Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Huy Đức nhầm lẫn hay cố ý “dắt mũi” dư luận qua bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”?

 Liệu một cây viết lão luyện có thể đọc thiếu, hiểu sai câu từ để biến một điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội và an ninh cá nhân thành điều luật hạn chế tự do cá nhân?

Cuối tháng 5/2024, Huy Đức đăng tải trên trang cá nhân bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”. Tôi hoàn toàn nhất trí với tiêu đề này mà không cần ông phải chứng minh gì thêm bởi hơn 75 năm trước, toàn thể nhân loại tiến bộ đã thống nhất rằng việc xây dựng một thế giới trong đó con người không còn phải chịu nỗi sợ hãi là một trong những khát vọng cao nhất của loài người (trích Đoạn 2, Lời nói đầu, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948). Tuy nhiên, đi ngược lại với tiêu đề gây xúc động đó, bài viết có nội dung chỉ trích quy định quản lý dao có tính sát thương cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Không biết vì hiểu sai hay cố ý cắt xén câu chữ, Huy Đức đã biến một điều luật được dự thảo nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và an ninh của cá nhân thành một điều luật hạn chế tự do cá nhân. Nếu kiến giải của ông được thực hiện thì có lẽ mỗi ngày nhân dân Việt Nam sẽ thực sự phải sống trong một đất nước hãi hùng vì nguy cơ bạo lực bằng vũ khí có tính sát thương cao.


Do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án nên Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã đưa dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ cần quản lý.

Chế độ quản lý tương tự như vậy được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như ở Điều 3 đạo luật Vũ khí năm 2006 của Bỉ liệt kê các loại: dao tự động, dao bướm, dao ném, phi tiêu sao hoặc lưỡi dao xuất hiện trong các đồ vật khác… là vũ khí bị cấm. Ngoài những loại dao trong danh sách cấm, chính quyền có thẩm quyền xác định cấm mang hoặc sở hữu những loại dao khác, bao gồm cả việc vận chuyển bên trong xe, nếu chủ sở hữu không thể đưa ra đủ lý do hợp pháp của việc vận chuyển, đặc biệt là ở khu vực thành thị hoặc tại các sự kiện công cộng.

Ở Trung Quốc, trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, chính quyền đã quy định người mua phải đăng ký khi mua những con dao nguy hiểm như dao có “rãnh máu”, dao lưỡi khóa, dao có lưỡi dài hơn 22 cm... Ở Pháp không cấm việc mua dao hợp pháp khi cá nhân trên 18 tuổi nhưng không được mang dao theo người, trừ trường hợp là một công cụ nghề nghiệp. Nếu dao được vận chuyển trên xe thì phải được đặt trong ngăn an toàn, có khóa mà người ngồi trong xe không thể tiếp cận được.

Trong bài viết của mình, Huy Đức trích định nghĩa về “dao có tính sát thương cao” tại điểm b khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật nhưng trích không đầy đủ cả định nghĩa pháp lý đã được dự thảo và dựa trên định nghĩa khuyết thiếu đó, ông đã đưa ra nhận định rằng theo dự luật thì những công cụ lao động như dao thái của người bán phở, dao phát cỏ của người nông dân cũng bị quản lý chặt chẽ, phải đăng ký như các loại vũ khí có tính sát thương cao.

Định nghĩa đầy đủ về dao có tính sát thương cao được đưa ra tại điểm b khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) như sau: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

Khi trích dẫn, Huy Đức lại “đánh rơi” luôn cả câu “Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. Với cách trích dẫn, phân tích của ông thì hẳn là khi thái phở hay phát cỏ người dân cũng phải đeo giấy phép sử dụng dao lủng lẳng ở cổ. Ông cũng vô tình hay cố ý bỏ quên luôn khoản 1 Điều 5 của Dự thảo Luật nêu rõ việc không cấm cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo và dao có tính sát thương cao sử dụng để lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Liệu một tay viết lão luyện như Huy Đức có thể nhầm lẫn hay không chịu nghiên cứu kỹ văn bản? Nếu ông không hiểu nhầm thì lẽ nào đang yêu cầu việc cho phép tự do sở hữu vũ khí có tính sát thương cao? Như ông nói “một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” - trong sự sợ hãi không ai có thể thoải mái học tập, lao động, sáng tạo, thậm chí không thể ngay cả việc ngủ ngon. Lẽ nào ông muốn đất nước đang là nơi được tín nhiệm để tổ chức các cuộc gặp trọng yếu quốc tế của mình trở thành nơi mà bất kỳ lúc nào người dân cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực dùng súng, dao hay các loại vũ khí có tính sát thương cao khác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét