Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CHÂN CHÍNH TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa dân tộc - thứ chủ nghĩa dân tộc sô-vanh nước lớn, bành trướng hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ như các thế lực thù địch thường rêu rao, quy chụp. Có chăng, Hồ Chí Minh chính là người theo chủ nghĩa dân tộc vô sản, không chỉ suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà còn vì sự nghiệp cách mạng chung của các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc trên thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc chân chính, mang bản chất của giai cấp vô sản. Từ năm 1924 , trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, tại mục D “Chủ nghĩa dân tộc”, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đề cập và khẳng định vai trò của chủ nghĩa dân tộc chân chính: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối; nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc; nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa năm 1917…”. Đây là chủ nghĩa dân tộc chân chính vì nó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc và trở thành động lực để các tầng lớp nhân nhân đứng lên đấu tranh chống lại những áp bức, bất công. Đây cũng chính là động lực to lớn để chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc lên tiếng đấu tranh ở nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc Việt Nam.

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” đăng trên Báo Nhân dân (ngày 22/4/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định một sự thật không thể xuyên tạc được, đó là: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Lập luận trên của Hồ Chí Minh vừa cho thấy hành trình Người đến với chủ nghĩa Lênin, vừa khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó, luận điệu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn sai lầm, quy chụp.

Không chỉ vậy, bản thân Hồ Chí Minh cũng là người luôn đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mát-xcơ-va họp từ ngày 14 đến 16/11/957, không ai khác và hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản. Vì vậy, Người đã tán thành bản Tuyên bố chung của Hội nghị và nhấn mạnh thêm: “Bản Tuyên bố nhắc nhở chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”. Do đó, những kẻ cơ hội cố tình bóp méo, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin là nhằm “hạ bệ thần tượng”, chia rẽ phá vỡ từng bộ phận cấu thành trong nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Khi cho rằng “Hồ Chí Minh thực chất là người dân tộc chủ nghĩa” là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Với cách diễn đạt ấy đã tước bỏ tính đảng và lập trường cách mạng chân chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người. Đúng như V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”. Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo trước những luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh hay tinh vi hơn là lấy danh nghĩa đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp chủ nghĩa Mác - Lênin để đối lập, tách dời từng mảng trong nền tảng tư tưởng của Đảng.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét