Việc ban hành Quy định 11 tiếp tục khẳng
định quyết tâm của Đảng về quan điểm “dân là gốc”, coi công tác tiếp dân, giải
quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống
chính trị. Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII chỉ ra thực trạng “nhiều cán bộ,
đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu;
còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Nghị quyết cũng
chỉ ra một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ,
đảng viên là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm
tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ,
vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng
của nhân dân”.
Như vậy, quan
liêu vẫn là một căn bệnh của không ít cán bộ lãnh đạo hiện nay mà Đảng ta đã
chỉ ra. Quan liêu là không nắm được tình hình cơ sở, không nghe được tiếng nói
thực lòng của người dân. Đồng chí Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An,
nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: "Lãnh đạo mà quan
cách thì mất nhiều nhất, ấy là mất thực tiễn, mất cơ hội cống hiến, làm mất uy
tín của Đảng, tín nhiệm của dân, mất thông tin và lời khuyên, mất cả bạn
bè".
Trong rất nhiều
các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp mà chúng tôi được tiếp xúc, hết thảy đều cho
rằng nếu người đứng đầu cấp ủy lơ là, thực hiện không nghiêm công tác tiếp dân
theo Quy định 11 thì tất sẽ mắc bệnh quan liêu. Nhìn nhận từ địa phương mình,
đồng chí Tạ Huy Cần, Bí thư Huyện ủy Lạng Giang (Bắc Giang) khẳng định: “Quy
định 11 rất quan trọng, cần thiết với huyện Lạng Giang trong bối cảnh phát
triển mạnh mẽ, toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay; nhất là
trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực và trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công tác thu
hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, phát triển hệ thống giao thông,
cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới... phải sử dụng diện tích đất lớn,
ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Do đó, người
đứng đầu cấp ủy, nhất là ở cơ sở nếu không tập trung cao, lơ là, thực hiện
không nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân sẽ
dẫn đến nhiều nguy cơ, mà quan trọng nhất là làm giảm niềm tin của người dân
vào Đảng và chính quyền”.
Trao đổi với
chúng tôi, đồng chí Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nhận định: “Người
đứng đầu cấp ủy thực hiện không nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết phản ánh,
kiến nghị của nhân dân sẽ dẫn đến các cấp, các ngành không quan tâm giải quyết
kịp thời quyền lợi chính đáng cho người dân; đồng thời người đứng đầu cấp ủy sẽ
không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu bức xúc, chính đáng của
người dân, sẽ không kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc nóng mới
phát sinh ngay từ ban đầu, ngay từ cơ sở. Việc này trở thành điểm nóng, khiếu
kiện đông người, sẽ bị một số đối tượng xấu lợi dụng gây rối làm mất an ninh,
trật tự ở địa phương”.
Hiện nay, trình
độ dân trí khá cao, hầu hết các vụ việc mà người dân phải tìm đến gặp bí thư cấp
ủy thì đã kéo dài. Vì vậy, nếu người đứng đầu cấp ủy không tiếp dân thì người
dân chỉ còn cách duy nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp để bảo vệ quyền lợi
chính đáng của mình. Mặt khác, người đứng đầu cấp ủy sẽ mất đi nguồn thông tin
để nắm bắt cán bộ, đảng viên, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa". Khi đó người dân sẽ giảm hoặc mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của
cấp ủy đảng ở địa phương.
Theo đồng chí
Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (nay là Vụ Cơ sở đảng, đảng viên,
Ban Tổ chức Trung ương), nếu người cán bộ lãnh đạo địa phương quan liêu, xa
dân, sẽ không nắm được tình hình, dẫn đến không đề ra được giải pháp, chủ
trương để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Ông cũng nhận
định, người đứng đầu cấp ủy không có gì bằng nghe trực tiếp tiếng nói, những
kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Việc trực tiếp lắng nghe sẽ giúp người đứng
đầu cấp ủy phân biệt ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai, cảm nhận thái độ
người dân để “đo” lòng dân thế nào. Qua việc gần nhân dân để thấy chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi áp vào thực tiễn có vướng mắc
gì, cái gì phù hợp, những gì chưa phù hợp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh.
Cũng qua nghe tiếng nói từ người dân để người lãnh đạo biết cấp ủy, chính quyền cấp dưới chỗ nào thực hiện tốt, chỗ nào không tốt. Như vậy, gần dân không những nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn biết đội ngũ cán bộ làm việc thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét