Để tiến công địch, quân ta đã phá hàng rào dây thép gai bằng các loại bộc phá ống 5-7kg và mìn định hướng ĐH20. Tuy nhiên, các loại mìn, bộc phá trên không phá hết được các lớp hàng rào hỗn hợp của địch, bao gồm hàng rào cũi lợn, hàng rào chữ A, hàng rào lò xo kết hợp (bề rộng hàng rào khoảng 30m) do uy lực của bộc phá và mìn không cắt đứt được dây thép gai. Vì thế, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao Xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí X53 nghiên cứu, sản xuất các loại mìn phá hàng rào này.

Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, kỹ sư Đinh Đức Cường và kỹ sư Ngô Khắc Trường ở Xưởng X53 thấy rằng, dù có tăng lượng thuốc nổ lên thì chỉ có thể làm đứt một phần các sợi dây thép gai vì chúng mềm, có độ đàn hồi, ít chịu tác động của sóng xung kích. Khi hàng rào dây thép gai được kết nối với nhau liên hoàn, trải trên diện rộng thì mìn, lượng nổ, bộc phá bình thường khó phá được.

Ông cha ta đánh giặc: Sử dụng mảnh bom, sản xuất mìn định hướng
Quân và dân ta dùng lựu đạn lép của địch để chế tạo lựu đạn. Ảnh tư liệu

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị đơn vị cho bộ đội đi nhặt các mảnh bom và đầu đạn về cho vào lò rèn nung đỏ, sau đó chặt ra từng mảnh nhỏ, để nguyên cạnh sắc, tôi cho thật già rồi xếp vào trong mìn định hướng. Khi thử nghiệm, các mảnh bom, đạn nhờ sóng xung kích văng đi như những lưỡi dao sắc cắt đứt dây thép. 

Cuối năm 1972, khi đánh địch tại cứ điểm Plei Cần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đợt 2, quân ta đưa các loại mìn định hướng này vào sử dụng. Quá trình tác chiến, Đại đội 1, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 do đồng chí Tạ Oanh làm Đại đội trưởng tiến hành mở cửa bằng mìn định hướng này. Kết quả, toàn bộ số hàng rào dây thép gai bị thổi bay và đứt sạch với chiều rộng khoảng 10m, tạo thuận lợi cho bộ đội xung phong đánh chiếm mục tiêu. Trận đó, Sư đoàn 10 đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Plei Cần của địch nhanh chóng.