Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Chung tay giúp dân xóa đói nghèo

 

Trước đây, gia đình chị Sùng Thị Chè, trú tại bản Căng Há, xã Tung Qua Lìn (Phong Thổ, Lai Châu) có hoàn cảnh rất khó khăn. Vừa qua, gia đình chị được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356, Quân khu 2 hỗ trợ một con trâu giống để phát triển kinh tế. Không những thế, cán bộ, nhân viên của Đoàn còn giúp gia đình chị Chè làm chuồng kiên cố, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách trồng cỏ voi để có thức ăn cho trâu.

Gia đình anh Giàng Diếu Sài, bản Hờ Mèo, xã Tung Qua Lìn, được Đoàn KT-QP 356 hỗ trợ một con bò giống, sau hơn một năm thì bò mẹ đã sinh sản. Gia đình anh quyết tâm sẽ chăm sóc thật tốt để bò mẹ và bê con khỏe mạnh, tiếp tục sinh sản thật nhiều để gia đình sớm thoát khỏi cái nghèo.

Chung tay giúp dân xóa đói nghèo

Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển mô hình trồng gừng. 

Cũng như gia đình chị Chè, anh Sài, những năm qua, đã có hàng trăm hộ dân 7 xã biên giới trong vùng dự án Khu KT-QP Phong Thổ (Lai Châu) được Đoàn KT-QP 356 hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và tham gia các mô hình như: Nuôi trâu, bò sinh sản, lợn thương phẩm, dê, thỏ, chim cút, trồng cây nần nghệ, chanh tứ thì, gừng, địa lan, đào... đạt hiệu quả cao, giúp bà con từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại tá Đỗ Ngọc Minh, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356 cho biết, trên tinh thần hỗ trợ “cần câu”, “cầm tay chỉ việc”, các dự án kinh tế của Đoàn đang triển khai đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Trong đó nổi bật là đã làm thay đổi căn bản tập quán canh tác của đồng bào, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Đồng thời khai thác tối đa tiềm năng đất đai để tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa với các loài cây giống, con giống có năng suất, chất lượng. Hiện nay, các mô hình đều phát triển rất tốt, góp phần xây dựng địa bàn có nền kinh tế phát triển, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được duy trì vững chắc.

Chung tay giúp dân xóa đói nghèo
Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển mô hình nuôi thỏ sinh sản. 

Cùng với hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Đoàn KT-QP 356 cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm và nhà trường trên địa bàn thực hiện hiệu quả Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” và các mô hình: “Cơm nóng cho em tới trường”; “Con nuôi của Đội sản xuất và cơ quan”. Năm 2023, Đoàn KT-QP 356 đã tiến hành khảo sát và nhận hỗ trợ 14 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Từ năm 2019 đến nay, Đoàn hỗ trợ bữa cơm trưa cho gần 900 em học sinh tại các điểm trường trên địa bàn với số tiền 1,5 tỷ đồng và nhận nuôi 9 em hoàn cảnh gia đình khó khăn, có tinh thần vươn lên trong học tập với số tiền hỗ trợ ước tính hơn 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đoàn KT-QP 356 còn huy động hàng nghìn ngày công giúp bà con gặt lúa, sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, làm đường bê tông, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh và mở lớp xóa mù chữ miễn phí cho người dân.

Những việc làm thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa của Đoàn KT-QP 356 không chỉ góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân nơi biên giới mà còn xây dựng hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân bản, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Khơi động lực thi đua, giành những đỉnh cao mới

 

Giai đoạn 2019-2024, công tác thi đua-khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của LLVT tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển toàn diện, có nhiều đổi mới, đạt kết quả vững chắc. Phong trào TĐQT trở thành động lực to lớn góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh.

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về tiếp tục đổi mới công tác thi đua-khen thưởng, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua-khen thưởng và Phong trào TĐQT.

Hằng năm và từng giai đoạn, các cấp ủy, chỉ huy có nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Phong trào TĐQT, trong đó xác định rõ nội dung cần tập trung đột phá sát nhiệm vụ. Cơ quan chính trị các cấp thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, giải pháp của các phong trào thi đua thành hành động cụ thể, sát với thực tiễn hoạt động của bộ đội.

Khơi động lực thi đua, giành những đỉnh cao mới

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra vũ khí, trang bị trong Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. Ảnh: TRỌNG SƠN 

Mục tiêu quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong tổ chức Phong trào TĐQT được Đảng bộ và LLVT tỉnh xác định: Xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh, các tổ chức đảng trực thuộc, đảng bộ quân sự các địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Từ đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác xây dựng Đảng, gắn kết chặt chẽ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đẩy mạnh xây dựng chi bộ “3 tốt, 3 không” (3 tốt: Xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết tốt; giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên tốt; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình tốt. 3 không: Không yếu kém; không có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ; không có đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”), "Chi bộ bốn tốt", "Đảng bộ cơ sở bốn tốt" (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, LLVT tỉnh chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp trên tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt Phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”.

Hằng năm, LLVT tỉnh hoàn thành 100% nội dung, chỉ tiêu trong huấn luyện; kết quả huấn luyện các đối tượng 100% đạt yêu cầu, trong đó hơn 87% khá, giỏi. Công tác nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn được quan tâm; từ năm 2019 đến nay, LLVT tỉnh đã có 559 giải pháp, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả. Các đơn vị tham mưu, tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh năm 2023, các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, diễn tập chiến đấu cấp xã trong khu vực phòng thủ; phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Công tác đối ngoại quốc phòng luôn được giữ vững và tăng cường.

Các phong trào thi đua: "Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt"; "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy"; "Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt" và Cuộc vận động 50, được LLVT tỉnh tích cực hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả cao. Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cơ quan, đơn vị triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thể hiện rõ là, LLVT tỉnh đỡ đầu, hỗ trợ hai xã và một thôn về đích nông thôn mới (xã Thạch Mỹ/huyện Lộc Hà, xã Phúc Đồng/huyện Hương Khê và thôn 10, xã Hương Lâm/huyện Hương Khê).

5 năm qua, LLVT tỉnh điều động 101.589 lượt cán bộ, chiến sĩ và 991 lượt phương tiện tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng; huy động 10.830 lượt cán bộ, chiến sĩ với 48.117 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 87 xã thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã; trao 3.594 suất quà tặng các đối tượng chính sách, người nghèo (trị giá hơn 3 tỷ đồng); các đơn vị trao 13 nhà đồng đội, "nhà 100 đồng" tặng cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 22 “nhà 10.000 đồng” tặng lực lượng dân quân tự vệ, 16 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng người có công, 13 sổ tiết kiệm tặng các đối tượng chính sách với tổng số tiền hơn 670 triệu đồng.

Thực hiện Phong trào TĐQT giai đoạn 2019-2024, góp phần quan trọng để LLVT tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. LLVT tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua các năm 2019, 2020, 2022, 2023; được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng cờ thi đua năm 2021, 2022, 2023.

Thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, LLVT tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hướng hoạt động thi đua vào đột phá, khắc phục khâu yếu, giải quyết việc khó, việc mới, tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu vươn lên giành những thành tích và đỉnh cao mới, góp phần xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tạo điều kiện tốt nhất để bộ đội vui chơi, rèn luyện

 Hoạt động thể dục-thể thao có ý nghĩa quan trọng, đây là hoạt động không thể thiếu nhằm góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, rèn luyện kỹ năng và lối sống cho bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp bộ đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phân bổ hợp lý giờ thứ 8
 Bộ đội Tiểu đoàn 460, Trung đoàn 974 đá bóng trong giờ thứ 8. Ảnh: DUY HIỂN

Chính vì vậy, thời gian qua, Trung đoàn 974 (Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa) đã quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn các cấp về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, trong đó có hoạt động thể dục-thể thao trong giờ thứ 8 hằng ngày và ngày nghỉ hằng tuần. Nhìn chung giờ thứ 8 ở Trung đoàn được thực hiện rất sôi nổi, đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội ngày càng nâng lên, có ý nghĩa thiết thực.

Kinh nghiệm của chúng tôi là phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ bằng nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của cơ quan chính trị là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, chính ủy, triển khai thực hiện về nội dung này. Đồng thời, bám sát hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên quy định về các hoạt động ngày nghỉ, giờ nghỉ của bộ đội để vận dụng phù hợp, tránh chồng chéo giữa các nhiệm vụ, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, chiến sĩ có thời gian thể dục-thể thao nâng cao sức khỏe. 

Vui thể thao không quên tăng gia sản xuất

 Giờ thứ 8 ở đơn vị tôi có nhiều hoạt động vui, bổ ích, ý nghĩa thiết thực. Trong thời gian này, tôi cùng đồng đội tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, xà đơn, xà kép, tạ, chạy, bơi... Trong đó, bóng chuyền là môn mà tôi cùng đồng đội yêu thích và tham gia chơi nhiều nhất. Để bảo đảm công bằng cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng gia sản xuất, chỉ huy đơn vị tôi cắt cử luân phiên 2/3 quân số tham gia hoạt động thể thao, 1/3 quân số tăng gia sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác. Tôi thấy cách phân bổ này rất hợp lý và luôn vui vẻ, tự giác thực hiện khi đến lượt mình tăng gia sản xuất, dọn dẹp vệ sinh.

Phân bổ hợp lý giờ thứ 8
Bộ đội Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968, Quân khu 4) vui chơi trong giờ thứ 8. Ảnh: GIANG ĐÌNH 

Sau những giờ học tập, huấn luyện vất vả, việc tham gia hoạt động thể dục-thể thao giúp chúng tôi có tinh thần thoải mái, vui vẻ, vơi đi những căng thẳng, mệt nhọc và rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thông qua hoạt động thể thao, cán bộ, chiến sĩ hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn, không có khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới; tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa đồng chí, đồng đội cũng được thắt chặt hơn. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tôi rèn luyện khả năng đối diện và vượt qua những tình huống khó khăn của cuộc sống một cách hiệu quả và lành mạnh.

Phân bổ hợp lý giờ thứ 8

 

Hoạt động giờ thứ 8 là một chế độ trong ngày của bộ đội. Vào giờ này, bên cạnh nhiệm vụ tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh doanh trại, cán bộ, chiến sĩ còn tham gia các hoạt động rèn luyện thể lực, thể dục-thể thao, vui chơi giải trí... Vì thế, chỉ huy các đơn vị cần chú ý phân bổ thời gian, lực lượng hợp lý, cân bằng các hoạt động.

Kết thúc ngày huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) lại hồ hởi tham gia các hoạt động giờ thứ 8. Tùy theo sở thích, sở trường, mỗi người lựa chọn và tham gia một môn thể thao phù hợp. Có sở trường và đam mê chơi bóng chuyền, Binh nhất Hoàng Quốc Việt thuộc Tiểu đội Đại liên, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 tâm sự: “Được cùng đồng đội chơi môn thể thao mình yêu thích giúp chúng tôi vơi đi những căng thẳng, mệt nhọc sau ngày huấn luyện. Thông qua các hoạt động thể thao buổi chiều, chúng tôi cũng hiểu nhau hơn, tạo bầu không khí vui vẻ và đoàn kết, gắn bó trong đơn vị”.

Đơn vị quân số đông, làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao nên Trung đoàn 43 rất quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cho bộ đội vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Thời gian qua, các tiểu đoàn đã xây dựng bảo đảm có một sân bóng đá, mỗi đại đội có một sân bóng chuyền. Ngoài ra, các đơn vị làm thêm sân chơi cầu lông, bãi tập thể lực, xây khu khuôn viên thanh niên kết hợp tổ chức đa dạng hoạt động phòng Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe và vui chơi, nghỉ ngơi của bộ đội. Để bảo đảm vừa có bộ phận làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, tổng dọn vệ sinh, vừa có quân số được vui chơi thể thao, rèn luyện thể lực buổi chiều, thời gian qua, các đơn vị thuộc Trung đoàn 43 chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khóa giờ thứ 8.

Thiếu tá Lê Anh Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn 7 cho biết: “Kế hoạch hoạt động giờ thứ 8 bảo đảm khoảng 1/3 quân số chăm sóc rau xanh, dọn vệ sinh doanh trại, số còn lại tham gia huấn luyện bổ trợ thể lực, chơi thể thao. Do sân chơi, bãi tập thể lực có hạn nên nội dung hoạt động giờ thứ 8 được các đại đội tổ chức luân phiên, xoay vòng. Bên cạnh các môn rèn luyện thể lực như tập xà, đẩy tạ, tập bơi, võ thuật thì hoạt động giờ thứ 8 chủ yếu được các đơn vị xác định tập trung vào một số môn thể thao tập thể đông người chơi như đá bóng, đánh bóng chuyền. Đây đều là những môn thể thao mà bộ đội yêu thích và hăng hái tham gia”.

Phân bổ hợp lý giờ thứ 8
 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Trần, Lữ đoàn 242, Quân khu 3 chơi bóng chuyền trong giờ thứ 8.

Những năm gần đây, hoạt động giờ thứ 8 được các đơn vị ở Quân khu 3 triển khai sôi nổi và đa dạng. Một số đơn vị còn xây dựng khu thể thao đa năng với bể bơi, sân cầu lông, bóng bàn, trang bị nhiều dụng cụ, máy tập thể lực hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của bộ đội. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị duy trì, phân bổ hoạt động giờ thứ 8 chưa hợp lý, đúng quy định, chủ yếu để bộ đội tăng gia sản xuất, vệ sinh doanh trại. Cá biệt còn có đơn vị sử dụng giờ thứ 8 để bộ đội làm các công việc như củng cố thao trường, bãi tập, chuẩn bị mô hình học cụ huấn luyện...

Điều này dẫn đến tình trạng cán bộ, chiến sĩ không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi vào cuối ngày, hoạt động thể dục-thể thao luôn trầm lắng. Nguyên nhân là một số đơn vị có khu tăng gia diện tích rộng, cần nhiều người để trồng và chăm sóc rau xanh. Ngoài ra, một số đơn vị chủ lực quân số đông nhưng không đáp ứng đủ điều kiện về sân chơi; cá biệt có một số chỉ huy đơn vị có suy nghĩ sợ bộ đội gặp chấn thương khi chơi thể thao nên cấm hoặc hạn chế chiến sĩ tham gia đá bóng, đánh bóng chuyền. Điều này khiến hoạt động giờ thứ 8 ở một số đơn vị chủ yếu tập trung vào các nội dung huấn luyện bổ trợ thể lực như tập xà, đẩy tạ, bơi, thể dục, võ... còn những môn thể thao mà bộ đội yêu thích lại ít được tổ chức.

Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395, Quân khu 3 cho rằng: “Chỉ huy các đơn vị cần xây dựng kế hoạch hoạt động giờ thứ 8 linh hoạt và khoa học, bảo đảm vừa có quân số làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh doanh trại nhưng cũng có lực lượng được nghỉ ngơi, vui chơi thể thao. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần đa dạng hóa hoạt động giờ thứ 8. Ngoài những môn thể thao phổ biến như đá bóng, bóng chuyền, tập xà, đẩy tạ thì nên tổ chức thêm những trò chơi dân gian, trò chơi quân sự, học hát, học nhảy các vũ điệu trong sinh hoạt tập thể, duy trì các câu lạc bộ như đọc sách, thơ ca để đáp ứng nhu cầu, sở thích, sở trường và thu hút bộ đội hăng hái tham gia. Hoạt động giờ thứ 8 cũng cần có cán bộ trung đội, đại đội tham gia cùng để vừa tăng cường đoàn kết cán-binh, đồng thời bảo đảm hoạt động vui chơi được tổ chức chặt chẽ, vui tươi, lành mạnh”.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trong giờ thứ 8 và ngày nghỉ cuối tuần sẽ góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội. Thông qua những hoạt động này giúp chỉ huy đơn vị quản lý chặt chẽ quân số trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, đồng thời đây cũng là một kênh để chỉ huy các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bộ đội; xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, qua đó nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cảm xúc, gần gũi và thấu hiểu chiến sĩ

 

Mỗi ngày, cứ đến 5 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút, lời xướng “Đây là chương trình phát thanh nội bộ...” lại vang xa. Đã từ lâu, chương trình này trở thành kênh thông tin hữu ích, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong Quân đoàn 4.

Đại tá Lê Khắc Huy, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4 cho biết: “Ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị đã mở lớp tập huấn về kỹ năng viết tin, bài, dàn dựng chương trình phát thanh cho đội ngũ cán bộ chính trị. Hiện tại, các đơn vị đều tập trung thực hiện các nội dung hướng về chiến sĩ, tăng thêm động lực thi đua giành kết quả cao nhất”.

Cảm xúc, gần gũi và thấu hiểu chiến sĩ

Cán bộ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) thu âm chương trình phát thanh của đơn vị. 

Chất lượng chương trình phát thanh nội bộ ở các đơn vị trong Quân đoàn 4 ngày càng được nâng lên. Bên cạnh kết cấu “cứng” gồm phần tin hoạt động đơn vị, gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền các ngày kỷ niệm, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, chương trình đã bổ sung thêm chuyên mục “Tâm tình chiến sĩ”, “Quà tặng âm nhạc”. Trung tá Trần Phát Đạt, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 cho biết: “Ban biên tập phát thanh nội bộ của các đơn vị luôn tự rèn luyện để trở thành phóng viên "3 trong 1": Vừa tiếp xúc, gặp gỡ chiến sĩ để viết và biên tập tin, bài; vừa là kỹ thuật viên dàn dựng chương trình; vừa là phát thanh viên. Mỗi khi nhìn thấy chiến sĩ hào hứng lắng nghe chương trình, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Phương châm dàn dựng chương trình phát thanh nội bộ của các đơn vị là: Cảm xúc, gần gũi và thấu hiểu chiến sĩ. Thiếu tá Phan Rảnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 309) cho biết: “Chuyên mục “Tâm tình chiến sĩ” là nơi thể hiện những dòng nhật ký, tâm sự của chiến sĩ, còn “Quà tặng âm nhạc” là cầu nối để hậu phương gửi tặng những ca khúc và thông điệp ý nghĩa đến chiến sĩ. Dù kỹ thuật dàn dựng chương trình chưa chuyên nghiệp nhưng chúng tôi đã thực hiện bằng trách nhiệm, tâm huyết để phục vụ cán bộ, chiến sĩ”.

Thường xuyên chú tâm lắng nghe phát thanh nội bộ, Binh nhất Huỳnh Quốc Huy Anh, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 309) chia sẻ: “Mỗi buổi sáng, vào giờ quét dọn vệ sinh hoặc buổi chiều, giờ tăng gia sản xuất, tôi rất thích nghe phát thanh của đơn vị. Có nhiều bài viết về cảm xúc, nguyện vọng của chiến sĩ, có cả tiếng nói của chúng tôi được phát lên, tạo cho chúng tôi cảm giác luôn được quan tâm. Chương trình phát thanh còn cung cấp kiến thức, kinh nghiệm đạt kết quả cao trong huấn luyện và các ca khúc quy định của Quân đội”.

Là một trong những thiết chế văn hóa, các chương trình phát thanh nội bộ của các đơn vị trong Quân đoàn 4 đang góp phần đắc lực giáo dục, định hướng tư tưởng, xây dựng ý chí, niềm tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho chiến sĩ.

Rút ngắn thời hạn thăng quân hàm sĩ quan cấp úy là hợp lý, hợp tình

 

Toàn quân vừa tiến hành tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và phần lớn các ý kiến đều đề nghị cần sửa đổi luật này cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời khắc phục một số bất cập phát sinh trong quá trình thi hành luật hiện nay.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 10-6 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khẳng định: Việc sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan hiện hành là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn, tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đó, hội nghị đã thống nhất đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Sĩ quan hiện hành và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; sĩ quan dự bị...

Đây là thông tin được cán bộ, chiến sĩ toàn quân cùng thân nhân, gia đình hết sức quan tâm. Đặc biệt, việc đề xuất rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan cấp úy không chỉ được các đối tượng liên quan trực tiếp đồng tình, mà cử tri và nhân dân cả nước đều thấy rõ sự cần thiết và ủng hộ, bởi những lý do sau:

Một là, theo quy định hiện hành, thời hạn xét thăng quân hàm từ thiếu úy lên trung úy là 2 năm; trung úy lên thượng úy và thượng úy lên đại úy là 3 năm.

Như vậy, trong điều kiện bình thường, sĩ quan phát triển tuần tự từ thiếu úy lên đại úy mất 8 năm và sau ít nhất 13 năm công tác (từ lúc học sĩ quan), ở tuổi ngoài 30 mới có quân hàm đại úy. Thực tế cho thấy, ở độ tuổi này sĩ quan phải làm việc với cường độ rất cao, đại đa số phải trực tại đơn vị và rất ít được về nhà nên cuộc sống gia đình vất vả cả về kinh tế và tinh thần.

Việc rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan cấp úy sẽ tạo động lực cho sĩ quan thêm yên tâm công tác, tích cực phấn đấu, nhất là giúp sĩ quan cấp úy (cùng với người thân) bớt so sánh về điều kiện sống và làm việc, công tác với bạn bè cùng lứa tuổi là cán bộ, công chức viên chức hay làm nghề tự do...

Hai là, thực tế nhiều năm qua, thu nhập của sĩ quan cấp úy thấp so với mặt bằng chung, ngoài lương thì hầu như không có khoản thu nhập nào khác, phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên của sĩ quan cấp úy rất ít (nhiều trường hợp là trợ lý, nhân viên không có phụ cấp chức vụ). Việc rút ngắn thời hạn thăng quân hàm cấp úy sẽ giúp các sĩ quan trẻ được tăng lương sớm hơn, cải thiện thu nhập, bớt một phần khó khăn.

Ba là, những năm vừa qua, số thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường sĩ quan có xu hướng giảm và điều rất đáng báo động là rất ít học sinh giỏi đăng ký học sĩ quan. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập của sĩ quan không cao, trong khi điều kiện công tác và thời gian làm việc gò bó, vất vả, xa gia đình...

Thậm chí, có tình trạng một số học viên sĩ quan và sĩ quan trẻ còn muốn xin chuyển ngành, xuất ngũ. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bởi nhân lực chất lượng cao là nhân tố giữ vai trò quyết định sức mạnh của mọi tổ chức. Nếu rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy sẽ góp phần khắc phục được tình trạng này, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong Quân đội. 

Ba lý do chính nêu trên đã cho thấy sự cần thiết của việc rút ngắn thời hạn thăng quân hàm sĩ quan cấp úy. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời hạn thăng quân hàm cấp úy còn là cơ sở để sĩ quan có đủ thời gian phát triển đến những bậc quân hàm cao hơn theo quy định của Luật Sĩ quan, bởi thực tế có những sĩ quan giữ chức vụ có trần quân hàm cao nhưng chưa đến hạn xét thăng quân hàm thì đã đến tuổi nghỉ hưu (nhất là với các sĩ quan trước đó bị chậm quân hàm vì giữ chức vụ chưa có trần quân hàm dù đã đến niên hạn).

Cuối cùng, điều rất cần phải nói thêm là thực tế công việc của sĩ quan cấp úy rất vất vả, nhất là với sĩ quan giữ chức trung đội trưởng, trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ. Thời gian làm việc của đội ngũ “đầu binh cuối cán” gần như 24/24 giờ và kéo dài quanh năm, trừ ít ngày nghỉ phép; không chỉ trực tiếp làm công tác quản lý, chỉ huy bộ đội, mà còn phải trực tiếp huấn luyện đơn vị rất nhiều nội dung (không có chế độ phụ cấp “đứng lớp” như đối với giáo viên)... Vì thế, chủ trương rút ngắn thời hạn thăng quân hàm sĩ quan cấp úy không chỉ hợp lý mà còn rất hợp tình, thể hiện sự quan tâm chăm lo cho cán bộ cơ sở, là yếu tố động viên sĩ quan trẻ nỗ lực phấn đấu, cống hiến.

 

Cảnh tỉnh người lầm đường, nghiêm trị kẻ phá hoại sự bình yên các buôn làng


Sau năm 1975, không ít đối tượng tại địa phương và nơi khác tới Lâm Đồng sinh sống, có tư tưởng chống đối, thù địch đã móc nối với các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài ráo riết hoạt động, chống Đảng và Nhà nước quyết liệt dưới nhiều hình thức.

Những kẻ xảo quyệt phải “cúi đầu”

Đối diện với từng chồng hồ sơ dày cộm, Thiếu tá Bùi Cao Cường, Phó Đội trưởng Đội Chống phản động và Chống khủng bố, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lâm Đồng giới thiệu rạch ròi về từng đối tượng, từng vụ án xâm phạm tới an ninh quốc gia tại Lâm Đồng đã bị Công an đấu tranh bóc gỡ, xử lý hoặc làm suy yếu, tan rã trong thời gian qua. Theo Thiếu tá Bùi Cao Cường, Lâm Đồng có nhiều đối tượng là cơ sở nội địa của các tổ chức khủng bố, phản động có trụ sở ở nước ngoài. Hoạt động tích cực nhất phải kể đến Nguyễn Đoàn Quang Viên, Trần Thị Ánh Hoa, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thị Tuyết… Tất cả các đối tượng trên đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc. Gần đây nhất, Dương Tuấn Ngọc (SN 1985, ngụ xã Nam Hà, huyện Lâm Hà) cũng đã bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Trung tá Nguyễn Anh Sơn, Đội trưởng Đội Chống phản động và Chống khủng bố, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Ngọc là người có học vấn cao, thủ đoạn rất xảo quyệt. Đối tượng luôn “rào trước đón sau”, sử dụng “từ lóng” nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Dương Tuấn Ngọc dùng 3 tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn để đăng tải, phát tán hàng loạt bài viết, video, livestream có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm lãnh tụ, nói xấu chế độ, đả kích chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước những vi phạm của đối tượng, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Lâm Hà khẩn trương xác minh, làm rõ. Công an xác định, Dương Tuấn Ngọc có mối quan hệ với nhiều đối tượng phản động, chống đối phức tạp trong và ngoài nước có liên quan tới tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”... Để giúp Ngọc thoát khỏi sự “sa lầy”, lệch lạc về nhận thức dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật, không ít lần, Trung tá Nguyễn Anh Sơn, Thiếu tá Bùi Cao Cường cùng lãnh đạo, cán bộ Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an huyện Lâm Hà đã phối hợp với người nhà của Dương Tuấn Ngọc vận động, khuyên răn, cảnh báo nhưng tất cả các biện pháp cảm hóa của Công an đều bị đối tượng bỏ ngoài tai với vẻ mặt đắc ý, kiêu ngạo.

Dương Tuấn Ngọc tự tin cho rằng, Công an sẽ không làm được gì bởi trong các bài viết, video đăng tải, đối tượng sử dụng “từ lóng”, viết tắt, có thể hiểu và suy diễn theo nhiều nghĩa. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã thu thập được nhiều tài liệu là “giáo trình” có nội dung hướng dẫn các phương pháp đấu tranh bất bạo động, cách đối phó với cơ quan chức năng cùng hàng loạt tài liệu là “từ lóng”, chữ viết tắt… Trên cơ sở kết quả trưng cầu giám định của Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng và Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trước sự đấu tranh mưu trí, kiên trì của Công an, Dương Tuấn Ngọc đã phải cúi đầu thừa nhận những tài liệu do đối tượng làm ra, đăng tải, phát tán trên không gian mạng là sai sự thật, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ… Hành vi của Dương Tuấn Ngọc đã trực tiếp xâm phạm tới an ninh quốc gia, gây bức xúc trong dư luận. Công an còn phát hiện Ngọc nhận hàng trăm nghìn đô la Mỹ từ một đối tượng ở Hoa Kỳ. Người này chuyên cung cấp tài chính cho tổ chức khủng bố “Việt Tân” và “Ủy ban cứu người vượt biển”. Sau đó, Ngọc chuyển một phần số tiền trên cho những kẻ chống phá chính quyền ở trong nước.

Với tố chất thuyết trình, giảng giải, các bài viết, video của Dương Tuấn Ngọc có sức lan tỏa rất mạnh, ảnh hưởng lớn tới tư tưởng, quan điểm, nhận thức của người tiếp cận, nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị. Củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Dương Tuấn Ngọc về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Vô hiệu hóa tổ chức phản động, khủng bố

Thượng tá Lê Công Duy, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương có nhiều đối tượng liên quan tới các tổ chức phản động, khủng bố, hoạt động rất tích cực. Đặc biệt, một số thành viên cốt cán của “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” tại địa phương đã được phong hàm “Thiếu tướng”. Tổ chức khủng bố này lôi kéo được nhiều người tham gia với 40 đối tượng là cơ sở nội địa, hiện đã bị Công an đấu tranh, bóc gỡ toàn bộ. Trong đó, 27/40 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng, số còn lại ở các địa phương khác nhưng có hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. “Với phương châm vừa đánh, vừa khéo léo kiên trì giáo dục, thuyết phục là chính, chỉ bắt, xử lý với đối tượng cầm đầu, cực đoan, quá khích, áp dụng các biện pháp từ thấp lên cao. Khi đối tượng không chuyển biến, không thể giáo dục, cảm hóa, chúng tôi mới xử lý hình sự!..”, Thượng tá Lê Công Duy cho biết.

Nhờ kịp thời phát hiện, vô hiệu hóa âm mưu tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động, khủng bố; linh hoạt đấu tranh, cảm hóa, giáo dục, từ năm 2021 tới nay, tỉnh Lâm Đồng không phát sinh thêm thành viên của tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”. Hoạt động của tổ chức này trên địa bàn Lâm Đồng ngày càng suy yếu. 18/19 đối tượng có liên quan tới các tổ chức phản động, khủng bố ở nước ngoài đang sinh sống tại Lâm Đồng đã có thái độ chuyển biến tích cực, đối tượng còn lại “lưng chừng”. Tám đối tượng chuyển tới địa phương khác sinh sống cũng đã có thái độ chuyển biến tốt. Năm 2023, Nguyễn Đoàn Quang Viên (SN 1982, ngụ huyện Lâm Hà), thành viên cốt cán của tổ chức “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” tại Lâm Đồng đã bị tòa án tuyên phạt 14 năm tù và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhờ cải tạo tốt, ngày 27/3 vừa qua, Nguyễn Thị Tuyết (SN 1961, ngụ xã Đại Lào, TP Bảo Lộc), thành viên của tổ chức khủng bố “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” tại Lâm Đồng đã được tha tù trước thời hạn sau 3 lần giảm án. Tuyết bị Công an khởi tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị tòa án tuyên phạt 6 năm tù.

Làm thất bại âm mưu của “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” cũng đã khiến nội bộ tổ chức này mâu thuẫn sâu sắc. Nhiều thành viên cốt cán đã tố cáo Đào Minh Quân (SN 1952 tại Thừa Thiên – Huế, quốc tịch Hoa Kỳ) là kẻ lừa đảo, tâm thần chính trị, quan hệ bất chính với thành viên nữ... Vì thế, tại “Đại hội quốc gia và lễ đăng quang hoàng đế của Đào Minh Quân” diễn ra ngày 14 đến 16/2/2024 vừa qua chỉ có 20 đối tượng tham gia. Nhiều thành viên giữ chức vụ “Tổng Cục trưởng”, “Cục trưởng”, “Bộ trưởng”… đã tuyên bố ly khai khỏi tổ chức khủng bố này. Kết quả đấu tranh của Công an tỉnh Lâm Đồng với loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đã góp phần cùng Công an cả nước bóc trần sự thật về các tổ chức phản động, khủng bố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cảnh tỉnh những người còn u mê, tin và nghe theo sự xúi giục, kích động bịp bợm của những đối tượng cầm đầu các tổ chức trên.

Khắc Lịch

Phát triển truyền thông đối ngoại, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc


Ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, truyền thông đối ngoại đang được các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh, tạo sự lan toả và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Việc đẩy mạnh truyền thông đối ngoại còn góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lưu vong từ ngoài biên giới.

Truyền thông đối ngoại, xu thế toàn cầu về thông tin, báo chí

Thông tin đối ngoại là nội dung rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới, các nhà đầu tư kinh doanh, tổ chức tài chính, tiền tệ... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử chống đối.

Truyền thông đối ngoại hiện nay có thể được hiểu là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ra thế giới. Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam là thông tin về đất nước, con người, lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng nhằm đem lại cho nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là các vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận…

Quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác truyền thông đối ngoại

Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại sẽ giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, về những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác truyền thông đối ngoại. Điều đó đã được thể hiện qua Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 10/5/1962 của Bộ Chính trị, về công tác tuyên truyền đối ngoại đã xác định công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vi toàn thế giới. Tiếp đó, nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về hoạt động thông tin truyền thông đối ngoại qua các thời kỳ như: Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại; Chỉ thị số 10/2000/-CT/TTg, ngày 26/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại. Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”.

Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài”. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013, phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ, về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Các văn bản trên là minh chứng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc khẳng định tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại trong giai đoạn mới. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với nội dung, hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, đề ra định hướng bao trùm của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển của đất nước là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Thành tựu trong hoạt động truyền thông đối ngoại của Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc trao đổi thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân... ở nước ngoài cũng như phiên bản tiếng nước ngoài của các báo điện tử đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối ngoại; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là tình hình ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, an ninh tiền tệ, ngân hàng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong một thế giới bất ổn, bất an, Việt Nam được bạn bè quốc tế tin cậy khi là điểm đến an ninh, an toàn, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là một hình mẫu đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng vai trò chủ động và tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có các hoạt động cấp cao diễn ra sôi động, liên tục đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, công tác truyền thông đối ngoại được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, với đa dạng hình thức để kịp thời thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa mạnh mẽ lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước. Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên

Huy Đức nhầm lẫn hay cố ý “dắt mũi” dư luận qua bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”?


Liệu một cây viết lão luyện có thể đọc thiếu, hiểu sai câu từ để biến một điều luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội và an ninh cá nhân thành điều luật hạn chế tự do cá nhân?

Cuối tháng 5/2024, Huy Đức đăng tải trên trang cá nhân bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”. Tôi hoàn toàn nhất trí với tiêu đề này mà không cần ông phải chứng minh gì thêm bởi hơn 75 năm trước, toàn thể nhân loại tiến bộ đã thống nhất rằng việc xây dựng một thế giới trong đó con người không còn phải chịu nỗi sợ hãi là một trong những khát vọng cao nhất của loài người (trích Đoạn 2, Lời nói đầu, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948). Tuy nhiên, đi ngược lại với tiêu đề gây xúc động đó, bài viết có nội dung chỉ trích quy định quản lý dao có tính sát thương cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Không biết vì hiểu sai hay cố ý cắt xén câu chữ, Huy Đức đã biến một điều luật được dự thảo nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và an ninh của cá nhân thành một điều luật hạn chế tự do cá nhân. Nếu kiến giải của ông được thực hiện thì có lẽ mỗi ngày nhân dân Việt Nam sẽ thực sự phải sống trong một đất nước hãi hùng vì nguy cơ bạo lực bằng vũ khí có tính sát thương cao.

Do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án nên Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã đưa dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ cần quản lý.

Chế độ quản lý tương tự như vậy được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như ở Điều 3 đạo luật Vũ khí năm 2006 của Bỉ liệt kê các loại: dao tự động, dao bướm, dao ném, phi tiêu sao hoặc lưỡi dao xuất hiện trong các đồ vật khác… là vũ khí bị cấm. Ngoài những loại dao trong danh sách cấm, chính quyền có thẩm quyền xác định cấm mang hoặc sở hữu những loại dao khác, bao gồm cả việc vận chuyển bên trong xe, nếu chủ sở hữu không thể đưa ra đủ lý do hợp pháp của việc vận chuyển, đặc biệt là ở khu vực thành thị hoặc tại các sự kiện công cộng.

Ở Trung Quốc, trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, chính quyền đã quy định người mua phải đăng ký khi mua những con dao nguy hiểm như dao có “rãnh máu”, dao lưỡi khóa, dao có lưỡi dài hơn 22 cm... Ở Pháp không cấm việc mua dao hợp pháp khi cá nhân trên 18 tuổi nhưng không được mang dao theo người, trừ trường hợp là một công cụ nghề nghiệp. Nếu dao được vận chuyển trên xe thì phải được đặt trong ngăn an toàn, có khóa mà người ngồi trong xe không thể tiếp cận được.

Trong bài viết của mình, Huy Đức trích định nghĩa về “dao có tính sát thương cao” tại điểm b khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật nhưng trích không đầy đủ cả định nghĩa pháp lý đã được dự thảo và dựa trên định nghĩa khuyết thiếu đó, ông đã đưa ra nhận định rằng theo dự luật thì những công cụ lao động như dao thái của người bán phở, dao phát cỏ của người nông dân cũng bị quản lý chặt chẽ, phải đăng ký như các loại vũ khí có tính sát thương cao.

Định nghĩa đầy đủ về dao có tính sát thương cao được đưa ra tại điểm b khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) như sau: “Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.

Khi trích dẫn, Huy Đức lại “đánh rơi” luôn cả câu “Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. Với cách trích dẫn, phân tích của ông thì hẳn là khi thái phở hay phát cỏ người dân cũng phải đeo giấy phép sử dụng dao lủng lẳng ở cổ. Ông cũng vô tình hay cố ý bỏ quên luôn khoản 1 Điều 5 của Dự thảo Luật nêu rõ việc không cấm cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo và dao có tính sát thương cao sử dụng để lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Liệu một tay viết lão luyện như Huy Đức có thể nhầm lẫn hay không chịu nghiên cứu kỹ văn bản? Nếu ông không hiểu nhầm thì lẽ nào đang yêu cầu việc cho phép tự do sở hữu vũ khí có tính sát thương cao? Như ông nói “một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” - trong sự sợ hãi không ai có thể thoải mái học tập, lao động, sáng tạo, thậm chí không thể ngay cả việc ngủ ngon. Lẽ nào ông muốn đất nước đang là nơi được tín nhiệm để tổ chức các cuộc gặp trọng yếu quốc tế của mình trở thành nơi mà bất kỳ lúc nào người dân cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực dùng súng, dao hay các loại vũ khí có tính sát thương cao khác?

                                                                                                    Châu Thành