Chủ
tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần dân, trọng dân,
luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời mọi ý kiến của nhân dân. Trong vòng 10
năm (1955-1965), tuy tuổi cao, công việc bề bộn, Người vẫn thực hiện hơn 700
lượt đi thăm các địa phương, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị bộ
đội... Người đi khắp mọi nơi để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình
hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi tháng, Người đi thăm, kiểm tra cơ
sở 5 lần.
Gần dân thì có nhiều
cách, mà một trong những cách để gần dân chính là làm tốt công tác tiếp
dân. Cũng là tiếp dân, nắm tình hình người dân, lắng nghe dân, nguyên
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú và Thanh Hóa Lê Huy Ngọ lại chọn cách: “Bà con cứ
ở đó, tôi xuống với bà con, lắng nghe bà con”. Đến tận nơi lắng nghe người
dân cũng là cách mà nhiều bí thư cấp ủy đang áp dụng.
Năm 2017, chúng tôi
cùng đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang (nay là
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum) thăm làng Pyầu (một làng
đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai) trong hai ngày. Tại đây, đồng chí Dương
Văn Trang quyết định ngủ lại nhà trưởng bản để hôm sau tiếp tục tiếp dân. Đồng
chí đề nghị người dân trong làng nói hết mọi tâm tư, nguyện vọng để cùng bàn
hướng giải quyết. Hiện trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Kon Tum, đồng chí Dương Văn Trang vẫn giữ thói quen tổ chức nhiều buổi đến tận
nơi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân. Ở làng, bản nào bà con nhiều ý
kiến, đồng chí ngủ lại tại đó, sẵn sàng lắng nghe người dân phản ánh cả buổi
tối và ngày hôm sau. Mới đây, chuyến làm việc tại thôn Làng Mới (xã Mường
Hoong, huyện Đăk Glei) ngày 20-6-2022 là một lần như vậy.
Một ngày giữa tháng
7-2022, chúng tôi đến xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang, Bắc Giang). Tuy
không phải ngày tiếp công dân định kỳ nhưng đồng
chí Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã vừa tiếp một trường hợp
phản ánh liên quan đến việc hiến đất làm đường nông thôn mới
diễn ra từ năm 2017. Là người địa phương, đồng chí
Nguyễn Văn Tuấn cũng hiểu rõ câu chuyện vốn không phức tạp hay sai phạm gì
nên sau khi cùng uống một ấm trà, vừa chuyện trò tình làng nghĩa xóm, vừa giải
thích, phân tích được-mất... công dân vui vẻ ra về, không gửi đơn thư nữa, tình
làng nghĩa xóm cũng được giữ êm đẹp.
Đồng chí Nguyễn Văn
Tuấn quan niệm, cấp xã là cấp gần dân nhất nên nếu đồng chí Bí thư Đảng ủy
sâu sát, gần dân sẽ thuận lợi giải quyết những vấn đề từ khi mới phát sinh,
tránh dẫn đến vụ việc phức tạp, vượt cấp. Theo Quy định 11 thì người đứng đầu
cấp ủy cấp xã tiếp dân định kỳ 2 lần mỗi tháng, nhưng ở xã Nghĩa Hòa, Bí thư
Đảng ủy xã tiếp dân định kỳ vào ngày thứ năm hằng tuần.
Chúng tôi còn tình cờ biết chuyện tháng 6
vừa qua, ngày tiếp công dân trùng với ngày giỗ bố đẻ đồng chí
Nguyễn Văn Tuấn. Thế là, theo đề xuất của anh, gia đình dời ngày cúng giỗ vào
chủ nhật để không ảnh hưởng tới việc tiếp công dân tại trụ
sở.
Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít ví dụ cho thấy quyết tâm, hiệu quả từ công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy. Hơn thế, đó còn là sự chủ động của người đứng đầu cấp ủy để gần dân, hiểu dân hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét