Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch trên in-tơ-nét tác động đến thế hệ trẻ

 Thời gian qua, các thế lực phù địch, phản động ra sức thực hiện các hoạt động phá hoại tư tưởng, tuyên truyền các quan điểm sai sái, thù địch nhằm làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân , thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trong nội địa. Trung bình hằng năm, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình Việt ngữ, trên 400 báo, tạp chí, 88 NXB tiếng Việt, trong đó có nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài chống Việt Nam (RFA, BBC, VOA, RFA...) và hàng chục nghìn trang web, blog, trang mạng xã hội để biên soạn, tán phát trên 80.000 đầu tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong điều hành quốc gia, đả phá nền tảng tư tưởng của chế độ XHCN, tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu và nguy hiểm mà chúng thực hiện đó là khai thác, sử dụng triệt để không gian mạng, nhất là mạng in-tơ-nét với tính lan tỏa nhanh, dễ sử dụng, tính ẩn danh, bảo mật để tiến hành phá hoại tư tưởng, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch.

Một trong những đối tượng chủ chốt mà các thế lực thù địch, phản động hướng tới đó chính là thế hệ trẻ, những người giữ vai trò quyết định đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao sức đề kháng trước những hoạt động tuyên truyền phá hoại của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối, thế hệ trẻ cần nhận diện đầy đủ về các quan điểm sai trái, thù địch trên in-tơ-nét, bao gồm:

Một là, tuyên truyền, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm là phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tới thế hệ trẻ. Với những luận điệu sai trái như “Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu”, “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh”, xuyên tạc, phủ nhận lý luận về “hình thái kinh tế - xã hội” của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền xuyên tạc lịch sử cách mạng… được các đối tượng biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau và tán phát trên các hội, nhóm trên in-tơ-nét. Trong đó, chúng cũng tập trung vào những hội, nhóm, diễn đàn thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia. 

Hai là, lợi dụng triệt để các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trong nước, nhất là những vấn đề nóng để khoét sâu, tô đậm những bức xúc trong xã hội. Thực tế thời gian qua cho thấy khi đất nước diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng hoặc phát sinh những vụ việc, những vấn đề nóng được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm thì sẽ xuất hiện những “chiến dịch” tuyên truyền phá hoại tư tưởng, những quan điểm sai trái, thù địch. Những thông tin chúng tuyên truyền bị xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo, tạo dựng thông tin sai sự thật, pha trộn thông tin thật - giả nhằm làm nhiễu loạn thông tin, gây sự hoài nghi trong dư luận nhân dân, từng bước tạo ra những bất ổn, những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội, tiến đến hình thành những xu hướng phản kháng, chống chính quyền ngay trong lòng xã hội. Trọng tâm của hoạt động này chính là hướng tới tấn công vào tư tưởng của thế hệ trẻ, những người thường xuyên, liên tục tiếp cận với các thông tin trên in-tơ-nét, có sự “nhiệt tình tuổi trẻ”, có tâm lý muốn “hành động” trước những chuyện bất bình. Điển hình, liên quan đến công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trên các diễn đàn, hội, nhóm có đông đảo thế hệ trẻ tham gia tràn lan các tin, bài viết lợi dụng các vụ án tại Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để quy kết chế độ gắn liền với tham nhũng có tổ chức, mang tính Nhà nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng không thể mang lại kết quả do bản chất thể chế tất yếu sinh ra tham nhũng…

Ba là, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” và những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi, cuộc sống của thế hệ trẻ để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch. Các thế lực thù địch, các đối tượng sử dụng in-tơ-nét để đăng tải tin, bài, công bố “báo cáo”, “thư ngỏ”, đề xuất giải thưởng…để vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền và cách Chính phủ Việt Nam thực thi các biện pháp bảo vệ dân chủ, nhân quyền như Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” công bố “Báo cáo nhân quyền Việt Nam”, đồng thời đăng tải thông báo kêu gọi đề cử ứng viên “Giải nhân quyền Việt Nam” trên trang web “vnhrnet.org”, facebook “Fb/mlnqvn”. Lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” các thế lực thù địch, các đối tượng còn tiến hành tuyên truyền trên in-tơ-nét nhằm gây áp lực dư luận đối với các đối tượng chống đối chính trị bị bắt, xử lý như Mai Phan Lợi, Lê Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Lân Thắng… Đồng thời, đối với thế hệ trẻ, các thế lực thù địch, các đối tượng còn tập trung khai thác, tung tin giả, tin sai sự thật về những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi, cuộc sống của thế hệ trẻ như một số tiêu cực trong giáo dục, đào tạo, vấn đề bất cập trong định hướng nghề nghiệp, chế độ, chính sách của người lao động hay các trào lưu văn hóa trong giới trẻ để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, khiến cho thế hệ trẻ có thể có góc nhìn sai lệch về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. 

Bốn là, thông qua in-tơ-nét tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm tìm chọn, liên lạc, tác động, lôi kéo thế hệ trẻ tham gia các hoạt động phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia. Bên cạnh mục tiêu tấn công vào diễn biến tư tưởng, nhận thức của thế hệ trẻ, các thế lực thù địch, các đối tượng còn hướng tới mục tiêu tìm kiếm, xây dựng “ngọn cờ” chống đối trong giới trẻ, thanh niên Việt Nam ở trong nước. Chúng thiết lập rất nhiều trang web, diễn đàn, hội, nhóm trên các mạng xã hội để thu hút đối tượng là thế hệ trẻ tham gia như tuoitreyeunuoc.com, ykien.net… Thông qua những kênh thông tin này để lôi kéo, kích động giới trẻ tham gia các hoạt động phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia. Điển hình, thời gian vừa qua, liên quan đến sự cố môi trường biển ở miền Trung, việc Quốc hội khóa XIV họp về Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trên in-tơ-nét xuất hiện nhiều bài viết, video có nội dung kích động thế hệ trẻ Việt Nam phải xuống đường để thể hiện lòng yêu nước, yêu môi trường, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quốc gia, dân tộc…, thực tế là một bộ phận giới trẻ đã bị tác động bởi những luận điệu này, thậm chí nhiều người tham gia các hoạt động biểu tình trái pháp luật và có những hành vi quá khích, gây rối an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá về các hoạt động hợp tác trên in-tơ-nét nhằm thu hút, lựa chọn, xây dựng nhân tố trong giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.

Bên cạnh những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối chính trị tác động đến tư tưởng thế hệ trẻ thì trên in-tơ-nét, mạng xã hội cũng tồn tại rất nhiều thông tin tiêu cực có thể tác động đến đạo đức, lối sống, thói quen, văn hóa của thế hệ trẻ. Điều này có thể làm phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống, tha hóa, băng hoại đạo đức của một bộ phận giới trẻ, làm suy yếu sức đề kháng của thế hệ trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét