Xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII ở châu Âu, khái niệm “can thiệp nhân đạo” ra
đời dưới dạng học thuyết và được gắn với luật tự nhiên và chủ nghĩa tự do. Ngay
từ lúc ra đời, nội dung của “can thiệp nhân đạo” đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các
trường phái lý luận khác nhau. Theo quan điểm của H.Grotius (1), đại diện tiêu
biểu cho các nhà lý luận tự do kinh điển châu Âu được đa số học giả ủng hộ, thì
các quan hệ nảy sinh trong đời sống quốc tế cần được điều chỉnh trên cơ sở tôn
trọng chủ quyền quốc gia. Với mục đích cải thiện trật tự thế giới, Grotius đã đưa ra
thuật ngữ “chiến tranh chính nghĩa” và nhấn mạnh rằng chiến tranh chỉ có thể được
cho phép nếu có lý do chính nghĩa, rõ ràng. Về sau này, quan điểm của Grotius về
“can thiệp nhân đạo” đã được sự ủng hộ của đa số luật gia phương Tây hiện đại và
các chính khách của Mỹ. Đến thế kỷ XX, học thuyết “can thiệp nhân đạo” dần mất
cơ sở thực tế trong quan hệ giữa các nước và về mặt pháp lý, nó cũng không có cơ
sở trong luật pháp quốc tế. Theo quan điểm của các luật gia quốc tế và cựu Tổng
Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, thì khái niệm “can thiệp nhân đạo” được giải
thích là: Quyền của cộng đồng quốc tế tiến hành hành động can thiệp, kể cả bằng
quân sự, vào một quốc gia không có sự chấp thuận của quốc gia đó và của Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc với mục đích ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm
nhân quyền hàng loạt tại đó. “Can thiệp nhân đạo” không chỉ được thực hiện thông
qua sử dụng vũ lực, mà còn bao gồm cả các hoạt động can thiệp không sử dụng vũ
lực, như: chính trị, ngoại giao, kinh tế...
Theo các học giả này, “can thiệp nhân đạo” thông qua sử dụng vũ lực, được cho là
hình thức được áp dụng chủ yếu trong những năm vừa qua, có đặc điểm sau: Là
hoạt động can thiệp vũ trang được thực hiện bằng tiến công quân sự hoặc tiến hành
chiến tranh; bí mật nuôi dưỡng, huấn luyện, cung cấp vũ khí... cho các lực lượng
đối lập. Quy mô và cường độ của can thiệp vũ trang tuỳ thuộc vào mục đích chính
trị của bên tiến hành can thiệp. Hoạt động này chỉ mang tính can thiệp, lực lượng
quân sự được đưa ra nước ngoài nhưng không thực hiện hành động xâm lược bất
kỳ nước nào khác. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế thì hoạt động này có thể bị coi
là xâm lược. Yếu tố nhân đạo chính là điểm cốt lõi được nhấn mạnh trong hoạt
động “can thiệp nhân đạo”.
Trong phạm vi bài viết này, khái niệm “can thiệp nhân đạo” được tiếp cận với tư
cách là một hành vi bạo lực mang tính cưỡng ép, thì vấn đề can thiệp đã gây ra sự
xung đột giữa hai nguyên tắc pháp lý cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là: Quyền tự
vệ của quốc gia can thiệp và quyền độc lập của quốc gia là đối tượng của hành vi
can thiệp. Luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia thực hiện các hành động
đơn phương không bị hạn chế chống lại nền độc lập của một quốc gia khác. Trong
Hiến chương Liên hợp quốc, tại khoản 4, Điều 2 ghi nhận: “Tất cả các quốc gia
thành viên kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự
toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác không phù hợp với
mục đích của Liên hợp quốc” (2). Tại khóa họp lần thứ 20 (năm 1965) của Đại hội
đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về việc cấm một quốc gia hoặc một
nhóm các quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với bất cứ lý do
gì. Điều khoản đầu tiên của tuyên bố này đã trở thành cơ sở quy định về chống can
thiệp của luật pháp quốc tế hiện nay: “Không một quốc gia nào có quyền can thiệp
trực tiếp hay gián tiếp và vì bất kỳ lý do nào vào công việc của quốc gia khác. Vì
vậy, tất cả các hành vi can thiệp vũ trang và tất cả các hành vi can thiệp khác hoặc
đe dọa can thiệp chống lại cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia khác đều
bị lên án”.
Tuy rằng, các tuyên bố trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc không ràng buộc về
mặt pháp lý, song đã cho thấy quan điểm giống nhau giữa các quốc gia là chống lại
việc sử dụng bất hợp pháp hành vi can thiệp. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, “can
thiệp nhân đạo” không hề dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào được cộng đồng quốc
tế công nhận. Dù vậy, trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi chiến tranh lạnh
kết thúc, thế giới vẫn chứng kiến sự tồn tại của “can thiệp nhân đạo”. Đến nay,
Liên hợp quốc chưa có bất kỳ một cơ chế giám sát việc hạn chế hành vi “can thiệp
nhân đạo”, do đó dễ bị Mỹ và các nước phương Tây lợi dụng để phục vụ ý đồ riêng
của họ.
Một thực tế khác là, mặc dù luật pháp quốc tế đặt ra nguyên tắc không can thiệp
vào chủ quyền quốc gia, nhưng theo Điều 39, Hiến chương Liên hợp quốc, Hội
đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa và cưỡng chế với một quốc
gia thực tế có hành động đe dọa hòa bình; phá hoại hòa bình hoặc có hành vi xâm
lược. Tuy nhiên, bản chất của sự can thiệp có tính chất tập thể và có điều kiện, chứ
không phải là sự can thiệp tùy tiện của một hoặc một nhóm quốc gia, không bao
hàm yếu tố nhân quyền. Mỹ đã tìm cách mở rộng phạm vi của sự can thiệp, dùng
“can thiệp nhân đạo” giải quyết “các vi phạm nhân quyền”; thực chất là nhằm bảo
vệ lợi ích và sắp xếp lại trật tự thế giới theo ý đồ của Mỹ hoặc chống lại các “nguy
cơ” gây hại cho họ theo lập luận: “Can thiệp nhân đạo” nhằm giải quyết mối nguy
cơ diệt chủng, “Mỹ chỉ can thiệp khi lợi ích quốc gia của Mỹ bị đe dọa hoặc khi đe
dọa diệt chủng là quá rõ ràng, cần sự can thiệp để bảo vệ vai trò lãnh đạo của Mỹ
trong thế giới tự do”(3).
Thực tế cho thấy, “can thiệp nhân đạo” đã được Mỹ và đồng minh áp dụng với
nhiều quốc gia có chủ quyền trên thế giới. Điển hình là tại Nam Tư, với chiêu bài
nhằm bảo vệ “người Albania bị người Xéc-bi-a thanh lọc sắc tộc ở Cosovo”, năm
1999, Mỹ và NATO đã mở cuộc chiến tranh với quy mô lớn vào quốc gia này. Với
lập luận “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, Mỹ cho rằng, việc vi phạm chủ quyền
của một quốc gia với mục đích nhân đạo hoặc “ngăn chặn tệ nạn diệt chủng” là có
thể biện minh được. Sau cuộc chiến tranh này, học thuyết “can thiệp nhân đạo”
được chính thức đưa vào nội dung chiến lược mới của NATO và được thông qua
tại dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức này. Năm 2001, sau sự kiện ngày 11-9,
Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh “toàn cầu chống khủng bố” nhằm vào Áp-ga-ni-
xtan, một quốc gia bị Mỹ và NATO cho là nơi chứa chấp những tên khủng bố đã
gây ra sự kiện 11-9. Đến cuộc chiến tại Nam Ossetia, xung đột được mở đầu bằng
đòn tiến công ồ ạt của quân đội Grudia dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, NATO nhằm
vào dân thường tại thủ phủ Tskhinvali và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, hậu quả
là người dân thường Nga đã phải chịu tổn thất rất lớn về sinh mạng. Hành động
này đã được cựu Tổng thống Nga D.Medvedev gọi là “diệt chủng”...
Trên bản đồ thế giới, có thể dễ dàng nhận thấy các quốc gia đã bị Mỹ áp dụng học
thuyết “can thiệp nhân đạo” đều nằm trong khu vực có vị trí quan trọng về chính
trị, kinh tế và quân sự, như: Áp-ga-ni-xtan là bàn đạp để chi phối toàn bộ vùng
Trung Á, Xéc-bi-a là trọng tâm trong vành đai “động đất địa - chính trị” kéo từ
Balkan qua Kavkaz đến Pakistan, Ấn Độ, Gruzia là tâm điểm của khu vực biển
Caspi... Đây là các khu vực đang nằm trong sự cạnh tranh và xung đột quyết liệt
giữa Mỹ, đồng minh với các quốc gia từng là đối thủ trong thời kỳ chiến tranh lạnh
và với các nước lớn, như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...
Để biện minh cho hoạt động can thiệp, Mỹ và đồng minh cho rằng, trong trường
hợp một quốc gia bị rơi vào nội chiến hoặc khi chính quyền sở tại áp bức người
dân của chính nước họ thì các quốc gia khác không thể coi các nguyên tắc cơ bản
của pháp lý quốc tế về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp là bất khả xâm
phạm. Với việc pháp điển hóa nhân quyền trong luật quốc tế, Mỹ đã đẩy khái niệm
chủ quyền quốc gia xuống hàng thứ yếu. Để đảm bảo nhân quyền, theo họ, cần
thiết phải giới hạn, thậm chí xâm phạm chủ quyền.
Tháng 7-2009, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã diễn ra cuộc thảo luận toàn thể
về Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc dưới nhan đề “Thực hiện trách nhiệm
bảo vệ”. Nỗ lực nhằm thể chế hóa khái niệm “can thiệp nhân đạo” trong khuôn khổ
Liên hợp quốc không được sự hưởng ứng của đa số các quốc gia thành viên, nhất
là các nước đang phát triển. Các nước này cho rằng, khái niệm “can thiệp nhân
đạo” không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hiện đại và việc áp dụng học thuyết
này sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia, tạo điều kiện cho các nước lớn áp đặt các
tiêu chuẩn và giá trị của họ đối với các nước yếu hơn. Đối thoại với Đại hội đồng
Liên hợp quốc về Báo cáo “Thực hiện trách nhiệm bảo vệ”, cựu Ngoại trưởng Ô-
xtrây-li-a Gareth Evans, một trong những người khởi xướng khái niệm này, khẳng
định “can thiệp nhân đạo” đã bị chôn vùi, “trách nhiệm bảo vệ” là khái niệm hoàn
toàn mới, được phát triển trên cơ sở học thuyết “can thiệp nhân đạo” và có chung
mục tiêu là nhằm ứng phó với những vi phạm nghiêm trọng Luật nhân đạo và nhân
quyền quốc tế. Nhưng khác với “can thiệp nhân đạo”, khái niệm này có mục tiêu,
phạm vi và điều kiện thực hiện rõ ràng hơn và được các quốc gia thành viên Liên
hợp quốc chấp thuận ở cấp cao nhất. Khác với “can thiệp nhân đạo”, “trách nhiệm
bảo vệ” được xác định rõ là hành động tập thể thực hiện thông qua Liên hợp quốc
và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Nhưng dù được che đạy dưới bất
kỳ tên gọi nào đi nữa, bản chất của sự can thiệp vào chủ quyền, độc lập của một
quốc gia khác vì mục đích chính trị trong học thuyết “can thiệp nhân đạo” là không
hề thay đổi, không thể biện minh cho việc phớt lờ luật pháp quốc tế, những hành
động mà động cơ chính là nhằm áp đặt một trật tự thế giới có lợi cho Mỹ và
phương Tây, chứ không phải là để bảo vệ nhân quyền, an ninh và hòa bình trên thế
giới.
Là đất nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán
muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu
vì hòa bình, độc lập và phát triển, hợp tác cùng có lợi và không can thiệp vào công
việc nội bộ của nhau. Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Tiếp
tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền
con người, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhà nước Việt Nam kiên
quyết lên án bất kỳ quốc gia, dân tộc nào can thiệp vào chủ quyền, công việc nội
bộ của quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động
này, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu,
hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn trọng yếu
thường xảy ra biểu tình hoặc tồn tại các vụ, việc khiếu kiện phức tạp, vượt cấp kéo
dài chậm được giải quyết chống phá nước ta để triển khai các biện pháp phòng
ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn,
khiếu kiện, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp.
Nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc trong nhân dân để
tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, thỏa đáng trên cơ sở
pháp luật.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu
đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội
và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại,
hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm
bảo quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận
điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng vu cáo Việt Nam vi
phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo để tạo cớ can thiệp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo...
kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc
biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo
nhằm góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của người dân trên cơ
sở pháp luật. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định an ninh
chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thành tốt vai trò là thành viên có
trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về nhân
quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các
quốc gia, dân tộc trên cơ sở cùng có lợi, không can thiệp vào nội bộ của nhau.