NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ CUỘC CHIẾN ĐẤU
BẢO VỆ
BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC
Ngày 17/2/1979, cách đây 40 năm cả dân tộc Việt Nam đã nghiêng
mình tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến
tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (1979-1989), chống lại
cuộc xâm lược tàn bạo và phi nghĩa của Trung Quốc. Có thể nói đây là
một sự kiện lịch sử bi tráng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Thời
gian vừa qua có nhiều ý kiến trái chiều và nhận thức chưa thật đúng về cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Việc chúng ta cần phải nhắc
đến nó, ghi nhận nó một cách thực sự khách quan, lấy chuẩn mực pháp lý quốc tế
làm thước đo để đánh giá, là việc làm hết sức quan trọng và cũng không thể bóp
méo sự thật gây hiểu lầm dư luận.
Thật vậy, chỉ khi nào chúng ta đánh giá đúng và sòng
phẳng về lịch sử, chúng ta mới không mắc bẫy đối phương, củng cố
vững chắc đoàn kết dân tộc và tận dụng được tối đa sự ủng hộ,
giúp đỡ từ bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ. Ngày 17/2/1979, Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc
chiến tranh phi nghĩa xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam
dưới chiêu bài “phản công tự vệ”, “dạy cho Việt Nam một bài học”. Hướng tiến
công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên
Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng
là Quảng Ninh và Hà Tuyên lực lượng khoảng hơn 600 nghìn quân. Trước cuộc tiến
công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ ta đã tuyên bố nêu
rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại
nghiêm trọng tình hữu nghị tuyền thống giữa nhân dân hai nước và khằng định:
“Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính
đáng của mình để đánh trả”. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”,
quân và dân ta nhất là các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ
truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến
đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên mặt trận Lạng Sơn: Trung Quốc sử dụng các Quân đoàn
43, 55 và 54 (dự bị), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm
nhiều mũi đánh vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh,
Tân Yên (Văn Lãng và khu vực thị trấn Đồng Đăng.
Trên mặt trận Cao Bằng: phía Trung Quốc huy động Quân
đoàn 41, 42 và Quân đoàn 50 (thiếu) làm lực lượng dự bị, hai trung đoàn địa
phương tỉnh Quảng Tây, 4 trung đoàn độc lập, có 225 xe tăng, xe bọc thép, hơn
300 pháo cơ giới và nhiều đơn vị sơn cước, hàng chục tiểu đoàn các xã giáp biên
giới và hàng nghìn dân binh chia làm hai cánh: một cánh do Quân đoàn 41 đảm nhiệm
tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng và một cánh do Quân đoàn 42 đánh vào thị xã
Cao Bằng và tiêu diệt Sư đoàn 346 của ta.
Trên mặt trận Hoàng
Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái): Trung Quốc sử dụng Quân đoàn
13, 14, một sư đoàn Quân đoàn 50, cùng một số trung đoàn địa phương, có 100 xe
tăng, xe bọc thép và 450 khẩu pháo hỗ trợ, chia làm hai cánh: Một cánh do Quân
đoàn 13 đảm nhiệm tiến công theo hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và
thị xã Cam Đường; một cánh do Quân đoàn 14 theo tả ngạn sông Hồng đánh vào
Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu.
Trên
mặt trận Lai Châu: Phía Trung Quốc huy động Quân đoàn 11 đánh vào Pa Nậm Cúm,
Nậm Cáy, Nậm Xe; mục tiêu chính là thị trấn Phong Thổ.
Trên mặt trận Hà Tuyên
(nay là Hà Giang và Tuyên Quang): Trung Quốc huy động 2 sư đoàn và một số trung
đoàn địa phương chi làm ba mũi tiến công vào các khu vực Thanh Thủy, Đồng Văn
và Méo Vạc.
Trên mặt trận Quảng
Ninh: Quân Trung Quốc huy động 2 sư đoàn bộ binh, chia làm hai mũi: Một mũi
tiến công vào Thán Phán (Móng Cái) và một mũi tiến công vào Cao Ba Lanh (Bình
Liêu).
Trải qua hơn 10 ngày
chiến đấu, lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân 6 tỉnh biên
giới phía Bắc đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ta
đã bẻ gẫy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương
tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh, buộc quân Trung Quốc
phải đưa lực lượng dự bị chiến lược vào hỗ trợ, cứu nguy cho lực lượng bị bao
vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai. Tuy nhiên, với ưu thế về vũ khí
trang bị và thế quân đông, quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa ta trên một
số hướng như Cao Bằng (khoảng 40-50km), Lạng Sơn, Lào Cai (khoảng 10-15km) và
lần lượt chiếm các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Cam Đường, Lạng Sơn, thị trấn
Phong Thổ và một số địa bàn trên vùng biên giới phía Bắc sau khi ta chủ động
chuyển lực lượng về tuyến sau.
Do không đạt được mục
đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất
nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh
mẽ, ngày 05/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các
hướng. Với truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn củng cố hòa bình, hữu
nghị giữa nhân dân hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta chỉ thị cho lực lượng vũ trang và nhân dân trên vùng biên
giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để Trung Quốc rút toàn bộ
lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước. Từ ngày 06/3/1979, phí Trung Quốc
vừa rút quân, vừa đánh phá, gây nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng
bào ta ở một số vùng giáp biên giới. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc
đã rút quân khỏi nước ta. Mặc dù tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế, từ sau
ngày 18/3/1979, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc
các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang), có nơi sâu từ 200 đến
500 mét, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng
và kéo dài đến năm 1989.
Chúng ta với tư cách
một quốc gia độc lập có chủ quyền lãnh thổ, trước hành động xâm lược của Trung
Quốc, chúng ta có quyền cầm vũ khí để tự vệ, bảo vệ lãnh thổ của mình. Đấy là cuộc
chiến tranh chống xâm lược, không thể nhập nhèm như cách Trung Quốc nói là
“hành động phản công tự vệ”, càng không thể chấp nhận khi họ nói phải “dạy Việt
Nam một bài học”. Cho đến bây giờ, dư luận đang rất đồng tình với những việc
chúng ta đã làm.
Để bảo vệ hòa bình
thì không cách nào khác là phải giáo dục cho các thế hệ nhận thức
đúng đắn về lịch sử, trong đó có 3 cuộc chiến năm 1974, 1979-1989 và
1988. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không được
phép lãng quên lịch sử. Chúng ta hãy đánh giá phải - trái, đúng - sai, bạn -
thù, phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên cơ sở những ứng xử nhân văn của con
người với con người trong cộng đồng, là việc làm có ý nghĩa, sẽ có tác dụng
tích cực nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ của các nước, đặc biệt gây dựng được
lòng tin đã từng mất đi bởi cuộc xung đột vô lý, phi nghĩa đó. Còn nếu ai đó
muốn cố tình lái lệch đi bản chất của nó để che đậy những âm mưu, toan tính
không lành mạnh, đặc biệt những tham vọng chính trị hoặc cố tình hiểu sai, nó
sẽ chỉ làm cho lòng dân yêu nước, cũng như dư luận tiến bộ thế giới càng mất đi
niềm tin. Chính điều đó tạo nên sự mâu thuẫn, sự hiểu lầm lẫn nhau./.