Hơn ai hết và trước hết, Hồ Chí Minh chính là người cộng sản chân
chính. Chính Người cũng đã góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú hơn quan
điểm về dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những nội hàm mới. Do đó, cùng
với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng của
Đảng ta.
Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã kế
thừa triệt để tinh thần biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là vận dụng
sáng tạo, bổ sung và làm phong phú thêm học thuyết Mác - Lênin “bằng dân tộc
học phương Đông”. Từ trong bản chất của sự phát triển, tất cả các học thuyết
chính trị nói chung mà học thuyết Mác - Lênin nói riêng đều rất cần đến sự bổ
sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Chính bản thân Hồ Chí Minh là người đã chứng kiến sự vận động không ngừng của
cách mạng thế giới những năm đầu thế kỷ XX nên Người đã bổ sung vấn đề dân tộc
thuộc địa - điều mà V.I.Lênin, đặc biệt là C.Mác và Ph.Ăngghen chưa thể hoặc
chưa có điều kiện đề cập một cách sâu sắc.
Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh nhận thấy: “Mác đã xây
dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử
nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Và
“Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng
cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, “xem
xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học
phương Đông”. Việc bổ sung vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học
phương Đông - nơi mà có nhiều nước bị lệ thuộc và trở thành thuộc địa của các
nước tư bản phương Tây đã làm cho vấn đề dân tộc trở nên phong phú hơn, đầy đủ
hơn, toàn diện hơn. Đó là biểu hiện rõ ràng của tinh thần dân tộc vô sản, đấu
tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và lệ thuộc.
Tháng 7/1920, sau gần 10 năm bôn ba tìm kiếm con đường giải phóng
dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân
tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Những tư tưởng về dân tộc, thuộc địa của
V.I.Lênin như một ngọn đuốc soi đường cho Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm
kiếm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách
mạng vô sản. Điều đó giúp cho Nguyễn Ái Quốc ngày càng mạnh dạn nói lên tiếng
nói của mình tại các diễn đàn quan trọng để lên tiếng ủng hộ phong trào cách
mạng ở các dân tộc thuộc địa.
Khi vận dụng nội dung Luận cương của V.I.Lênin vào thực tiễn cách
mạng ở thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “Cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân
các nước tư bản trực tiếp giúp cho các dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình, vì
cuộc đấu tranh đó đánh thẳng vào trái tim của bọn áp bức;... Trong khi đó, cuộc
đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa lại trực tiếp
giúp đỡ giai cấp vô sản các nước tư bản trong cuộc đấu tranh chống các giai cấp
thống trị để tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản. Sự nhất trí của
cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo đảm thắng lợi cho các dân tộc thuộc địa và nửa
thuộc địa và cho giai cấp vô sản ở các nước tư bản”. Đó là cơ sở để cách mạng
vô sản ở các dân tộc thuộc địa có tính độc lập, chủ động không phụ thuộc vào
cách mạng vô sản ở chính quốc, nó có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô
sản ở chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc tiến lên. Đánh giá về
sự bổ sung, vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với quan điểm của V.I.Lênin
về vấn đề dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Luận điểm của Nguyễn
Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,... Nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng
của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho
thời đại”.
Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, cách mạng vô sản và
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển của dân
tộc Việt Nam. Bởi lẽ, con đường này chẳng những giải phóng hoàn toàn dân tộc
Việt Nam khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, mà còn giải phóng nhân dân Việt
Nam khỏi mọi sự áp bức bóc lột, đi đến ấm no, hạnh phúc thực sự. Sự lựa chọn
này vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế
phát triển tất yếu của nhân loại và thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã được mở ra, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga
năm 1917. Với quan điểm độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, “Hồ Chí Minh
là người tiên phong trong việc củng cố và bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin”./.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét