Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

NGUYỄN AN NINH - CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG VỚI 5 LẦN BỊ BẮT TÙ ĐÀY

 

Chiến sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh sinh năm 1900 trong một gia đình trí thức nho học, ông sớm có một tinh thần yêu nước nhiệt thành.
Thuở nhỏ ông học ở Sài Gòn, sau đó du học ở Pháp, gần 5 năm tham gia hoạt động ở Pháp trong nhóm “Người Việt Nam yêu nước” gồm: Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh mà những người Việt Nam đi du học, làm ăn ở Pháp thường gọi là nhóm “Ngũ Long”. Sau khi thi đậu cử nhân luật tại đại học Sorbonne, Pari năm 1920 và giao thiệp với nhiều nhà cách mạng lúc mới ngồi 20 tuổi.
Hoạt động cứu nước sôi nổi của Nguyễn An Ninh được bắt đầu bằng những bài diễn thuyết các đề tài “Xây dựng một nền văn hóa cho người Việt Nam” và “Lý tưởng của Thanh niên Việt Nam”. Bài diễn thuyết “Cao vọng thanh niên” của ông đọc tại hội khuyến học Nam kỳ ở Sài Gòn vang vọng như một bản tuyên ngôn, kêu gọi Thanh niên và giới trí thức ý thức thân phận người dân mất nước mà hành động.
Ông cùng với Phan Văn Trường xuất bản tờ báo “Tiếng Chuông Rè” (La Cloche Félée) tại Sài Gòn để tuyên truyền và cổ động cho quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Tháng 3 năm 1926 ông bị bắt kết án 18 tháng tù, bị giam 10 tháng ông được ân xá, sau đó lại tiếp tục sang Pháp.
Năm 1928 ông trở về nước tích cực hoạt động. Cuối năm 1928, ông lại bị bắt kết án 3 năm tù với tội “Hội kín Nguyễn An Ninh”.
Cuối năm 1930 ra tù, ông vẫn đấu tranh chống thực dân Pháp. Ông đã đi sâu vào quần chúng ở nông thôn Nam kỳ, vừa bán dầu cù là để sinh sống vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vận động cách mạng. Rồi ông lại bị bắt trong tháng 4-1936.
Đến tháng 7-1937, chúng lại bắt giam ông cho đến tháng 01-1939.
Ngày 5-10-1939, ông bị bắt lần thứ 5, lần này bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo. Chế độ hà khắc ở nhà tù Côn Đảo đã giết chết ông ngày 14-8-1943 (nhằm ngày 14-7 âm lịch).
Cho đến hơi thở cuối cùng, ông vẫn không thôi nói lên lòng gắn bó với cách mạng: “Tôi tự nguyện làm một chiến sỹ vô danh của Đảng Cộng sản dù không phải là Đảng viên nhưng tim tôi đã hoàn toàn thuộc về Đảng”./.
* Ảnh chân dung đồng chí Nguyễn An Ninh (Nguồn: Ảnh tư liệu)
Có thể là hình ảnh về 1 người
9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét