Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

ÐỪNG CHỦ QUAN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

 Thống kê trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày có 1.044 ca nhiễm mới. Trong tổng số khoảng 1,2 triệu người mắc Covid-19 đang điều trị thì chỉ còn 51 trường hợp nặng đang phải thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn, trong đó có hai ca phải can thiệp ECMO. Cả tuần qua cũng chỉ có một, hai ca tử vong liên quan Covid-19...

Như vậy, số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng, số tử vong đã giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Ðây là kết quả của những nỗ lực đến từ ngành y tế và các lực lượng liên quan cũng như các địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua. Chống dịch hiệu quả là tiền đề để phục hồi và phát triển kinh tế; đưa đời sống của người dân dần trở lại bình thường.

Hiện nay, Covid-19 vẫn là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và diễn biến còn phức tạp, cho nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; đồng thời xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023. Cả nước tập trung triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ được phê duyệt tại Nghị quyết số 38/NQ-CP theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ðồng thời tập trung quản lý rủi ro, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em.

Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần kiểm soát được dịch trong thời gian qua là nước ta đã nhanh chóng bao phủ vaccine. Ðến nay, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 221,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm: từ 18 tuổi trở lên; từ 12 đến 17 tuổi; từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên, qua báo cáo theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng cho thấy một số địa phương tiêm chậm, còn để vaccine đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vaccine khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc. Bộ Y tế đã phải nhiều lần có văn bản đốc thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Ðáng chú ý, tại cuộc họp ngày 1/6, một lần nữa Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi ba cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ðặc biệt đề nghị 13 tỉnh, thành phố chưa nhận vaccine trong lần phân bổ gần nhất cần sớm tiếp nhận để triển khai tiêm cho các đối tượng trên địa bàn. Thế nhưng đến thời hạn cuối cùng (ngày 3/6) vẫn có ba địa phương không nhận số lượng vaccine đã phân bổ. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương không nhận vaccine cần có cam kết, nếu để xảy ra dịch bùng phát thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, thực hiện tiêm hết cho những đối tượng cần tiêm để vừa duy trì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở mức cao vừa tránh lãng phí vaccine. Với người dân cũng cần chủ động đến các cơ sở y tế tiêm đủ liều vaccine (phù hợp lứa tuổi, nhóm đối tượng) để phòng dịch cho bản thân và những người chung quanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét