“TÂM CÔNG” VÀ NHỮNG CHÍNH SÁCH VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỐI VỚI TÙ, HÀNG BINH!
Kế thừa truyền thống lấy nhân nghĩa làm gốc của dân tộc, trong suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng, Đảng, Chính phủ ta đã có những chính sách có thể nói là hiếm thấy theo thông lệ chiến tranh, vượt trên cả quy định của công ước quốc tế đối với tù, hàng binh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta chỉ đòi độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp của”.
Tính nhân nghĩa trong hoạt động quân sự Việt Nam thể hiện ngay ở việc tuyên truyền nêu cao tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giữ nước, vạch rõ tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của binh lính quân đội đối phương và nhân dân, hạn chế tổn thất xương máu.
Việc làm này được cha ông ta thực hiện xuyên suốt với sách lược “tâm công” đánh vào lòng người nhằm “không đánh mà vẫn thắng”. Dùng ngòi bút thay cho giáp binh, tuyên truyền, vận động làm cho tinh thần đối phương sa sút, hàng ngũ suy yếu, góp phần cùng mũi tiến công quân sự giành thắng lợi nhanh hơn và đỡ hao tổn xương máu. Chúng ta không chủ trương tiêu diệt đến tên giặc cuối cùng, mà mục tiêu là đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải rút về nước.
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép về việc Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh nhà Tống và viết bài hịch “Phạt Tống lộ bố văn”. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Năm 1075, khi thực hiện “tiên phát chế nhân”, tiến quân vào đất Tống, Lý Thường Kiệt đã cho niêm yết tờ “Phạt Tống lộ bố văn”, vạch trần âm mưu xâm lược của nhà Tống, nêu rõ hành động tự vệ chính đáng của quân và dân Đại Việt. Khi quân Tống bị tổn thất nặng nề, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, Lý Thường Kiệt chủ động đề nghị “giảng hòa”, thực chất là mở cho chúng một lối thoát. Đó là chủ trương kết thúc chiến tranh mềm dẻo: “Dùng biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà bảo tồn được tôn miếu”, giảm tổn thất cho cả hai bên.
Sau chiến thắng vang dội năm 981, Lê Hoàn đã chủ trương bảo toàn mạng sống và trao trả tù binh quân Tống. Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và năm 1288, nhà Trần đã đối xử nhân đạo, tha chết và trao trả cho đối phương hàng vạn tù binh. Sau khi đại phá quân Thanh năm 1789, Vua Quang Trung đã tha chết cho hàng vạn tù binh. Đối với số quân địch bị chết trận, sau khi cho thu gom chôn cất ở 13 gò lớn, Quang Trung cho lập đàn tế, qua đó tố cáo tội ác của vua quan Mãn Thanh.
Đăc biệt, trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Lê Lợi và Nguyễn Trãi với sách lược “tâm công” đã khiến Vương Thông mặc dù còn 10 vạn quân trong thành Đông Quan nhưng phải chấp nhận hội thề với nghĩa quân Lam Sơn và rút quân về nước. Nhờ đó, kháng chiến thắng lợi, củng cố quan hệ hòa hiếu sau chiến tranh, tranh thủ hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tiếp nối truyền thống đó của dân tộc, suốt quá trình lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, Đảng ta luôn chú trọng công tác tuyên truyền địch vận, kết hợp hợp chặt chẽ với công tác dân vận và ngoại giao, tranh thủ những cơ hội hòa bình dù là nhỏ nhất để kết thúc chiến tranh, thậm chí là kết thúc từng trận đánh, từng chiến dịch.
Có một sự việc ở Mặt trận Điện Biên Phủ, khi quân ta bao vây hoàn toàn tập đoàn cứ điểm và thu được nhiều hàng tiếp tế của Pháp. Trong số đó có một kiện hàng của vợ tướng De Castries gửi cho ông này, gồm một lá thư và hai cuốn tiểu thuyết! Tiểu thuyết thì ta giữ lại, còn thư thì thông báo cho phía Pháp cử một lính Pháp mang cờ trắng sang lấy để chuyển đến tay người nhận... Cách đánh “tâm công” như vậy càng khiến địch thêm hoang mang, rối loạn.
Đến khi kẻ thù lâm vào tình thế nguy khốn, quân ta không tiếp tục truy sát mà kêu gọi họ đầu hàng, vừa để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, vừa làm giảm tổn thất xương máu của cả hai bên, bởi “Trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên truyền binh - địch vận đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và thu được những kết quả to lớn có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao trong, sau chiến tranh và cho đến hiện nay.
Tiếp nối truyền thống khoan dung độ lượng của cha ông, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn nhất quán chủ trương: “Không ngược đãi tù binh”, “Bất cứ trường hợp nào cũng phải biệt đãi tù binh, nên dùng tù binh để giác ngộ kêu gọi lính Pháp và dân Pháp phản chiến”.
Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, nhưng quân và dân ta vẫn tạo điều kiện tốt nhất có thể về chỗ ăn, ở cho tù, hàng binh, có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn ăn, mặc đối với họ, những người bị thương hay đau ốm được cứu chữa, chăm sóc tử tế. Họ không những không bị ngược đãi, mà còn được biệt đãi, được đối xử như bạn bè. Hàng binh Âu-Phi còn được lĩnh một số tiền thưởng, được đưa về chiêu đãi sở, hưởng sinh hoạt phí gấp nhiều lần của bộ đội ta. Độc đáo hơn, trại tù binh không hề có tường rào, dây thép gai, thậm chí có nơi áp dụng quy chế tự quản, tù binh tự giám sát nhau. Đó là những chính sách nhân văn vượt lên trên quy định của công ước quốc tế, thậm chí còn vượt tầm thời đại với chủ trương thả tù binh.
Chính vì vậy, nhiều tù, hàng binh Pháp đã thay đổi thái độ, tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam. Thậm chí, nhiều người trở thành cán bộ Việt Minh và có đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến - một điều vô cùng đặc biệt trong lịch sử chiến tranh. Sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản quy định, trong đó có việc trao trả tù binh theo đúng tinh thần nhân đạo.
Trong kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước, chính sách nhân đạo đối với tù, hàng binh tiếp tục được bổ sung, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ở miền Bắc, hàng trăm tù binh Mỹ được đối xử nhân đạo, được tận tình cứu chữa thương tật, đau ốm, bảo đảm chế độ ăn, mặc, luyện tập, nghỉ ngơi, giải trí. Đối với binh lính ngụy, bên cạnh thực hiện nghiêm chính sách tù, hàng binh, ta còn làm tốt công tác quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng, bảo vệ. Các trại tù, hàng binh ở miền Nam được đặt ở những địa điểm an toàn, tránh bị bom đạn của địch đánh phá. Sau thời gian học tập, cải tạo, tùy theo điều kiện thực tế và nguyện vọng, họ được phóng thích để trở về quê quán, hoặc được bố trí làm ăn sinh sống tại vùng giải phóng. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đã không có cuộc “tắm máu” nào xảy ra như kẻ địch tuyên truyền.
Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh chính sách nhân đạo với tù, hàng bình được thực hiện từ trên xuống dưới, từ vị lãnh đạo tối cao đến mỗi người chiến sĩ bình thường trong Quân đội. Sự “khoan hồng đại độ” đó được thực hiện bình đẳng đối với mọi tù binh, không phân biệt chức vụ, địa vị của họ trước đó. Điều này được chính đối phương thừa nhận và đánh giá cao.
De Castries người từng được một chiến sĩ của quân đội ta - sau này là Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, hát cho nghe trên đường bị áp giải về nơi giam giữ, đã thừa nhận rằng mặc dù phải ở cách ly với các tù nhân khác, nhưng ông chưa bao giờ phải ở trong trại giam, mà được ở trong nhà dân, hơn nữa, được đọc sách báo, được ăn cải thiện trong bếp riêng và nói chuyện với các cán bộ Việt Nam.
Bác sĩ Grauwin, thiếu tá quân y, phụ trách y tế của Pháp ở Điện Biên Phủ, sau khi bị bắt làm tù binh, đã nêu rõ: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự đối xử tuyệt vời của các chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đối với quân đội Pháp nói chung và đối với thương binh và nhân viên y tế nói riêng. Họ đã không làm bất cứ một điều thô bạo hoặc một sự lăng nhục nào đối với chúng tôi… Chính phủ Pháp cần phải biết đến khát vọng của các dân tộc chỉ mong muốn hợp tác trong tình bạn và hoà bình”.
Hay một tù binh khác tên là Canus Claude ở Trại giam số 42 trước khi được trả tự do đã viết: “Tôi đã sung sướng được làm tù binh theo đúng nghĩa, bởi vì tù binh đương nhiên không có cuộc sống của một con người bình thường…. Tôi sung sướng vì đã mang theo mình những sự thật về đất nước Việt Nam dân chủ”.
Được đối xử nhân đạo, họ đã hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, và đã có những đóng góp quan trọng trong hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ như các ông John McCain, John Kerry…
Những tiếng nói, việc làm của chính những người tù binh nói trên là bằng chứng chân thực bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu khống, phủ nhận những chính sách tốt đẹp, nhân văn của Việt Nam đối với tù, hàng binh trong chiến tranh; đồng thời khẳng định tính nhân văn, khát vọng hòa bình, mong muốn khép lại mọi sự hận thù, mở ra mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc, các lực lượng sau chiến tranh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét