Những năm gần đây, ở
Việt Nam, cũng như trên thế giới, có ý kiến cho rằng, “toàn cầu hóa” đang chững
lại; thậm chí có ý kiến đề cập đến “phi toàn cầu hóa”. Luồng ý kiến này nhấn
mạnh đến xu hướng gia tăng hoạt động bảo hộ ở nhiều nước trên thế giới, đến
cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và những tranh chấp về thương mại giữa
các trung tâm kinh tế lớn của thế giới, đến việc Mỹ đe dọa rút và đã rút khỏi
một vài định chế quốc tế... Do vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là phải chăng toàn
cầu hóa đang chững lại? Việc trả lời câu hỏi này là một trong những cơ sở căn
bản để Đại hội XIII của Đảng hoạch định đường lối phát triển đất nước trong
những năm tiếp theo.
Xét về bản chất, “toàn
cầu hóa” là quá trình hình thành nên “cái toàn cầu”, phân biệt với “cái khu
vực” (chỉ liên quan đến những khu vực địa - kinh tế - chính trị nhất định trên
thế giới), “cái phe, khối” (chỉ liên quan đến các tập hợp lực lượng trên thế
giới), “cái quốc gia - dân tộc” (chỉ liên quan đến từng đất nước). Xã hội loài
người ngày nay, với nền kinh tế thế giới, nền chính trị thế giới và nền văn
minh nhân loại, cho thấy toàn cầu hóa đã tiến rất xa và sâu rộng; đồng thời,
khẳng định “toàn cầu hóa” thực sự là một xu thế khách quan, không thể đảo
ngược. Điều rõ ràng là, dù còn rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết hay khuyết
tật... trong cả ba hệ thống lớn nói trên, nhưng nhu cầu phát triển nội tại, tự
thân của xã hội loài người chính là gốc rễ quy định xu thế toàn cầu hóa. Điều
đáng chú ý là tiến trình toàn cầu hóa không diễn ra một cách tuyến tính, mà có
những bước nhảy vọt, gắn với các cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất xã hội
loài người. Có thể khẳng định rằng, trong thời gian tới, khi cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) bùng nổ, nhất định sẽ có
bước nhảy vọt mới trong tiến trình toàn cầu hóa, toàn cầu hóa hoàn toàn không
chững lại.
Sự gia tăng các hoạt
động bảo hộ trong những năm gần đây không đồng nghĩa với việc chia cắt thị
trường thế giới thành những thị trường quốc gia hay phe, khối biệt lập, không
làm đứt đoạn các dòng đầu tư xuyên quốc gia, không làm mất đi các vấn đề toàn
cầu nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế thế giới mà việc giải quyết
chúng đòi hỏi phải tăng cường hợp tác và những nỗ lực chung của cộng đồng quốc
tế. Có chăng, chủ nghĩa bảo hộ chỉ đặt ra những “trở ngại” mới về thuế quan và
phi thuế quan cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mà những trở ngại này
luôn tồn tại trong tiến trình toàn cầu hóa. Những số liệu thống kê của thế giới
về thương mại và đầu tư cho thấy rất rõ rằng, bất chấp sự gia tăng của các hoạt
động bảo hộ trong những năm gần đây, thương mại thế giới và đầu tư quốc tế vẫn
tăng lên.
Việc hình thành “cái
toàn cầu” trong quá trình toàn cầu hóa kéo theo việc ra đời các định chế toàn
cầu, như Liên hợp quốc và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại
thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... Các định
chế này không phải là “nhất thành, bất biến”, cơ chế hoạt động của chúng phải
luôn cần đổi mới, cập nhật cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của “cái
toàn cầu”. Đây là sự thích nghi, bảo đảm sức sống, nâng cao tính hiệu quả của
các định chế quốc tế, chứ không phải và càng không thể ngăn cản tiến trình toàn
cầu hóa. Bước phát triển mới của toàn cầu hóa gắn với sự bùng nổ của cuộc Cách
mạng công nghiệp 4.0 tất yếu kéo theo những đổi mới, cải tổ, cải cách các định
chế toàn cầu hiện có và có thể ra đời những định chế quản trị toàn cầu mới.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét