Họ đã xả thân, ôm những em nhỏ và hứng chịu mảnh lựu đạn của bọn cướp để em bé được an toàn. Giải quyết xong bọn cướp trên đường, họ biến mất. Người dân TP vui mừng, tự tin, trầm trồ: “Những trinh sát SBC đấy!”…
Sau khi thống nhất đất nước, TP.HCM phải thừa hưởng một “di sản” nặng nề là những băng nhóm giang hồ, trộm cướp tồn tại từ lâu trên đất Sài Gòn.
Nguy hiểm hơn là nhiều tên khét tiếng bị tù ở Côn Đảo, các nhà lao của cảnh sát chế độ cũ cũng được “giải phóng” ra ngoài.
Một lực lượng hùng hậu nữa gia nhập thế giới tội phạm là một số sĩ quan, binh lính chế độ cũ trốn tránh, ẩn nấp chuyển thành tội phạm, gây nên những vụ án chấn động cả nước như sát hại gia đình nghệ sĩ Thanh Nga, bắt cóc tống tiền con trai nghệ sĩ Kim Cương…
Sau thời gian nằm im nghe ngóng, dò xét, từ năm 1977, bọn chúng lại tung hoành ngang dọc, gây ra nhiều vụ trộm cướp. Chúng lộng hành tới mức, vụ dùng súng bắn lại lực lượng công an, tấn công cả bộ đội!
Ở các quận nội thành, công an phải có mặt 24/24 khắp các tuyến đường, khu dân cư. Song bọn tội phạm vẫn lộng hành. Máu của người dân và các chiến sĩ công an phải đổ xuống trên nhiều nẻo đường. Nhân dân hoang mang, lo sợ…
40 phút xảy một vụ cướp!
Chỉ trong thời gian 3 năm, từ 1975 đến 1978, đã xảy ra 45.000 vụ phạm pháp hình sự! Trong đó, 1.400 vụ cướp lớn.
Gần 170 người vô tội bị bắn chết, 200 người bị thương. Tài sản bị cướp theo ghi nhận của công an, gồm 1.200 lượng vàng, 70 viên kim cương, 15 xe ô tô, 370 xe máy, 460 đồng hồ.
Tính bình quân trên địa bàn thành phố, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp! Một con số kỷ lục về tội phạm trong lịch sử nước ta, kể cả thế giới!
Khét tiếng trong thời điểm này là băng cướp do tên Võ Tùng Hội cầm đầu. Chúng có 33 tên được trang bị 14 khẩu súng, 3 ô tô, 20 xe máy. Chúng đã gây ra 100 vụ cướp, bắn chết 2 người, bắn bị thương 3 người.
Một băng khác do tên Lê Nghĩa cầm đầu còn tàn ác hơn. Chúng dùng súng bắn như vãi đạn giết sạch cả một gia đình nạn nhân.
Trong vòng một tháng chúng giết hại 13 người dân. Băng cướp này dùng tiền, vàng và tài sản cướp được tiêu xài và đầu tư mở…lò bánh mì, y như “mô hình” của maphia ở Ý và Mỹ. Dùng tiền của ăn cướp đầu tư và sản xuất kinh doanh để vừa rửa tiền, vừa có “hậu phương” vững chắc nuôi quân, phòng ngừa bất trắc…
Những chiến sĩ SBC thưở ấy còn nhớ: “Hàng nóng” của bọn cướp còn “xịn” hơn cả công an. Chúng dùng col 45, ru lô nòng ngắn nhỏ gọn nhưng uy lực sát thương cao. Đi gây án chúng vác theo cả bao đạn, lựu đạn. Khi cần chống trả, chúng bắn như vãi đạn, không xót của…”.
Trung tá Phạm Thế Thịnh, nay là lãnh đạo phòng cảnh sát giao thông TP, nguyên chiến sĩ công an trong lực lượng SBC thưở ấy bồi hồi nhớ lại: “Việc bắn nhau với bọn cướp xảy ra như cơm bữa. Anh em chúng tôi phải nằm rạp xuống đất để tránh lựu đạn của bọn chúng là chuyện thường ngày… Nói chung, công tác ở đội SBC lúc ấy phải chấp nhận luôn cận kề với cái chết”…
Ra đời lực lượng trinh sát săn bắt cướp - SBC!
“Cần phải có một lực lượng tinh nhuệ chống cướp giật”, đó là mục tiêu được thống nhất cao trong các cuộc họp của lãnh đạo Công an TP.HCM.
Tháng 3-1978, 5 đội SBC ra đời thuộc phòng cảnh sát hình sự Công an TP và Công an quận 1 gồm 72 chiến sĩ được tuyển chọn trong toàn bộ lực lượng Công an.
Trước đó, Công an quận 5 do trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là thiếu tướng) làm trưởng phòng đã thành lập đội “săn bắt cướp” hoạt động mạnh mẽ để đối phó với những diễn biến tội phạm nguy hiểm trên địa bàn quận.
Lực lượng này được “nhập” vào “binh chủng” SBC của thành phố. Và người đi tiên phong, thiếu tá Trịnh Thanh Thiệp, lúc này là trưởng phòng cảnh sát hình sự thành phố, phụ trách “binh chủng” SBC mới tinh này.
Đội trưởng SBC là đại úy Phan Thanh, tức Ba Tung, một trinh sát biệt động nội thành nổi tiếng.
“Luật” của “binh chủng” SBC ngay từ khi ra đời được lãnh đạo công an TP.HCM thông qua, quy định như sau: “Trinh sát SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ (thời kỳ ấy là xe S.67 xoáy nòng. Khi thi hành công vụ, trinh sát SBC được đi vào đường cấm; vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Gặp đối tượng bị truy nã không đầu hàng, sau hai phát súng cảnh cáo, trinh sát SBC được phép bắn đối tượng.
Nếu đối tượng có vũ khí hung hãn đối đầu, trinh sát SBC được phép bắn chết mà không cần cảnh cáo. Các trinh sát SBC phải thực hiện nhiệm vụ theo điều động của chỉ huy 24-24. Trinh sát SBC phải tuyệt đối giữ bí mật nội dung công tác, dù đó là vợ, con, cha mẹ hay người yêu. Trinh sát SBC có thẻ riêng để chứng minh thân phận khi cần thiết”.
Một cuộc thi tuyển “có một không hai” diễn ra tại xa lộ Đại Hàn với các môn chạy xe, bắn súng, võ thuật. Đặc biệt môn thi “thông thuộc tên đường phố Sài Gòn” giống như “đố vui để học” nhưng được đánh giá vô cùng quan trọng.
Trung tá Thiệp khẳng định: “Nhiệm vụ của đội SBC là chủ động trấn áp, truy bắn nóng và phòng ngừa đối tượng phạm tội. Muốn vậy, trinh sát SBC phải thuộc mọi đường ngang ngõ dọc trong thành phố như đường chỉ tay của mình để “đi tắt, đón đầu” bọn chúng”.
Sau cuộc thi “có một không hai” này, các thí sinh công an được chọn chính thức trở thành chiến sĩ của lực lượng SBC huyền thoại với những chiến tích cũng thuộc loại “có một không hai”. Những chiến công xuất sắc của lực lượng này đã cho ra đời nhiều tên tuổi lẫy lừng.
Nhân dân thành phố vẫn mãi mãi ghi nhớ về những chiến sĩ SBC ẩn mặt nhưng luôn kịp thời xuất hiện nơi có bọn cướp.
Họ thoắt ẩn, thoắt hiện trên phố. Người dân chỉ kịp nhìn thấy những tên cướp hung hãn bỗng dưng bị những chàng trai bình thường đánh hạ; những tên cầm súng xả liên hồi, ném lựu đạn để chạy trốn bị bắn ngã quỵ, tiền vàng rơi vãi khắp nơi…
Họ đã xả thân, che chắn đạn, ôm những em nhỏ và hứng chịu mảnh lựu đạn của bọn cướp để em bé được an toàn. Giải quyết xong bọn cướp trên đường, họ biến mất.
Người dân thành phố vui mừng, tự tin, trầm trồ: “Những trinh sát SBC đấy!”… Những câu chuyện xúc động lòng người còn vang vọng mãi cho tới hôm nay, sau gần 50 năm lực lượng SBC đã hoàn thành nhiệm vụ…Ảnh: Hình ảnh thường thấy ở tp Hồ Chí Minh những năm sau giải phóng.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét