Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Đồng thời, trong tầm nhìn định hướng phát triển của đất nước mà Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng của và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.

Như vậy, Đảng ta yêu cầu phải “kiên trì thực hiện” phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đến nay bổ sung  tiêu chí “dân dám sát”, “dân thụ hưởng”. Phương châm này là thể hiện tư tưởng dân chủ trong thể chế nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và được phân chia bằng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đã 35 năm kể từ khi Đảng ta đề ra và thực hiện đường lối đổi mới, trong đó đề ra khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tiếp đó là 25 năm (kể từ năm 1996) từ khi “khẩu hiệu” được gọi là “phương châm” và 23 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với 3 nghị định của Chính phủ 1 Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2007). Việc cụ thể hóa phương châm của Đảng bằng Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ đã tăng cường, mở rộng quyền làm chủ của người dân, nhất là ở cấp cơ sở thông qua các quy định, quy chế, hương ước cộng đồng… góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng tổ chức đảng cấp chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở, nổi bật và hiệu quả nhất là việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Người dân ở địa bàn này “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát, được thụ hưởng” những chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đầu tư cộng đồng, xây dựng nông thôn mới và những thành quả do mình đầu tư, bỏ công sức. Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân, ở nhiều nơi, trong đó có cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dân chủ vẫn còn hình thức, quần chúng, người dân chưa được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và chưa được thụ hưởng những chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chưa được thụ hưởng những thành quả lao động, đóng góp về đất đai, tài nguyên thiên nhiên nơi địa bàn họ sinh sống, thậm chí họ còn hứng chịu những hậu quả do quá trình phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất, nước, tiếng ồn… gây ra. Một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế các quyền dân chủ của người dân, gây nên nỗi bức xúc xã hội, mâu thuẫn ở khu dân cư là do nhiều nội dung trong phương châm của Đảng chưa được cụ thể hóa, thể chế hóa, các quy chế, quy định, nghị định, quyết định của các cấp có thẩm quyền thực hiện chưa nghiêm; cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu… chưa gương mẫu thực hiện các quy định, quyết định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Do vậy, với những đường lối, nghị quyết, quan điểm chỉ đạo, giải pháp… mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, xin đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục thể chế, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Theo đó, tập trung một số giải giáp chính sau đây:

Thứ nhất, đặt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng như vị trí, vai trò của người dân trong tổng thể các quan điểm, nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch, giải pháp… mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm 35 năm thực hiện, cụ thể hóa 4 tiêu chí (biết, bàn, làm, kiểm tra) nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các tiêu chí, nhất là 2 tiêu chí (giám sát, thụ hưởng) trong tình hình nền dân chủ ngày càng mở rộng, phát triển, nhất là hình thức dân chủ trực tiếp của người dân.  

Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, học tập, quán triệt lại các tiêu chí trong phương châm của Đảng để vận dụng vào cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình cho phù hợp. Không phải chỉ nghiên cứu nội hàm của tiêu chí mới được bổ sung - dân giám sát, dân thụ hưởng - mà cả nội hàm của tất cả 6 tiêu chí trong phương châm của Đảng. Bởi nội hàm các tiêu chí đó ngày càng mở rộng, phát triển, phong phú và phức tạp hơn trước đổi mới, biến chuyển của xã hội, đất nước. Chẳng hạn, tiêu chí “dân biết” hiện nay khác rất xa “dân biết” cách đây 20 hay 35 năm. Cũng như vậy, tiêu chí “dân kiểm tra, dân giám sát” có sự bổ trợ, liên quan với nhau và “dân thụ hưởng” có những nội hàm mới vì từ trước đến nay nói chung và về cơ bản dân ta đã được hưởng những thành quả của sự nghiệp đổi mới mà họ tham gia đóng góp.

Thứ ba, đối với cơ quan lập pháp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng, Quốc hội khóa XV nói chung, trong quá trình nghiên cứu, học tập, xây dựng chương trình hành động cần có nội dung xây dựng Luật, pháp lệnh liên quan đến việc vận dụng, cụ thể hóa phương châm của Đảng về “Dân” mà Đại hội XIII vừa đề ra.

Thứ tư, đối với Chính phủ, qua 23 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, bên cạnh những thành tích, chuyển biến tích cực, các nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở loại hình cơ quan ở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, kém hiệu quả. Quy chế thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước hiện nay có nhiều bất cập bởi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi thành công ty cổ phần, liên doanh, liên kết. Các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập ngày càng phát triển và hoạt động rất rộng rãi, phức tạp cũng cần xây dựng, bổ sung Quy chế dân chủ, pháp lệnh hoặc luật về dân chủ cơ sở... Do đó, dù Quốc hội có nâng cấp từ Pháp lệnh thành Luật về thực hiện dân chủ ở xã hay xây dựng bộ luật về dân chủ nói chung, thì Chính phủ cùng cần xem xét, bổ sung, sửa đổi các nghị định về xây dựng và thực hiện các loại hình cơ sở còn lại.

Thứ năm, khi Đảng ta là đảng cầm quyền, thể chế của dân, do dân, vì dân ngày càng khẳng định và mở rộng, người dân sống và làm việc theo pháp luật… thì mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải được thể chế hóa thông qua chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân vận của các cấp chính quyền, của các cơ quan nhà nước, sự gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức là cực kỳ quan trọng. Công tác dân vận của chính quyền các cấp chính quyền trước hết là các chế độ, chính sách phải vì lợi ích, nguyện vọng của người dân; người dân hài lòng về hiệu quả công việc, thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân... Tất cả những nội dung trên phải được lượng hóa bằng các tiêu chí cụ thể và có các giải pháp khoa học, công tâm, khách quan để “đo” sự hài lòng của người dân.

Thứ sáu, đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có vai trò quyết định trong việc thể chế hóa phương châm của Đảng thành hiện thực cuộc sống.

“Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, trong khi đó “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (3), "Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" (4), do đó suy đến cùng, các cấp ủy, tổ chức đảng là người chịu trách nhiệm trước hết và cao nhất trong việc cụ thể hóa, đưa phương châm của Đảng vào cuộc sống.

Quyết  định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện còn chưa được như mong muốn, người dân ở nhiều nơi chưa được trực tiếp tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng tổ chức đảng, xây dựng chính quyền, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực cán bộ, đảng viên, gia đình, họ hàng, người thân cả ở nơi công tác và nơi cư trú. Rất cần thể chế hóa bằng Luật, pháp lệnh của Nhà nước bảo đảm dân chủ thực chất, hiệu quả hơn.   

Một số quy chế, quy định, quyết định, chỉ thị... của của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng liên quan mối quan hệ giữa Đảng - Dân ban hành đã lâu hoặc cũng chưa được thể chế hóa chặt chẽ, nghiêm ngặt, dựa vào sự tự giác của tập thể, cá nhân nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao, cần được rà soát, rút kinh nghiệm, thể chế hóa, bảo đảm thực hiện nghiêm minh, thực chất, hiệu quả: Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định về người đứng đầu cấp ủy tiếp và đối thoại với dân; Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân; Quy định đảng viên sinh hoạt hai chiều...

Riêng một vấn đề rất then chốt của các tổ chức, cấp ủy đảng và cũng là vấn đề được quần chúng nhân dân quan tâm theo dõi là vấn đề nhân sự của các cấp ủy, các cấp chính quyền, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị… vẫn là “điểm nghẽn”. Nhiều ý kiến nói “người dân biết rất rõ về cán bộ”, nhưng cũng có xu hướng cho rằng, sự đánh giá về cán bộ, đảng viên của người dân không phải lúc nào cũng chính xác. Có một nguyên nhân chính là do người dân chưa “được biết”. Nhưng nếu công khai, minh bạch công tác nhân sự của các cấp ủy, tổ chức đảng cho người “được biết”, “được bàn” “được kiểm tra”, “được giám sát”...sẽ là một kênh rất quan trọng trong công tác cán bộ nói chung và nhân sự của các cấp ủy nói riêng. 

HAIVAN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét