Từ
yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh,
thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đạt được những kết quả khá toàn diện.
Trong xây
dựng thể chế, Nhà nước đã ban hành hệ thống thể chế phát triển KTTT, tạo
hành lang pháp lý thuận lợi để giải phóng năng lực sản xuất trong xã hội, khai
thác tiềm năng đất nước đi đôi với thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản
lý từ bên ngoài, giúp nền kinh tế có những chuyển biến hết sức to lớn. Tăng
trưởng GDP trung bình hằng năm của nước ta giai đoạn 2016 - 2019 đạt trên dưới
7%, mức cao trên thế giới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không
ngừng được phát triển. Đây là những điều kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước đầu
tư toàn diện cho lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và
Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, từ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật
hiện đại đến con người nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh
của đất nước.
Bộ
máy quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và bộ
máy quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh ở Trung ương và địa phương
được kiện toàn với các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với công tác quốc
phòng, an ninh theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia,
trong đó, xác định rõ nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch của
Nhà nước về quốc phòng trong thời bình và thời chiến theo nhiệm vụ được giao;
thực hiện việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng
trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch của bộ, ngành, lĩnh vực được
giao phụ trách; bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối
ngoại và các lợi ích khác của quốc gia; bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu
quan trọng về an ninh quốc gia.
Các chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch trung và dài hạn đầu tư phát triển kinh tế -
xã hội luôn được nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện trong mối quan hệ
với chiến lược quốc phòng, an ninh. Đây là bước tiến quan trọng, thể chế hóa
một cách đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về
quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở
pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình
hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cũng là căn cứ để chỉ đạo các cấp, các ngành,
các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Trong
hoàn thiện các chính sách phân phối thu nhập, lĩnh vực văn hóa - xã hội,
Nhà nước chủ động giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện
công bằng xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải
thiện; hạn chế một phần sự phân hóa giàu nghèo cũng như khoảng cách về mức sống
và cơ hội phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc, giữa nông thôn và thành
thị. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và
gia đình họ được đặc biệt quan tâm để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ và sẵn
sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công
nghệ và môi trường không chỉ nhằm nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện năng
suất lao động mà còn ưu tiên cho các mục tiêu hiện đại hóa nhanh chóng lực
lượng quân đội và công an, đặc biệt là trình độ phòng vệ quốc gia trước các
nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống (chiến tranh mạng, vũ khí sinh
học, hóa học, ô nhiễm môi trường...).
Trong
triển khai các chính sách hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước chủ
động đưa nền KTTT mà Việt Nam xây dựng trở thành một bộ phận hữu cơ của nền
KTTT thế giới, “kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị
trường của nhân loại”, “hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố
thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt
chẽ với các nền kinh tế trên thế giới”, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực
chung của thế giới để phát triển. Các chính sách hội nhập quốc tế, mở rộng thị
trường để, một mặt, phát triển nhanh và bền vững kinh tế của đất
nước; mặt khác, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường gắn bó lợi
ích kinh tế, quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế
giới, góp phần hình thành trật tự thế giới mới theo xu hướng bảo đảm an ninh,
hòa bình chung cho phát triển, bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, trên
cơ sở quan hệ hợp tác về đầu tư và thương mại, có chính sách lựa chọn các đối
tác hợp tác về quốc phòng, an ninh để tăng cường vũ khí, trang thiết bị kỹ
thuật, công nghệ quốc phòng, an ninh hiện đại và đào tạo nhân lực, phục vụ hiện
đại hóa các lực lượng vũ trang.
Sự
kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong
chiến lược phát triển kinh tế được thể hiện ngay trong việc hoạch định mục tiêu
phát triển quốc gia, trong huy động nguồn lực, trong lựa chọn và thực hiện các
giải pháp chiến lược. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa xác định cụ thể các
giải pháp để tổ chức thực hiện. Vì vậy, một số quy hoạch, kế hoạch, dự án kinh
tế, một số khu kinh tế, khu công nghiệp được bố trí ở các địa bàn không bảo đảm
yêu cầu của chiến lược quốc phòng, an ninh. Mặt khác, khi xây dựng các quy
hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế, các cơ quan ở Trung ương và địa
phương dành sự quan tâm chủ yếu đến phương diện lợi ích kinh tế, chưa xem xét
đầy đủ tác động của các dự án đó đến vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguyên
nhân của hạn chế này xuất phát từ việc cán bộ, công chức một số cơ quan Trung
ương và địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc kết hợp nhiệm
vụ phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; không nắm vững
các yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong xây dựng một số dự án đầu tư. Còn
các cơ quan có trách nhiệm phối hợp thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư do
thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực, hoặc do cả hai nguyên nhân trên, không phát
hiện được những nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án đầu tư đó đối với quốc phòng,
an ninh. Không loại trừ khả năng, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục
bộ của ngành, địa phương, hoặc bị mua chuộc, mà cơ quan hoặc công chức chủ trì
xây dựng, thẩm định dự án, công chức có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện
dự án đã cố tình bỏ qua các nguy cơ tác động tiêu cực của dự án đối với quốc
phòng, an ninh đất nước.
Công
tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng thể chế, chính sách, các
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực gắn với quốc
phòng, an ninh chưa chặt chẽ. Cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chỉ
tập trung nỗ lực để kinh tế địa phương tăng trưởng, tăng nguồn thu mà chưa thật
sự chú trọng đến vấn đề quốc phòng, an ninh.
HAIVAN