục dựng cẩn trọng, tỉ mỉ lấy lá cờ Tổ quốc bọc lại thể hiện sự trân trọng và biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha anh để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Đại diện tất cả các gia đình đều được mời lên sân khấu, trực tiếp đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện trao từng bức ảnh tới các gia đình.

Câu chuyện sau những tấm ảnh liệt sĩ
Trao di ảnh liệt sĩ được phục dựng tới tận tay thân nhân. 

Chương trình kết thúc trong niềm xúc động của tất cả mọi người. Nhưng sự xúc động chưa dừng lại ở đó, khi ra về chúng tôi bắt gặp một cụ ông dáng người gầy gò, đang gói ghém túi quà buộc sau chiếc xe đạp cũ, cùng tấm di ảnh ông nâng niu để phía trước. Giữa cái nắng tháng 5, dường như ông không thấy mệt, đạp xe nhanh thoăn thoắt hơn 3km mang tấm di ảnh về cho mẹ. Đoàn làm phim lặng lẽ theo sau ông về tận nhà ở thôn Kim Trang Tây, xã Lam sơn, huyện Thanh Miện. Lúc quay lại thấy chúng tôi, ông rất bất ngờ.

Trò chuyện thì được biết, ông là Phạm Văn Gia (71 tuổi) là anh trai liệt sĩ Phạm Văn Thông (1956 - 1975). Ông đi nhận di ảnh của em trai thay cho mẹ là bà Nguyễn Thị Chiêm đã già yếu. Ông Gia tâm sự, gia đình ông có 7 anh chị em. Trong 3 anh em trai thì 2 người vào quân ngũ rồi đi chiến trường B là ông và em trai Phạm Văn Thông. Ông Gia kể: “Học xong lớp 10, Thông xung phong lên đường nhập ngũ năm 1972, sau tôi một năm. Trước lúc đi, hai anh em còn gửi thư cho nhau hẹn khi nào đất nước giải phóng sẽ gặp lại. Ấy vậy mà Thông thất hứa. Em hy sinh ngày 29-4-1975 khi vừa bước sang tuổi 19".

Câu chuyện sau những tấm ảnh liệt sĩ
Ông Phạm Văn Gia cùng bức ảnh chân dung em trai Phạm Văn Thông (1956 - 1975).

Ngày ông Gia quay trở về quê hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là ngày ông biết tin em trai đã hy sinh. Hiện nay, mẹ Nguyễn Thị Chiêm đã ở tuổi 92, tuy không còn minh mẫn nhưng “thằng Thông” luôn được mẹ gọi tên mỗi ngày. Nhận di ảnh con trai đã được phục dựng trên tay, mẹ Chiêm thì thầm: “Thông à con? Thằng Thông nhà tôi đây, nó về rồi”, khiến ai cũng ngậm ngùi.

Hình ảnh xúc động ấy, khiến chúng tôi liên tưởng đến câu thơ trong bài thơ “Đưa em về” của Nguyễn Văn Hiếu: “Xin cho đau nỗi đau rừng/ Cánh cò trắng cả một vùng trời xa/ Đón em về lại quê nhà/ Với thầy mẹ, với ông bà tổ tiên”. Thế hệ hôm nay, sẽ không quên công ơn của người đã khuất. Hành trình phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ chính là một trong những việc làm thiết thực nhất mà chúng tôi được đồng hành!

PHƯƠNG NINH

nguồn báo quân đội nhân dân