Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

VIỆT NAM - THÀNH VIÊN TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG ASEAN

 Ngày 28.7.2022 đánh dấu kỷ niệm 27 năm Ngày Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành một trong những thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và có ảnh hưởng trong ASEAN.


Dấu ấn Việt Nam
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28.7.1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN.
Trong 27 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã chứng kiến những biến chuyển quan trọng của Hiệp hội từ một khởi đầu khiêm tốn, từng bước lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và trung tâm chính trị - kinh tế trên thế giới.
Khi Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực mới bước ra khỏi chiến tranh lạnh, vị thế, vai trò và quy mô kinh tế của ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông Nam Á còn lại cùng tham gia Hiệp hội. Qua đó, giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực.
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN. Khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ. Việt Nam cũng đề xuất sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Đó là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các nước.
Vai trò và trách nhiệm của Việt Nam còn được thể hiện rõ qua những lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với những đóng góp và sáng kiến cụ thể. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, góp phần khắc phục khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.
Đặc biệt, năm 2020 đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên, cùng các nước thành viên nỗ lực đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió.
Lợi ích thiết thực khi gia nhập ASEAN
Việc gia nhập ASEAN đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực.
Trước hết, ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 27 năm qua, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hữu nghị, hợp tác, không có chiến tranh. Đi đôi với thúc đẩy hợp tác ASEAN, Việt Nam đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác. Vai trò ngày càng tăng trong ASEAN giúp Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, tham gia ASEAN giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao sức mạnh tổng hợp. Tiếp sau quá trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, qua đó giúp cho kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm. Thứ ba, hội nhập ASEAN giúp Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng./. #NĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét