Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HỌC BÁC HỒ VIẾT BÁO ĐỂ PHỤNG SỰ TỔ QUỐC, PHỤC VỤ NHÂN DÂN!

     Chào mừng 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), chúng ta nhớ về cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng của Bác Hồ, hiểu sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của báo chí cách mạng, nhất là cái tâm - cái tầm - cái tuệ của Bác. Từ đó, ra sức học tập, làm theo tấm gương của Bác để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí cách mạng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”!
Đúng vậy! Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã tìm ra vũ khí tư tưởng, lý luận sắc bén để đấu tranh bảo vệ người nghèo, vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến; lên án tệ nạn áp bức, bóc lột, bất công; ra sức bảo vệ lẽ phải và chân lý. Bác đã học viết báo và dùng nó để thực hiện mục tiêu cách mạng. Công việc khó khăn ấy được bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên, khi Bác đặt chân lên đất Pháp. Ngoài việc lao động để kiếm sống và tham gia các hoạt động xã hội, Bác đã dành thời gian học tiếng Pháp, tiếp cận với nghề báo và học cách viết bài báo với hy vọng sử dụng báo chí làm công cụ thực hiện mục tiêu, lý tưởng “giúp đồng bào ta”. 
Sống ở nơi đất khách quê người, Bác ý thức rõ rằng, muốn người Pháp biết nỗi thống khổ của dân Việt Nam không có cách nào khác là phải học tiếng Pháp và dùng nó để viết báo, vạch trần tội ác của quân xâm lược. Lúc đầu, Bác đã nhờ những người bạn Pháp dạy cách viết bài, làm báo. Nhờ đó, Bác đã được các bạn Pháp hướng dẫn cách viết tin ngắn, ban đầu từ 5-6 dòng, sau đó tăng dần 7-8 dòng, rồi viết thành các bài tin ngắn về tình hình Việt Nam... Qua nhiều lần viết đi, viết lại, cuối cùng những bài báo ngắn gọn của Bác đã được đăng. Bác rất vui sướng ngắm nhìn những bài bào ấy thật lâu, đọc đi đọc lại nhiều lần rồi tự rút ra bài học kinh nghiệm quý sau khi so sánh, đối chiếu với bản thảo ban đầu. Một tháng rồi nửa năm trôi mau, Bác đã học nói tiếng Pháp và viết báo theo cách ấy. Thành công bước đầu đã đến và nó giúp Bác bước chân vào làng báo một cách vững vàng, vượt qua những năm tháng gian nan, một mình vừa học vừa phải sống ở nơi đất khách, quê người. 
Sau này, Bác kể lại rằng, người có công giúp đỡ Bác làm báo là ông Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Các Mác - Chủ nhiệm tờ báo Dân chúng (Populaire) - Cơ quan tuyên truyền của Đảng Xã hội Pháp. Với các bài báo đã đăng trên tờ Dân chúng, người dân Pháp biết về sự bất công đang diễn ra ở Việt Nam. 
Khi đã tự tin viết báo, Bác được ông Marcel Cachin, chủ bút Báo Nhân đạo (L' Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp mời viết bài và trở thành cộng tác viên. Với sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của bạn bè Pháp, kỹ năng viết báo của Bác dần dần được nâng cao. Bác đã công bố 3 bài báo chính luận có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Pháp, đó là “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ” hay “Yêu sách của nhân dân An Nam”… Trong đó, bài “Yêu sách của nhân dân An Nam”, lần đầu tiên Bác ký tên là Nguyễn Ái Quốc để gửi tới Hội nghị Versailles năm 1919. 
Với lý lẽ sắc bén, các bài báo đầu tiên của Bác đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham sự Hội nghị Versailles và độc giả người Pháp bởi tinh thần phê phán thâm sâu về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân; đòi quyền độc lập, tự quyết cho các dân tộc thuộc địa… 
Mục đích viết báo của Bác là dùng thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; bảo vệ cái đúng, cái tốt; lấy nó làm phương tiện “giúp đồng bào thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc”. Để tiện cho công tác tuyên truyền, Bác đã sáng lập ra một tờ báo riêng và đặt tên tờ báo là “Người cùng khổ” (Le Paria). Tờ báo do Bác là chủ bút kiêm chủ nhiệm; đồng thời là người chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa. 
Là một tờ báo độc lập, Bác và các cộng sự đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là khâu tài chính và sự kiểm duyệt để duy trì và phát triển tờ báo. Sự ra đời của báo “Người cùng khổ” đã thể hiện tâm nguyện của Bác là quy tụ, tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân chính quốc nhằm đấu tranh chống thực dân, đế quốc; xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công, đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân. 
Sự kiện mang tính bước ngoặc đánh dấu thành công bước đầu về hoạt động báo chí của Bác là ngày 1-4-1922, tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) ra số báo đầu tiên bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc và tờ báo này đã xuất bản liên tục trong 4 năm, từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1924, ra được 38 số; mỗi số gần 5.000 bản. Trong thời gian này, Bác không chỉ viết bài cho báo Le Paria, mà còn viết cho rất nhiều tờ báo khác như L’Humanité, La Vie Ouvrière… Nhờ lao động kiên trì và bền bỉ, Bác đã lập nên phong cách báo chí Nguyễn Ái Quốc. Tính vượt trội và dấu ấn riêng là trong các bài viết và tranh minh họa, Bác đều ký tên Nguyễn Ái Quốc và nó đều thể hiện dũng khí đấu tranh kiên cường, đã vạch trần chính sách bóc lột của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Qua đó, Bác kêu gọi các dân tộc bị áp bức, bóc lột đúng dậy đấu tranh tự giải phóng mình.
Sau khi tờ Người cùng khổ (Le Paria) được phát hành rộng rãi, Bác tiếp tục cho ra mắt các tờ báo: Thanh niên, Công nông, Lính Kách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Cuối năm 1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc) để tổ chức huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Để thuận lợi cho công việc, Bác đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra tờ báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của Hội và xuất bản Báo Thanh niên được 88 số bằng tiếng Việt, số báo đầu tiên được phát hành vào ngày 24-6-1925 và số cuối dừng xuất bản vào tháng 4-1927, khi các điều kiện duy trì hoạt động của tờ báo không còn. Kinh nghiệm hoạt động báo chí đã giúp Bác chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận với tầm nhìn và tính tư tưởng sâu sắc. Do yêu cầu của cách mạng, Bác đã lập ra báo Công Nông vào tháng 12-1926. Sau đó, vào tháng 2-1927, Bác đã sáng lập báo Lính Kách mệnh để tuyên truyền tư tưởng chính trị - quân sự cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng (tờ báo Lính Kách mệnh là tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay). 
Như vậy, từ năm 1922 đến năm 1929, các tờ báo do Bác sáng lập đều nhằm mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, đem lại tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân và nó cũng là ước nguyện cháy bỏng của Bác. Sau khi Đảng ta ra đời, Bác đã dành tâm huyết sáng lập và chỉ đạo tạp chí Đỏ, xuất bản số đầu tiên ngày 5-8-1930, đồng thời, Bác chỉ đạo các tờ báo Đảng như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích...
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn dành thời gian chỉ đạo và trực tiếp viết bài cho Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân dân) với 23 bút danh khác nhau, đăng được 1.206 bài viết trên Báo Nhân dân từ số 1 (ngày 11/3/1951) đến số 5526 (ngày 1/6/1969). 
Với tư cách là người khai sinh, định hình và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác đã để lại phong cách báo chí mẫu mực và đến nay, nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, những lời dạy của Bác dành cho người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ tuổi: viết báo là làm cách mạng, bằng những tác phẩm báo chí của mình, nhà báo bắc những nhịp cầu nối liền ý Đảng, lòng dân thành một khối thống nhất. 
Kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, chúng ta thành kính cảm ơn Bác kính yêu; thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của báo chí cách mạng, đặc biệt là tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Người; thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Bác: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để báo cách mạng Việt Nam thực hiện tốt vai trò “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét