Quan hệ Việt Nam - Lào là quan hệ hữu nghị vĩ đại được xây dựng, vun đắp và phát triển bởi các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, là tài sản quý giá của hai dân tộc. Trong giai đoạn mới với bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp và lợi ích đan xen, dựa trên những nét tương đồng về tư tưởng, mục tiêu và lợi ích, quan hệ Việt Nam - Lào vẫn luôn được đề cao, duy trì và phát triển bền vững trong cả hiện tại và tương lai.
Sự tương đồng về hệ tư tưởng
Phát huy và kế thừa truyền thống của Liên minh Việt Nam - Lào
trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, được kế tục
trong thời kỳ cả hai nước thực hiện nhiệm vụ khôi phục và hàn gắn vết thương
chiến tranh, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào từ sau năm 1986 tiếp tục được xây
dựng, phát triển trên nền tảng cùng ý thức hệ, cùng có chung mục tiêu xây dựng
và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc xây
dựng, phát triển đất nước cả ở Lào và Việt Nam đều đặt dưới sự lãnh đạo của
đảng Mác-xít - Lê-nin-nít, có chung cội nguồn là Đảng Cộng sản Đông Dương. Hai
Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào vẫn luôn duy trì mối quan hệ gắn bó mật
thiết, luôn hết lòng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước dù tình hình mỗi nước hay bối cảnh quốc tế, khu vực cũng
như các mối quan hệ quốc tế của mỗi bên có nhiều thay đổi.
Lịch sử đã chứng minh, hai nước Việt Nam và Lào có chung hoàn
cảnh, gần gũi về địa lý và điều kiện tự nhiên, có chung mục tiêu phấn đấu vì
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự nhất trí về quan điểm, tư tưởng, đường
lối chiến lược là cơ sở xây dựng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào và Việt
Nam.
Mối quan hệ giữa hai nước được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và
Lào dày công vun đắp. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong quan hệ giữa hai nước
Việt Nam và Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự
nghiệp cách mạng của Lào, Người cho rằng “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự
giúp mình”(1). Do đó, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới tuyên
bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã thống nhất
thành lập Liên quân Lào - Việt vào ngày 30-10-1945, do Hoàng thân
Xu-pha-nu-vông làm Tổng chỉ huy, tổ chức xây dựng lực lượng, kháng chiến chống
thực dân Pháp. Đầu năm 1946, khi cách mạng Việt Nam còn đang rất khó khăn, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn cố vấn sang giúp Lào, phân công ông Lê Thiệu Huy(2) làm
bí thư riêng, phụ tá cho Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm
Tổng Tư lệnh Pa-thét Lào.
Năm 1952, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì mọi quan hệ khăng khít
về địa lý, quân sự, chính trị, v.v., mà ta với Miên, Lào cũng như môi
với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng
của ta mới chắc chắn hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức
giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn. Đó là
nhiệm vụ quốc tế của chúng ta”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan
tâm giúp đỡ, xây dựng và phát triển lực lượng, phát huy tinh thần tự chủ của
cách mạng Lào, coi đây là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và
liên minh chiến đấu Việt - Lào(4). Ngày 13-3-1963, trong buổi chiêu
đãi vua Sa-vang Vat-tha-na và đoàn đại biểu Hoàng gia Lào nhân chuyến thăm
chính thức Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về quan hệ đặc biệt Việt Nam -
Lào: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có
chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp
đỡ lẫn nhau như anh em… Ngày nay, chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng
một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết
không bao giờ phai nhạt được”(5).
Về phía Lào, cả Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và Tổng Bí thư Cay-xỏn
Phôm-vi-hản đều luôn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam tình
cảm trân quý và coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Theo Chủ tịch
Xu-pha-nu-vông, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của mình, nhân dân Lào
“luôn luôn có nhân dân Việt Nam anh em ở bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ”(6).
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5-1971, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông khẳng
định: “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại...
Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông,
rộng hơn biển cả, thơm hơn bông hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị tốt đẹp đó
được vun đắp bằng tinh thần trong sáng, không có kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi”(7).
Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 15-12-1976), Tổng Bí
thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã phát biểu về quan hệ giữa hai nước: “Trong lịch sử
cách mạng thế giới cũng đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô
sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh, chiến đấu đặc
biệt lâu dài, toàn diện như vậy, hơn 30 năm đã qua mà vẫn trong sáng như xưa -
một sự đoàn kết liên minh bền vững...” và “Mối quan hệ Lào - Việt Nam đã trở
thành mối quan hệ đặc biệt trong sáng, thủy chung mẫu mực, hiếm có và ngày càng
được củng cố và phát triển tươi đẹp”. Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản thay mặt
cho lãnh đạo và nhân dân Lào cam kết: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nhân dân
các dân tộc Lào rất tự hào về mối quan hệ thủy chung, son sắt Lào - Việt,
“nguyện ra sức củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt đó, bảo vệ tình đoàn
kết Lào - Việt như bảo vệ con ngươi của mắt mình”(8). Các thế hệ
lãnh đạo mới ở Lào cũng tiếp tục coi trọng mối quan hệ của Lào với Việt Nam và
khẳng định quyết tâm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp
tác toàn diện của Lào với Việt Nam. Như vậy, có thể nhận định từ khi được đặt
nền móng trong quan hệ ngoại giao, quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam -
Lào đã cùng chung hệ tư tưởng trong xây dựng và phát triển đất nước, không
ngừng được các thế hệ lãnh đạo hai nước đề cao, củng cố, xây dựng và vun đắp.
Sự chia sẻ mục tiêu quốc gia
Từ năm 1986, khi hai nước bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu
chung là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở đổi mới cơ
chế quản lý kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường hội nhập quốc tế.
Hai nước cùng xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân,
do dân, vì dân” dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất.
Sự tương đồng giữa hai Đảng, hai bộ máy nhà nước và lý tưởng
chung xã hội chủ nghĩa, về quan điểm tư tưởng, đường lối, chiến lược phát triển
đã giúp hai nước xây dựng được Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, là điều kiện
quan trọng tạo nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới.
Chiến lược phối hợp hiệp đồng, không vụ lợi như thế chỉ có thể sinh ra từ một
đường lối chính trị có sự nhất trí cao độ về quan điểm và lợi ích chân chính.
“Về mặt đường lối, mối quan hệ cùng chung một dòng máu chính trị, là tài sản
quý báu nhất của hai Đảng, hai nhà nước và hai dân tộc, là một yếu tố quan
trọng quyết định đến thắng lợi của cách mạng hai nước trong quá trình chiến đấu
trường kỳ gian nan vất vả”(9). Như vậy, sự tương đồng về ý thức hệ
cũng như mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước của mỗi bên đang là nhân tố
cơ bản tác động đến mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.
Để có được điều đó là nhờ: 1- Cả hai nước Việt Nam và Lào đang
xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản có cùng ý
thức hệ. Những kinh nghiệm và sự hỗ trợ của Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn
là vô cùng cần thiết và quý giá đối với Lào, ngay trong công cuộc đổi mới đất
nước, trong từng bước đi đều có sự trao đổi, bàn bạc nhằm tranh thủ sự giúp đỡ
và kinh nghiệm của Việt Nam; Việt Nam đã cử nhiều cán bộ cấp cao sang giới
thiệu kinh nghiệm lãnh đạo công cuộc đổi mới tại các hội nghị Trung ương Đảng
Nhân dân Cách mạng Lào(10). Việc xây dựng lực lượng cán bộ cốt cán
về Đảng, chính quyền, quốc phòng - an ninh... của Lào đều có sự hỗ trợ và giúp
đỡ của Việt Nam, hầu hết các thế hệ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị
của Lào đều được gửi qua đào tạo ở Việt Nam. Vì vậy, Lào và Việt Nam dễ tìm
kiếm quan điểm chung trong các chính sách, chiến lược phát triển; 2- Kể từ khi
hai nước tiến hành công cuộc đổi mới, lãnh đạo hai nước đều chủ trương xây dựng
mối quan hợp tác trên nguyên tắc “bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính
chất quan hệ đặc biệt với thông lệ quốc tế, ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau”.
Điều này có nghĩa là, lãnh đạo hai nước đều quán triệt nguyên tắc giúp đỡ nhau
trên tinh thần đồng chí, chí công vô tư, tương trợ tối đa; 3- Công cuộc đổi mới
đất nước ở Việt Nam và Lào đều được tiến hành trên cơ sở những chủ trương và
bằng những phương thức về cơ bản tương đồng với nhau. Đó cũng là thuận lợi cơ
bản để hai nước củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt trong
bối cảnh mới. Nhờ sự tương đồng về thể chế chính trị - xã hội, có cùng định
hướng và mục tiêu phát triển chiến lược, sự kiên định của mỗi bên trong việc
gắn bó chặt chẽ với nhau về chính trị; sự tin cậy lẫn nhau, mà quan hệ giữa hai
nước được triển khai đều khắp, sâu rộng trên cả ba kênh Đảng, Nhà nước và nhân
dân, từ Trung ương đến các địa phương; 4- Việt Nam và Lào đều coi nhau là đối
tác đặc biệt, ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; khẳng
định “Lào coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt
truyền thống và sự hợp tác có hiệu quả với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(11) và
“Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ đặc biệt với
Lào”(12). Đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng, cơ bản nhất và mang
tính chi phối nhất trong quan hệ Việt Nam - Lào, là cơ sở để kết hợp các nhân
tố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị gắn bó, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong
hiện tại và tương lai.
Trên phương diện lợi ích quốc gia - dân tộc
Về mặt địa - chính trị, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Việt
Nam và Lào đều đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô
và các nuớc xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không chỉ tạo ra những khó khăn trong
quan hệ đối ngoại của Việt Nam và Lào, mà còn gây ra những tác động nhất định
về mặt an ninh chính trị, tư tưởng của mỗi nước. Các thế lực thù địch lợi dụng
tình hình, tăng cường chống phá, chia rẽ khối đoàn kết Việt Nam - Lào, không
ngừng sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để tấn công vào sự nghiệp cách
mạng của mỗi nước. Nhận thức rõ an ninh của mỗi nước không tồn tại độc lập, nên
cả hai nước đều chú trọng, tăng cường hợp tác chặt chẽ về quốc phòng - an ninh,
bởi sự hợp tác này được xây dựng trên cơ sở truyền thống chống ngoại xâm của
hai dân tộc từ ngàn xưa và sự tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, phát huy
thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Lịch sử đã chứng minh, hai dân tộc Việt Nam và Lào gắn kết với
nhau như là quy luật tự nhiên và sự gắn kết đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối
với sự ổn định về chính trị và sự phát triển của mỗi nước. Yếu tố quốc phòng -
an ninh ngày càng trở nên quan trọng và có tác động qua lại lẫn nhau rất rõ
rệt. Hợp tác hiệu quả về quốc phòng - an ninh giữa hai nước sẽ giúp an ninh và
ổn định chính trị của hai nước được bảo đảm.
Về mặt địa - kinh tế, Lào là nước nằm sâu trong nội địa, không
có biển, do đó rất cần các cửa ngõ thông thương ra thế giới. Trong thập niên
70, 80 của thế kỷ XX, Lào chỉ có thể chính thức giao thương với các nước xã hội
chủ nghĩa thông qua cảng Đà Nẵng của Việt Nam, đó cũng là một trong những lý do
khiến Việt Nam trở nên vô cùng quan trọng đối với Lào. Sang thời kỳ đổi mới,
con đường thông thương của Lào được mở rộng hơn qua các cảng biển khác của Việt
Nam, như: Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng... do khoảng cách từ Viêng Chăn đến các
cảng của Việt Nam tương đối gần, tạo điều kiện cho hàng hóa của Lào thông
thương ra thế giới được dễ dàng hơn. Có thể nói, với hệ thống “đường xương cá”
và hệ thống cảng biển thuận lợi, Việt Nam là cầu nối quan trọng để Lào mở rộng
sản xuất, thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa... với các nước trong khu vực và
thế giới.
Với chính sách mở cửa thị trường, con đường thông thương của Lào
qua Thái Lan đã được mở ra. Tuy nhiên, với vị trí địa chiến lược quan trọng của
Việt Nam ở Biển Đông, các cảng biển của Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối
với phát triển kinh tế của Lào. Trước hết, không chỉ bởi khoảng cách di chuyển
ngắn hơn nhiều so với qua Thái Lan mà còn do những thuận lợi phía Việt Nam dành
cho Lào. Miền Trung Việt Nam có thể nói là cửa ngõ ra biển của Lào và Bắc Thái
Lan. Vì vậy, sự hiện diện của Thái Lan trong cửa ngõ thông thương ra biển đối
với Lào cũng không làm giảm mạnh tầm quan trọng của các cảng biển Việt Nam. So
sánh khoảng cách từ cảng Cửa Lò tới Viêng Chăn là 397km, trong khi từ cảng Băng
Cốc tới Viêng Chăn là 642km; từ cảng Vũng Áng tới Viêng Chăn tương đương với
khoảng cách từ cảng Băng Cốc tới Viêng Chăn; từ cảng Đà Nẵng tới Sa-vẳn-na-khệt
khoảng 485km; từ cửa khẩu Đen-sa-vẳn - Lao Bảo tới Đà Nẵng 249km. Đồng
thời, với việc hai Chính phủ Việt Nam - Lào đầu tư và khai thác cảng Vũng Áng
(Việt Nam góp 80% vốn đầu tư, Lào góp 20%) đã tạo lợi thế cạnh tranh cho các
cảng biển Việt Nam so với Thái Lan. Đây cũng là lý do khiến nhu cầu khai thác
vị trí địa chiến lược của Việt Nam đối với Lào ngày càng trở nên cần thiết. Với
Việt Nam, trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Lào
như là cầu nối đi sang các nước ASEAN khác, tiêu biểu như Hành lang kinh tế
Đông - Tây nối Việt Nam qua Lào, Thái Lan sang Myanmar.
Đối với Việt Nam, vị trí địa - chính trị của Lào có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng trong việc bảo vệ biên giới, ngăn chặn những tác động xấu trực
tiếp từ phía Tây vào Việt Nam. Thực tế, trong những thập niên cuối thế kỷ XX,
một số hoạt động chống phá của các thế lực bên ngoài đã lợi dụng địa hình rừng
núi làm căn cứ hoạt động và bàn đạp nhằm thâm nhập chống phá Việt Nam. Lào cũng
là một nước nằm ở hạ lưu sông Mê Công và việc xây các đập nước của các nước
trên dòng Mê Công đã và đang đặt Việt Nam vào tình thế phải gánh chịu những tác
động nặng nề về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội,
đặc biệt là tác động trực tiếp đến sinh kế của hàng chục triệu người dân sống
tại đồng bằng sông Cửu Long, làm mất dần sản lượng cá, canh tác lúa và mất đất
ra biển(13). Vì vậy, vị trí địa - chính trị của Lào trên dòng sông
Mê Công đã và đang khiến nhu cầu mong muốn hợp tác chặt chẽ Việt Nam - Lào ngày
càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Như vậy, sự ổn định trong hòa bình và phát triển của Lào và việc
củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực trở thành một
trong những yếu tố cấu thành lợi ích quan trọng, chính đáng của Việt Nam. An
ninh và ổn định của Lào có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, ổn định và phát
triển của Việt Nam do vị trí địa - chính trị của Lào có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng trong việc bảo vệ biên giới, ngăn chặn những tác động xấu trực tiếp từ
phía tây vào Việt Nam. Sự ổn định an ninh của Lào là điều kiện quan trọng bảo đảm
an ninh của Việt Nam và ngược lại. Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc phòng -
an ninh luôn là vấn đề sống còn của cả hai quốc gia Việt Nam - Lào.
Có thể thấy, việc tăng cường phát triển quan hệ đặc biệt giữa
hai quốc gia giúp Việt Nam và Lào bảo vệ được những lợi ích quốc gia của mình.
Những sự tương đồng và lợi ích quốc gia của mỗi nước rõ ràng có tác động tích
cực đến quan hệ Việt Nam - Lào, vừa xuất phát từ ý muốn chủ quan (hệ tư tưởng
và đường lối của đảng cầm quyền), vừa từ thực tế khách quan do sự phát triển
của mỗi nước đòi hỏi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét