Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

THẬN TRỌNG TRƯỚC CÁC HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI

 Thời gian qua, sự xuất hiện gia tăng của các hiện tượng tôn giáo mới với những biểu hiện ngày càng phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội khiến dư luận hết sức lo ngại. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả, không cho phép các hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Thời điểm năm 2016-2018, sự xuất hiện nở rộ của cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa trời” (hay “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ”) tại nhiều địa phương, tuyên truyền, cổ xúy cho việc bỏ gia đình, nhà cửa, đập bỏ bàn thờ tổ tiên, khước từ cha mẹ, tuyệt đối tin nghe theo sự chỉ bảo của “Đức Chúa trời” đã gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng khẳng định hoạt động của các nhóm tự xưng “Hội thánh Đức Chúa trời” tại nhiều địa phương là hoạt động vi phạm luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, vi phạm Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Đáng lo ngại là theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các “tín đồ” đi theo “Hội thánh Đức Chúa trời” lên đến hàng nghìn người, hoạt động rộng khắp ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Không được cấp phép hoạt động, một số cơ sở truyền giáo trái phép thuộc hội nhóm này bị buộc phải đóng cửa, những sai phạm bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời trên các phương tiện truyền thông cũng đăng tải nhiều bài viết nhằm cảnh báo người dân tỉnh táo, cảnh giác trước sự lôi kéo, dụ dỗ của tổ chức này. Tuy nhiên đến nay, “Hội thánh Đức Chúa trời” vẫn lén lút hoạt động tại một số địa phương.

Cụ thể như thời điểm tháng 9/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, các hoạt động tụ tập đông người phải hạn chế, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh, song tại Thừa Thiên Huế, ngày 10/9, lực lượng công an đã phát hiện một nhóm người lạ mặt từ nơi khác đến, chiêu mộ quy tụ được khá đông “tín đồ” trên địa bàn để tham gia sinh hoạt trong “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ”.

Vẫn kiên trì với “giáo lý” của riêng mình, đi ngược thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, nhóm người truyền giáo lạ mặt còn yêu cầu thành viên tham gia có trách nhiệm đi truyền đạo, chiêu mộ thêm người mới, tích cực đóng góp nhiều tiền bạc để “Hội thánh” ngày càng phát triển. Theo lời khẳng định của chúng thì chỉ có như vậy thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới được giải thoát khỏi đau khổ, nghèo đói! Nếu tỉnh táo nhận diện có thể thấy sự vô lý trong luận điệu “truyền giáo” mang dáng dấp của “kinh doanh đa cấp”.

Hay như mới đây, tháng 4/2022, tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cơ quan chức năng phát hiện một số đối tượng có hành vi tuyên truyền, vận động người dân địa phương tham gia vào cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa trời tư gia”. Thay vì phải lặn lội đến từng khu dân cư, các đối tượng lợi dụng sự tiện ích của mạng xã hội để truyền đạo trực tuyến. Phòng học “giáo lý” được mở trên Zoom, mỗi buổi sinh hoạt tập hợp chừng 30-40 thành viên tham gia; duy trì bốn buổi/tuần vào các buổi trưa, khoảng thời gian nhiều người thường rảnh rỗi. Ngay khi mới tham gia, các “tín đồ” lập tức phải đóng góp lệ phí để sinh hoạt, đồng thời được hướng dẫn ai có bệnh tật cần điều trị thì sẽ được “trị liệu riêng”, “bảo đảm khỏi mọi loại bệnh”, tất nhiên là có những điều kiện và chi phí kèm theo.

Có thể thấy, dù không có tư cách pháp nhân song những người điều hành hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời tư gia” vừa truyền giáo trái phép, vừa chữa bệnh bất hợp pháp để thu lời bất chính. Hậu quả tuy chưa được thống kê, song từ đây cho thấy không ít người dân vì cả tin, mê muội, đang dại dột giao phó tính mạng mình cho những đối tượng không đáng tin cậy, để bản thân rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, gia đình tan nát.

Đó chỉ là một vài thí dụ nhỏ nhưng đã phần nào cho thấy mức độ phức tạp và nguy hiểm của các hoạt động tôn giáo không chính thống đang âm thầm phát triển trong cộng đồng, gây ra những hậu quả khó lường. Hiện tượng tôn giáo mới cũng đang là một trong những vấn đề có tính thời sự của tôn giáo thế giới trong thế kỷ 21. Ước tính trong vòng 20 năm qua, trên thế giới có khoảng 20.000 hiện tượng tôn giáo mới với hơn 130 triệu tín đồ (trung bình mỗi ngày xuất hiện 2-3 tôn giáo mới).

Đáng lo ngại là sự xuất hiện của hiện tượng tôn giáo mới với sự nở rộ của các tà đạo với nhiều biểu hiện mờ ám, tiêu cực đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 đạo lạ, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt các tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Để hòng lôi kéo người dân tin và đi theo mình, có người tự xưng là “Chúa giáng thế”, đưa ra những câu chuyện hoang đường, dụ dỗ người dân chỉ cần đi theo mình, ngày ngày nhất tâm cầu nguyện thì: “không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi”. Có người thì dựng lên câu chuyện về “Đức Mẹ hiển linh” truyền cho mình sứ mệnh cao cả, đứng lên tập hợp mọi người tham gia với lý do: “Ai theo Đức Mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không cần chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán”.

Những diễn biến phức tạp liên quan các hiện tượng tôn giáo mới thời gian qua đã và đang tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội. Đó là tuyên truyền mê tín dị đoan (uống “nước thánh” là mọi bệnh sẽ tiêu trừ; hủy hoại cơ thể để được siêu thoát; quan hệ tình dục tập thể với giáo chủ để nhanh đắc đạo…); lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số người dân để trục lợi, gây mất an ninh trật tự (tụ tập đông người để truyền đạo bất hợp pháp, kêu gọi người dân bỏ gia đình người thân để đi theo tà đạo, vận động người dân “càng đưa nhiều tiền và đọc kinh sám hối nhiều thì sẽ sớm được xóa tội, hưởng sung sướng”...). Lợi dụng hoạt động tôn giáo để lôi kéo người dân vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá chính quyền (tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn, không chấp hành lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, lợi dụng các vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận để kêu gọi người dân biểu tình,…).

Nguy hiểm hơn, một số tà đạo với sự tiếp tay của các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lôi kéo người dân tham gia những hoạt động trái pháp luật, gây rối hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị. Tiêu biểu có thể kể đến sự kiện xảy ra vào năm 1999 tại Tây Nguyên, một số đối tượng chống cộng, phản động lưu vong ở hải ngoại đã cấu kết với các “chân rết” ở trong nước, dùng chiêu bài tôn giáo để kêu gọi, mua chuộc người dân tham gia vào cái gọi là “Tin lành Đê ga” nhưng thực chất là kích động tư tưởng ly khai dân tộc, thành lập nên “Nhà nước Đê ga” hòng đối trọng với chính quyền hiện hành, và âm mưu một cuộc lật đổ chế độ.

Hay như năm 2006, tà đạo Hà Mòn xuất hiện tại Đắk Lắk, kêu gọi người dân bỏ rẫy, bỏ vườn, không cho con cái học hành, kích động tư tưởng ly khai, tự xưng là “Công giáo Đê ga”. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, tổ chức này nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ các đối tượng phản động sống lưu vong ở nước ngoài để âm mưu thành lập nhà nước riêng đặt trụ sở tại thành phố Pleiku.

Chính từ những biểu hiện thiếu lành mạnh, gây nguy hại, bất ổn cho xã hội, các tà đạo không được Nhà nước Việt Nam công nhận và cấp phép hoạt động. Song bằng nhiều con đường, thủ đoạn khác nhau, các tà đạo này vẫn hình thành nên mạng lưới chân rết tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, tiếp cận người dân để dụ dỗ, chiêu mộ tín đồ, tuyên truyền tín ngưỡng bất hợp pháp, thậm chí tổ chức những hoạt động mang màu sắc chính trị cực đoan, chống phá chính quyền.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, các hiện tượng sinh hoạt tôn giáo trái phép trên mạng xã hội có chiều hướng nở rộ, với những biểu hiện như: phát tán tài liệu, livestream tuyên truyền “giáo lý”, lập các nhóm kín để vận động người dân tham gia,... Bên cạnh những người dân vùng sâu vùng xa, trình độ văn hóa hạn chế, thiếu thông tin, nhẹ dạ bị dẫn dắt, dụ dỗ trở thành tín đồ của tà đạo còn có sự xuất hiện của không ít người trẻ ham thích được trải nghiệm những điều mới mẻ, và cả những người có trình độ, uy tín trong xã hội. Đây là biểu hiện rất cần quan tâm. Rõ ràng, chiêu thức dụ dỗ của các tà đạo ngày càng tinh vi, khiến đối tượng bị mắc bẫy có thể là bất cứ ai.

Đáng chú ý, chúng thường lợi dụng người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đang có nhiều ẩn ức, bức xúc trong đời sống để lôi kéo tham gia vào các hoạt động mang màu sắc tâm linh như một cách để tự giải thoát khỏi những bế tắc. Mặt khác, dù mang danh nghĩa hoạt động tôn giáo, các đối tượng chống phá, cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng, khoét sâu các vấn đề tiêu cực nổi cộm trong xã hội, các chính sách đối với tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ lên tiếng, xuống đường biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những diễn biến phức tạp liên quan lĩnh vực tôn giáo thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng, đòi hỏi mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, đề cao cảnh giác trước các hoạt động phi pháp núp bóng tôn giáo, không để bị lôi kéo tham gia các tà đạo. Bởi rất có thể mình sẽ vô tình trở thành người tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật khoác áo tôn giáo gây hại cho xã hội, để rồi chính bản thân và gia đình bị liên lụy.

QUAN ĐIỂM ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG, NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

 Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là âm mưu, thủ đoạn chống phá nguy hiểm đối với cách mạng Việt Nam, đã và đang được các thế lực thù địch ra sức tiến hành. Ngay từ những năm cuối thập kỷ 80 đầu 90, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đã “chớp thời cơ”, coi đây là “thời cơ vàng” tiến công nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản và xóa bỏ nền độc lập dân tộc của các nước tiến bộ, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, trước sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là những thành tựu thu được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta, các thế lực thù địch ra sức chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng cổ vũ cho “chủ nghĩa tự do”, thị trường tuyệt đối, làm giàu bằng bất cứ giá nào, phủ nhận những quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng âm mưu, thủ đoạn tinh vi, chúng đưa ra cách “lập luận” kiểu lô-gíc hình thức, rằng chủ nghĩa Mác ra đời cách đây đã lâu rồi, cách đây hơn thế kỷ rồi, bối cảnh lịch sử hiện đã thay đổi cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam không thể cứ khư khư giữ lấy “cái học thuyết đã lỗi thời đó” làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Từ đấy, chúng xuyên tạc rằng, một đảng lấy tư tưởng, lý luận đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có cơ sở để lãnh đạo đất nước phát triển khi thực tế khách quan đã thay đổi. Chúng trắng trợn phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và cho rằng Hồ Chí Minh “không phải là nhà tư tưởng” mà chỉ là “nhà hoạt động thực tiễn” nên không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng lờ đi những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh giàu chất lý luận về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người đã soi đường cho dân tộc ta và ảnh hưởng đến nhiều dân tộc khác trên thế giới trong cuộc đấu tranh tự giải phóng.

Bằng âm mưu, thủ đoạn lấy tư duy hình thức thay cho phương pháp tư duy biện chứng, chúng chống phá, bác bỏ hệ thống tư tưởng, lý luận của Đảng ta; chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Để tăng cường hiệu quả chống phá, chúng trắng trợn phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta đạt được qua hơn 35 năm đổi mới. Những thành tựu đó đã làm thay đổi lớn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, khẳng định giá trị khoa học, hiện thực của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, được các tổ chức và cộng đồng quốc tế công nhận. Thế nhưng, chúng vẫn bằng cách này, cách khác đưa ra các thông tin, số liệu giả để kích động, lôi kéo không ít người do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin ngộ nhận, tin theo chúng. Chúng ra sức phủ nhận giá trị khoa học, hiện thực của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thủ đoạn phủ nhận giá trị đó của các thế lực thù địch, phản động được tiến hành dưới nhiều hình thức, một cách kiên trì; từ việc gây chia rẽ, kích động, lôi kéo từng cá nhân bất mãn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh vững vàng tin theo chúng.

Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là đòn tiến công của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Mục đích của đòn tiến công này là làm thay đổi nhận thức, niềm tin của con người với tính chất rất thâm độc và tinh vi, xảo quyệt. Âm mưu, thủ đoạn này đã từng được các thế lực thù địch thực hiện có hiệu quả ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây và một số nước tiến bộ trong thời gian gần đây. Đặc biệt, hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng sự xung đột giữa một số quốc gia, nhất là vấn đề Ukraine để xuyên tạc chế độ chính trị của một số nước. Việt Nam không nằm ngoài thủ đoạn chống phá ấy. Vấn đề đó được chúng triệt để lợi dụng hòng xuyên tạc quan điểm, đường lối đối ngoại và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam về vấn đề Ukraine được khẳng định rõ rảng. Đó là không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu. Quan điểm ấy xuất phát từ xu thế của thời đại, từ yêu cầu do thực tiễn cách mạng đặt ra; phản ánh sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế. Đây cũng chính là quan điểm được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Trong mọi điều kiện hoàn cảnh, tư tưởng ấy của Người luôn tỏa sáng tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Người luôn tìm mọi cách để ngăn ngừa xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Giá trị khoa học, hiện thực của Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; sự phù hợp, đúng đắn trong quan điểm đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam liên quan đến tình hình Ukraine là những vấn đề không thể phủ nhận.

Vì vậy, là công dân Việt Nam yêu nước, mỗi chúng ta phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những thông tin bịa đặt, không chính thống, thông tin chưa được kiểm chứng hoặc những thông tin chỉ đưa ra các quan điểm cá nhân, chứ không đúng với bản chất và thực tế của vấn đề.

TỰ NGUYỆN DÂNG HIẾN, HY SINH VÌ TỔ QUỐC, VÌ NHÂN DÂN

 Tự nguyện đi theo con đường cách mạng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn. Đúng như Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã chỉ ra một trong những nét đặc trưng nổi bật của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là “chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

1. Trong muôn vàn sự lựa chọn, có lẽ chọn sự hy sinh là cao cả và thiêng liêng nhất. Bởi hy sinh là chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, thậm chí mất mát. Nhưng không có sự hy sinh nào là vô nghĩa, nhất là hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng; hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng đội, gia đình. Với quân nhân, lời thề danh dự thiêng liêng, cao quý đầu tiên chính là “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam!”. Thế nên những người lính khi đã cất bước “ra đi đầu không ngoảnh lại”, nguyện một lòng một dạ “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Có những câu chuyện, những tấm gương hy sinh sẽ mãi được lịch sử ghi lại, các thế hệ đời đời nhớ ơn.

Mỗi khi nói đến sự hy sinh thì câu chuyện về những đồng đội ở đơn vị tôi vẫn luôn nhắc nhớ về bài học tri ân. Tôi vẫn nhớ như in một ngày giữa tháng 6-2016, trời chang chang nắng. Cái nắng lửa như thiêu đốt ruột gan thêm cồn cào, nhức nhối. Tôi cùng rất nhiều đồng đội dõi mắt lên bầu trời và đợi chờ. Thời gian như ngưng đọng, những gương mặt đăm chiêu mong ngóng người trở về. Nhưng không, máy bay Casa số hiệu 8983 thực hiện nhiệm vụ bay cứu hộ-cứu nạn đã nằm lại giữa biển khơi. Cả 9 người con ưu tú của Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã ra đi mãi mãi. Biển biếc quê hương đã ôm trọn các anh vào lòng. 9 con người ra đi để lại phía sau là hậu phương, gia đình. Có vợ liệt sĩ đang mang bầu, có con liệt sĩ mới chập chững biết đi, có bố mẹ liệt sĩ mái đầu bạc trắng nhớ thương. Sự hy sinh, mất mát là rất lớn, để lại niềm tiếc thương cho đồng chí, đồng bào cả nước. Những cánh chim quả cảm đã hóa thân vào bầu trời Tổ quốc. Chuyến bay dở dang, ước nguyện chưa thành. Thế nhưng sự hy sinh của các anh đã truyền lửa tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để đồng đội tiếp tục cất cao cánh bay giữ trời Tổ quốc.

Có thể thấy giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được hun đúc bởi nhiều yếu tố, trong đó đức hy sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ấy là hành động nhận gian khó về mình để người khác được hưởng niềm vui, sẵn sàng hy sinh bản thân để người khác được hưởng bình yên, hạnh phúc. Trong xã hội, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Trả lời câu hỏi ấy, bộ đội sẽ không hề do dự. Họ sẵn sàng xung phong dấn thân vào nơi gian khổ, hiểm nguy với tinh thần “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” (Tố Hữu). Người lính nhận về mình sự thiệt thòi để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Tinh thần đó, lý tưởng đó, hành động đó thật đáng trân trọng biết bao!

Sự hy sinh của bộ đội đã tạc vào lòng nhân dân hình ảnh vô cùng đẹp đẽ. Mới đây, đại dịch Covid-19 quét qua là lúc người lính xông pha diệt “giặc” nguy hiểm này. Một lần nữa, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lại tỏa sáng, truyền thêm niềm tin cho cộng đồng xã hội. Nhân dân nhìn thấy bộ đội là thấy an lòng. Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bộ đội đến từng nhà trao quà an sinh, chữa bệnh, giúp tiêm vaccine, tuần tra, bám chốt, lo hậu sự cho người dân qua đời vì Covid-19... Chính trong thời điểm khó khăn, gian khổ đó lại càng tỏa sáng đức hy sinh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Biết bao cán bộ, chiến sĩ phải gác lại việc riêng, ngày đêm dầm mình trong sương gió canh gác, chốt chặn, phòng, chống dịch. Có nhiều đồng chí vì nhiệm vụ mà người thân ra đi không thể về chịu tang, đành vái vọng từ xa. Những sự hy sinh thầm lặng đó đâu dễ gọi tên.

2. Giữa thời bình, niềm vui ngập tràn trên từng nẻo đường, góc phố. Bình yên hiện hữu trên mỗi gương mặt người. Hạnh phúc nhân lên trong từng mái ấm. Thế nhưng xin hãy nhớ rằng, nơi biên cương, hải đảo, ở những đồn biên phòng, kho quân khí, trạm radar, nhà giàn xa xôi vẫn có những người lính ngày đêm lặng thầm thực hiện nhiệm vụ. Họ công tác, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn xa xôi, phức tạp, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn. Nhiều đồng chí đã gắn bó cả thanh xuân nơi miền biên viễn hay ngoài trùng khơi. Đâu chỉ khó khăn về điều kiện công tác, họ còn thiếu thốn tình cảm, hơi ấm gia đình. Những khi mọi người sum họp bên người thân, họ chỉ biết đứng lặng dõi về quê hương; những khi mọi người được vui chơi, ca hát, họ phải dầm mình trong màn sương gió lạnh; những khi mọi người quần áo tinh tươm dạo bước nơi phố phường thì họ lặng lẽ hành quân giữ chắc tay súng...

Đôi khi niềm ước mong của bộ đội rất giản dị, chỉ là một bữa cơm bên gia đình, một cái ôm thật chặt với con yêu. Ở chiều ngược lại, nơi hậu phương là sự khắc khoải đợi chờ, con mong cha, vợ ngóng chồng ngày về sum họp. Thế nên, không những người lính hy sinh mà gia đình, người thân của họ cũng phải chịu thiệt thòi. Nói đến hy sinh đâu chỉ là mất mát, ra đi, mà sự hy sinh còn biểu hiện sinh động từ những điều rất nhỏ. Ấy thế nhưng nếu không đủ mạnh mẽ, chúng ta cũng không dễ hy sinh những điều nhỏ như thế.

3. Thời nay, khi cuộc sống xã hội phát triển, sự so sánh giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa được và mất, thiệt và hơn càng rõ nét hơn, không phải ai cũng dễ dàng nhận lấy phần khó khăn, gian khổ. Bộ đội cũng không nằm ngoài những tác động từ đời sống xã hội, những áp lực vô hình ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của mỗi người. Phía sau niềm vinh dự, tự hào vẫn còn những nỗi niềm trăn trở của người lính khi phải hy sinh những lợi ích bản thân vì nhiệm vụ chung. Bởi vậy, bộ đội rất cần sự quan tâm và chia sẻ từ xã hội. Sự động viên thể hiện ở các chính sách hỗ trợ thiết thực đối với bộ đội, nhất là chế độ về đất ở, nhà ở, tiền lương, nghỉ phép, trợ cấp... để quân nhân và gia đình họ có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn.

Trong cuộc sống hiện đại, mỗi quân nhân cũng ít nhiều chịu sự chi phối bởi các mối quan hệ. Hậu phương là một trong những nỗi lo của người lính khi xa nhà. Cha mẹ, vợ con bộ đội đang cần những sự quan tâm thiết thực như bao gia đình khác, nhưng vì điều kiện công tác xa nhà mà không phải lúc nào quân nhân cũng lo toan chu đáo, vẹn tròn. Thế nên, để bộ đội yên tâm công tác, để mỗi tổ ấm của người lính thực sự là bến neo đậu bình yên của họ, mong sao có sự chăm lo nhiều hơn nữa từ các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quần chúng ở địa phương. Thật ý nghĩa biết bao khi gia đình quân nhân khó khăn được kịp thời giúp đỡ, tổ ấm quân nhân hạnh phúc được tôn vinh, con em bộ đội được khuyến khích, tạo điều kiện trong học tập, công tác. Mỗi hành động, việc làm ý nghĩa từ xã hội sẽ là động lực để cán bộ, chiến sĩ quân đội và gia đình họ có thêm niềm tin vượt mọi khó khăn, tiếp tục phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân.

“PHẢI CÓ QUYẾT TÂM CAO ĐỂ VƯỢT MỌI KHÓ KHĂN LÀM TRÒN NHIỆM VỤ"

 Trong thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của quân đội năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ.

Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ”... Lời dạy của Người là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ cũng như toàn quân chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, lập nhiều thành tích trong kháng chiến và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn đã chứng minh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy vũ khí, trang bị của Quân đội ta còn thua kém địch gấp nhiều lần, nhưng nhờ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu rèn luyện, bộ đội ta vừa chiến đấu, lấy vũ khí của địch đánh địch, vừa tự nghiên cứu cải tiến, chế tạo vũ khí mới. Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới, quân đội của một nước nhỏ, trang bị thô sơ, chiến đấu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, đã đánh bại đội quân nhà nghề, được trang bị hiện đại của một cường quốc thực dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội như: Ấp Bắc, Vạn Tường, Ba Gia, Plây Me, Đường 9-Nam Lào... Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhờ vậy, bộ đội ta càng đánh càng mạnh, dũng mãnh tiến công địch rộng khắp ở cả vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ để nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Từ thực tiễn huấn luyện, SSCĐ và công tác, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được phát huy, lan tỏa, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Các đơn vị trong toàn quân luôn chủ động nâng cao chất lượng huấn luyện với tư duy đổi mới, sáng tạo, làm sao cho bộ đội nắm chắc, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị được biên chế, hiểu và vận dụng các hình thức tác chiến, thủ đoạn chiến đấu, giỏi tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng với các điều kiện và quy mô khác nhau... góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 vừa qua, Đoàn QĐND Việt Nam đã nêu cao tinh thần và ý chí quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, thể hiện năng lực, tư duy chỉ huy, tham mưu, tư duy chiến thuật và khai thác sử dụng trang bị khí tài hiện có. Qua hội thao giúp chúng ta học hỏi thêm về phương pháp tổ chức huấn luyện, SSCĐ của quân đội các nước bạn, từ đó bổ sung những nội dung phù hợp, vận dụng hiệu quả vào chương trình huấn luyện sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của bộ đội ta.

Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, các đơn vị quân đội đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa mới trong các khu dân cư; chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các hoạt động an sinh xã hội...

Bằng sự chủ động, sáng tạo, kết hợp huấn luyện với thực hiện Phong trào thi đua “dân vận khéo”, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nâng bước em tới trường”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển"... Các binh đoàn, đoàn kinh tế-quốc phòng đã gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng-an ninh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới trên các địa bàn chiến lược; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không chỉ thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, quân đội còn nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng là đội quân công tác. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quân đội đã triển khai hàng trăm điểm cách ly, tổ chức cách ly cho hàng trăm nghìn người dân. Để canh giữ biên cương, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ không quản nguy hiểm đến tính mạng, tổ chức hàng nghìn chốt chặn giữa rừng sâu để ngăn chặn dịch tràn vào đất nước. Các đơn vị phối hợp với địa phương phong tỏa, cách ly, tiêu độc, khử trùng, dập dịch; thành lập các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch tại các đơn vị, lập các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị..., được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trong cuộc chiến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ-cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, quân đội luôn xung kích đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, trong năm 2021, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản gian khổ, hy sinh có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy, giúp dân phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn. Càng trong gian khó, hiểm nguy, trong mất mát, đau thương thì tình quân dân lại càng thêm ngời sáng. Không ai có thể quên được những trận bão lũ lịch sử tại miền Trung xảy ra vào tháng 10 và tháng 11-2020. Các địa danh như: Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam) đều in dấu chân Bộ đội Cụ Hồ. Ngay tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, trong mưa gió, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cần mẫn đào từng mét đất, mò tìm dọc triền sông, suối tìm kiếm người dân mất tích. Để có được cuộc sống bình yên cho nhân dân, biết bao người lính đã ra đi không trở về...

Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cần tiếp tục học tập và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác, tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó, không ngừng học tập và rèn luyện, nâng cao trình độ nhận thức chính trị, xây dựng động cơ, quyết tâm cao, rèn luyện ý chí chiến đấu, tinh thần chịu đựng gian khổ, dũng cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên từng cương vị công tác, mỗi quân nhân phải nâng cao nhận thức, kiên định lập trường cách mạng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt chức trách được giao. Càng trong khó khăn, gian khổ, bản lĩnh chính trị, niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội càng phải được khẳng định, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong điều kiện các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, lôi kéo cán bộ, chiến sĩ quân đội chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần, đồng thời lợi dụng các vụ việc vi phạm kỷ luật của một số cán bộ, chiến sĩ để đưa ra những luận điệu xuyên tạc trắng trợn hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, do đó cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về tầm quan trọng của việc phấn đấu, rèn luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ với các chuẩn mực: Kiên định vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết, tôn trọng, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.

Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác; tỉnh táo, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Nhất là phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp. Chính sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy và chỉ huy các cấp có vai trò, tác động rất lớn, tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó mà không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị và xây dựng quân đội.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, ý chí quyết tâm và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quân đội sẽ quyết định chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Học tập và làm theo lời Bác dạy, đội ngũ cán bộ quân đội càng phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; luôn gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống bộ đội, tạo điều kiện để họ phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

LỢI DỤNG VIỆC “ĐỐT LÒ” ĐỂ “THỔI LỬA” CHỐNG PHÁ

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là thông tin nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điều này cho thấy, dù là “củi tươi” hay “củi khô” một khi có sai phạm thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Lợi dụng việc Đảng đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò”, không ít đối tượng xấu đã xuyên tạc, “thổi lửa” chống phá.

Nhận diện các luận điệu “thổi lửa” chống phá

Tại cùng một thời điểm, liên quan đến cùng một vụ án, 2 Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 ông này để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, các bước xử lý về Đảng, xử lý về chính quyền và xử lý về hình sự đã được thực hiện. Điều này khẳng định rõ sự đồng bộ, quyết liệt, không khoan nhượng trong công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long nhận được sự đồng tình ủng hộ từ quần chúng, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vụ việc này cũng nhanh chóng được các “nhà bình luận” lợi dụng để xuyên tạc, xỏ xiên, đánh lận bản chất nhằm tấn công Đảng, Nhà nước.

Trong một bài viết có tiêu đề “Phản hồi của dân chúng về vụ bắt giữ ba lãnh đạo cấp cao liên quan đến Việt Á” được đăng tải hôm 8-6, Đài Á châu tự do – RFA đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam như: “Việc bắt giữ chỉ là sự đấu đá trong hàng ngũ cấp cao của Đảng cộng sản”, “đến giờ mới xử lý là đã quá trễ, quá coi thường công lý”, “việc xử lý không thể làm thay đổi được bản chất hư hỏng của hệ thống cai trị đất nước vì đây chỉ là việc ném đá ao bèo”?!

Cùng ngày 8-6, BBC News tiếng Việt cũng rêu rao bài viết “Chiến dịch “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng: Điều gì thực sự phía sau”. Trong đó, những luận điệu độc hại, sai trái, thể hiện tính vu khống trắng trợn theo đúng “kịch bản dân chủ” đã được đưa ra. Những kẻ này quy chụp tham nhũng là bản chất của chế độ một đảng lãnh đạo. Từ đó, chúng đánh lừa dư luận bằng cách đưa ra quan điểm cho rằng Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng khi thay đổi theo hướng chấp nhận “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự tự trị”, “báo chí độc lập”…?!

Những thông tin được các đối tượng nêu ra là vô căn cứ, phi lý, đi ngược sự thật. Mục đích mà những kẻ này hướng đến là làm loạn dư luận, kích động sự mâu thuẫn trong xã hội, phủ nhận những kết quả mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đích đến cuối cùng của chúng là tấn công chế độ, thay đổi thể chế chính trị của đất nước.

“Đấu đá nội bộ”?

Tham nhũng là “giặc nội xâm” tồn tại và phát triển ngay trong nội bộ. Người tham nhũng giữ chức vụ càng cao thì càng khó xử lý. Nếu nội bộ Đảng không thực sự đoàn kết, nhất trí thì chắc chắn sẽ không thể đưa những kẻ này ra xử lý. Vì vậy, việc Đảng xử lý 2 Ủy viên Trung ương Đảng là minh chứng trực tiếp nhất khẳng định nội bộ Đảng ta hoàn toàn đoàn kết, không hề có sự “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ” như những gì các “nhà dân chủ” cố tình tô vẽ.

Việc xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền và xử lý hình sự đều được thực hiện trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm, không có bao che, khoan nhượng, thỏa hiệp với sai phạm.

Phải khẳng định rõ, việc xử lý ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là đúng người, đúng tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng chỉ rõ, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chẳng có sự “đấu đá nội bộ” nào ở đây, tất cả chỉ là những “thuyết âm mưu” được các đối tượng xấu vẽ ra để đánh lừa dư luận.

Tham nhũng không phải là bản chất của chế độ một đảng cầm quyền

Tham nhũng không phải là sản phẩm riêng của chế độ một đảng cầm quyền và càng không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam. Tham nhũng là vấn nạn chung của cả thế giới. Ngay trong phần mở đầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 đã ghi nhận rõ: “Không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết”.

Bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực. Vì vậy, tham nhũng có thể xuất hiện trong bất kỳ xã hội nào nếu quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ. Nên nhớ, năm 2017, Hàn Quốc (một quốc gia đa đảng) đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye 22 năm tù vì tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Hồi tháng 7-2020, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng bị kết tội do tham nhũng liên quan đến quỹ nhà nước Malaysia 1MDB.

Rõ ràng, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng” không phải là công thức chuẩn mực, điều kiện bắt buộc để một xã hội không có tham nhũng, tiêu cực như những gì đang được các đối tượng rêu rao. Việc phòng, chống tham nhũng thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và các giải pháp, chính sách, pháp luật được lãnh đạo quốc gia thực hiện. Hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” thì Việt Nam cũng kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý thể hiện tính nghiêm minh, công bằng và đồng thời cũng có tác dụng răn đe với toàn xã hội.

Một thực tế không thể chối cãi là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nhất là cán bộ cấp cao đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tính nhân đạo, nhân văn của đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

 Có thể thấy, nguyên nhân của lối suy diễn tiêu cực nêu trên trước hết là do nhận thức của một số cá nhân chưa đúng, bị tác động bởi những luận điệu sai trái do các thế lực thù địch và phần tử phản động rêu rao, xuyên tạc. Những biểu hiện này không phải đến bây giờ mới diễn ra mà nó tồn tại âm ỉ, là một mặt trái của đời sống xã hội, khi có tình huống tác động lại bùng lên cục bộ. Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp. Trong xã hội có giai cấp, không một quốc gia, dân tộc nào có thể triệt tiêu hoàn toàn tham nhũng. Vai trò của đảng cầm quyền và hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật chỉ có thể ngăn chặn, xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tham nhũng.

Ở nước ta, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, việc điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có mục đích nào khác ngoài việc để cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị xứng đáng hơn với niềm tin và sự phó thác của nhân dân.

Với bản chất nhân đạo, nhân văn xã hội chủ nghĩa, việc kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực là để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, với tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, khẳng định, kỷ luật, xử lý đồng chí, đồng đội của mình là rất day dứt, đau xót, nhưng đó là việc phải làm, không thể khác được. Phải làm nghiêm, làm mạnh để ai cũng phải có ý thức giữ mình trong sạch, ai đã trót “nhúng chàm” thì phải tự gột rửa để xứng đáng hơn với niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân.

Như vậy, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị phải làm thường xuyên, kiên trì, kiên quyết. Việc nhiều cán bộ cấp cao, đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng bị điều tra, xử lý là một tổn thất, một nỗi đau của Đảng, nhưng để cơ thể khỏe mạnh, không thể không “phẫu thuật” cắt bỏ những “khối u”, những “tế bào” độc hại...

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trắng đêm trăn trở, dằn vặt, day dứt trước khi quyết định xử tử Trần Dụ Châu vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Dù rất đau đớn, nhưng Người đã bác đơn xin ân giảm án tử hình của Trần Dụ Châu. Người nói: “Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Vụ án chống tham nhũng điển hình xảy ra cách đây hơn 70 năm, đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Quan điểm nhân văn, nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực là sự thể hiện vừa bao quát vừa cụ thể tính nhân văn xã hội chủ nghĩa, tất cả đều vì tiền đồ của đất nước, vì cuộc sống của nhân dân.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thực sự là một cuộc chiến của toàn Đảng, toàn dân. Lôi ra được những “con sâu” trong bộ máy công quyền, lợi dụng dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch để trục lợi là sự cố gắng nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, lực lượng chức năng, thể hiện tinh thần, ý chí đấu tranh của Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Là cán bộ, đảng viên, chúng ta không vui sướng, hả hê khi đồng chí, đồng đội mình suy thoái, biến chất, nhưng cũng không thể thờ ơ, bàng quan, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; càng không thể chỉ thấy hiện tượng mà quên bản chất, dẫn đến nảy sinh tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm... Để thúc đẩy phát triển, phải gắn chặt giữa đoàn kết và đấu tranh, giữa xây và chống với tinh thần lấy xây để chống. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, khi Đảng, Nhà nước ta ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, những thành phần “sâu mọt” trong nội bộ tổ chức đảng và hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được lôi ra ánh sáng công lý.

Với nhận thức, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên, chúng ta phải đi sâu vào bản chất, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền lợi của nhân dân lên trên hết để thấy rõ tính nhân đạo, nhân văn của Đảng. Những luận điệu cho rằng, Đảng, Nhà nước “thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe cánh”... thực chất là những luận điệu phản động, hại dân, hại nước. Cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong hệ thống chính trị cần nêu cao bản lĩnh, nhận thức thấu đáo bản chất vấn đề để củng cố trận địa tư tưởng chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức, xây dựng và tăng cường lòng tin trong nhân dân đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra phải đi trước một bước

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 27-4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự... Các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị...

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tinh thần của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp, hành động thiết thực ở mỗi địa phương. Đặc biệt là vai trò của công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra phải đi trước một bước để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự đi trước của tổ chức đảng trong kiểm tra, xử lý sai phạm vừa là tính tiên phong trong lãnh đạo, vừa thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, mọi chủ trương, hành động của Đảng đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân.

NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 Tham nhũng là một thuộc tính trong xã hội có giai cấp. Chống tham nhũng, vì thế, là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp. Thành bại của cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào bản lĩnh của đảng cầm quyền, hiệu lực của hệ thống pháp luật và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.

Ở nước ta, tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân. Mục tiêu của cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp này là vì nhân dân...

Chấn chỉnh nhận thức lệch lạc, suy diễn tiêu cực

Sở dĩ phải nhắc lại, nhấn mạnh những vấn đề nguyên tắc có ý nghĩa căn bản trên đây là bởi, trong dư luận xã hội (trong đó có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên) đã và đang nảy sinh những nhận thức lệch lạc về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trong những ngày qua, sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận xã hội xuất hiện những thông tin mang tính võ đoán, suy diễn cực đoan, tiêu cực.

Trên không gian mạng, những đối tượng có tư tưởng thù địch, chống đối đã suy diễn rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay thực chất là “cuộc thanh trừng nội bộ”, là “các phe phái trong Đảng đấu đá lẫn nhau”... Những cụm từ như “bê bối”, “đụng đến đâu sai đến đó”, “tham nhũng cả hệ thống”, “càng chống, tham nhũng càng nhiều”... được họ sử dụng để chứng minh cho kiểu suy diễn sai lệch, tiêu cực nói trên.

Vấn đề này được nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù địch ở hải ngoại tập trung khai thác, làm căn cứ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đất nước với quy mô, cường độ ngày càng tăng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nảy sinh tư tưởng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám đột phá, sáng tạo... Những biểu hiện tư tưởng, luồng thông tin tiêu cực ấy ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hóa, trận địa tư tưởng chính trị trong Đảng, nhất là tổ chức đảng các cấp ở những bộ, ngành, địa phương... có cán bộ chủ chốt tham nhũng, tiêu cực vừa bị bắt tạm giam.

Cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị giống như là những “đầu tàu”. Khi “đầu tàu” gặp trục trặc, bị hỏng hóc phải thay thế, tất yếu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cả hệ thống. Những dao động, xáo trộn về tâm lý, tình cảm... trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức của hệ thống ấy là trạng thái tâm lý bình thường. Tuy nhiên, nếu để nó diễn biến theo chiều hướng cực đoan, tiêu cực, làm nảy sinh tư tưởng chán nản, bi quan, thậm chí là bất mãn, có những phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước... thì đó là điều không thể chấp nhận. Trong cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị, những biểu hiện đó cũng chính là mầm mống của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

ÐỪNG CHỦ QUAN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

 Thống kê trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày có 1.044 ca nhiễm mới. Trong tổng số khoảng 1,2 triệu người mắc Covid-19 đang điều trị thì chỉ còn 51 trường hợp nặng đang phải thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn, trong đó có hai ca phải can thiệp ECMO. Cả tuần qua cũng chỉ có một, hai ca tử vong liên quan Covid-19...

Như vậy, số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng, số tử vong đã giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Ðây là kết quả của những nỗ lực đến từ ngành y tế và các lực lượng liên quan cũng như các địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua. Chống dịch hiệu quả là tiền đề để phục hồi và phát triển kinh tế; đưa đời sống của người dân dần trở lại bình thường.

Hiện nay, Covid-19 vẫn là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và diễn biến còn phức tạp, cho nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; đồng thời xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023. Cả nước tập trung triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ được phê duyệt tại Nghị quyết số 38/NQ-CP theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ðồng thời tập trung quản lý rủi ro, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em.

Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần kiểm soát được dịch trong thời gian qua là nước ta đã nhanh chóng bao phủ vaccine. Ðến nay, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 221,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm: từ 18 tuổi trở lên; từ 12 đến 17 tuổi; từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên, qua báo cáo theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng cho thấy một số địa phương tiêm chậm, còn để vaccine đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vaccine khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc. Bộ Y tế đã phải nhiều lần có văn bản đốc thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Ðáng chú ý, tại cuộc họp ngày 1/6, một lần nữa Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi ba cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ðặc biệt đề nghị 13 tỉnh, thành phố chưa nhận vaccine trong lần phân bổ gần nhất cần sớm tiếp nhận để triển khai tiêm cho các đối tượng trên địa bàn. Thế nhưng đến thời hạn cuối cùng (ngày 3/6) vẫn có ba địa phương không nhận số lượng vaccine đã phân bổ. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương không nhận vaccine cần có cam kết, nếu để xảy ra dịch bùng phát thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, thực hiện tiêm hết cho những đối tượng cần tiêm để vừa duy trì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở mức cao vừa tránh lãng phí vaccine. Với người dân cũng cần chủ động đến các cơ sở y tế tiêm đủ liều vaccine (phù hợp lứa tuổi, nhóm đối tượng) để phòng dịch cho bản thân và những người chung quanh.

CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN-NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TA!

         Ở Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu; vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và quy luật của thời đại. Ngay từ khi Đảng ta ra đời năm 1930 đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các âm mưu thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh - Bảo vệ hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại./.




Yêu nước ST.

SUY NGHĨ VỀ CƯƠNG LĨNH, ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY!

         Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp CM bằng Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết... Bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta là bảo vệ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.    
     Bảo vệ sự đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối với những giá trị lý luận, khoa học, bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững những nguyên lý về cách mạng XHCN, những đặc điểm, đặc trưng, quy luật của thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh và đường lối đổi mới của Đảng được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc bản chất cách mạng, phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Cương lĩnh, đường lối đó đứng vững và được hiện thực hóa, có khả năng chống lại mọi sự xuyên tạc và chống phá của các thế lực thù địch cả về lý luận và thực tiễn. Điều đó càng đòi hỏi Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trình độ lý luận và nhận thức về hệ tư tưởng của Đảng ta./.


Yêu nước ST.

VIỆT NAM-KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC!

         Khát vọng Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất, dân tộc ta hoàn toàn tự do, nhân dân ta được hưởng hạnh phúc trọn vẹn là ước nguyện của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc ta. Đó còn là một trong những giá trị văn hóa Việt Nam phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
     Đứng trước thời cơ đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chính vì vậy, khát vọng đất nước phát triển phồn vinh càng trở nên mạnh mẽ, cháy bỏng hơn bao giờ hết. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Nét nổi bật là Đảng, Nhà nước đang tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam. Qua đó, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đang cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.


Yêu nước ST.

NHẬN DIỆN ĐÚNG SỰ CHỐNG PHÁ QUÂN ĐỘI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH!

         Thời gian gần đây các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tán phát nhiều tài liệu có nội dung chống phá Quân đội, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, tác động xấu tới tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và dư luận nhân dân đối với Quân đội.
     Để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác bảo đảm an toàn thông tin, công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; đồng thời nêu cao ý thức cảnh giác, nhận rõ và chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tích cực bảo vệ mình, bảo vệ nội bộ cơ quan, đơn vị. Quản lý chặt chẽ bộ đội, tình hình của cơ quan, đơn vị, các mối quan hệ của quân nhân, nhất là việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của các đối tượng trong cơ quan, đơn vị. 
     Tuyên truyền sâu rộng bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những tấm gương bình dị, cao quý, hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, gương người tốt, việc tốt.
     Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương nắm chắc tình hình ANCT, TTATXH và âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của kẻ địch và phần tử xấu trên địa bàn đóng quân; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp xử lý tốt các vụ việc, tình huống phức tạp xảy ra, giữ vững đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
     Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống, uy tín của Quân đội./.


Yêu nước ST.

NHÀ BÁO NGA GÂY SỐC VỚI TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI!

         Nữ nhà báo Nga Simonyan, Tổng Biên tập phụ trách Toà soạn báo Nước Nga Ngày nay, gây sốc với truyền thông thế giới, khi nói về: G7 đánh giá nước Nga.
       Bằng thực tiễn đã và đang xảy ra trên thế giới, nữ nhà báo Simonyan nói: "thật nực cười... khi thế giới phải chứng kiến những gì mà G7 đang quy tụ 3 nước (Đức, Ý, Nhật) từng là Phát xít khát máu và cũng chẳng hề kém cạnh 3 nước (Anh, Pháp, Mỹ) cũng từng là Đế quốc tư bản đã gây ra bao cảnh đổ máu kinh hoàng khi xâm lược, cướp bóc và ép buộc các quốc gia nhỏ yếu... làm nô lệ thuộc địa. Bên cạnh đó, là sự hiện diện của Canada được hình thành từ mảnh đất vốn dĩ của những thổ dân da đỏ... nhưng đã bị người Pháp và Anh (da trắng) di cư đến chiếm đoạt (một nguyên bản giống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ).
      7 bộ mặt từng đại diện cho Phát xít, Đế quốc một thời... đang đóng vai "Bà đỡ" cho đất nước Ukraine - một quốc gia đang trên đường dân tộc cực đoan chủ nghĩa phát xít mới.
      7 bộ mặt, mạnh miệng phán xét Nga đi "xâm lược" trong khi họ lại thản nhiên đến vô cảm... về những tội ác mà Chính phủ Zelensky và quân đội Ukraine gây ra cho người dân ở các nước Cộng hòa phía Đông Ukraine...
       Câu hỏi đặt ra là: 7 bộ mặt "thần thánh" như thế kia... liệu có đủ độ tin cậy và uy tín để phán xét đất nước khác thế này, thế kia...và có đủ nhân cách để rao giảng với thế giới về hoà bình hay không ?
       Câu trả lời đã có sẵn trong lịch sử... 10, 20 cuộc chiến tranh xảy ra trên thế giới gần đây nhất - đó cũng chính là câu trả lời với nhân loại để xem... quốc gia nào gây đổ máu cho nhân loại nhiều nhất"./.

Yêu nước ST.

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA: NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 1942!

“Ong kia yêu giống, yêu nòi,
 Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
 Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!”
         Khổ thơ trên của Hồ Chí Minh được trích trong bài thơ:“Con cáo và tổ ong”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 130, ngày 01 tháng 7 năm 1942. Đây là thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn ác liệt, ở Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật, cơ hội giải phóng dân tộc đã xuất hiện, cần phải nhanh chóng tổ chức đoàn kết tập hợp toàn dân đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

        Thông qua những câu thơ trên, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở mọi người về tình yêu thương giống nòi và sức mạnh của sự đoàn kết trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là tư tưởng bắt nguồn từ truyền thống "lấy nhỏ chống mạnh", nhưng được nâng lên thành phương pháp hành động và tư tưởng chỉ đạo cách mạng. Thực hiện lời dạy của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tiến hành cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Tư tưởng của Người được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc để giành được những thắng lợi vẻ vang.

        80 năm trôi qua, lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, kêu gọi mọi người dân hợp sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự cạnh tranh lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt đang đặt ra cho dân tộc ta cả thời cơ và thách thức to lớn. Thực tế đó đòi hỏi hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để có thể phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.

          Thấu triệt lời Bác dạy, hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế để tạo nên sức mạnh hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của quân đội đã trở thành lời thề danh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngày nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải biết quý trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó./.


Môi trường ST.

NHỚ LỜI BÁC HỒ DẠY- QUYẾT TÂM XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH!

     Trong giai đoạn hiện nay, lời dạy của Bác: Phải giáo dục bộ đội giữ gìn tốt vũ khí trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, từng hạt gạo, không được để lãng phí (năm 1969) vẫn còn nguyên giá trị, được cấp ủy, chỉ huy các cấp, cũng như mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân quán triệt và triển khai thực hiện trên các mặt công tác, nhất là trong công tác hậu cần - kỹ thuật… Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả về vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, điện, nước, văn phòng phẩm, sức lao động, thời gian, tiền bạc… của các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Đặc biệt, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông, “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” và phong trào thi đua Quyết thắng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tình nhuệ và từng bước hiện đại./.





Môi trường ST.