Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

'Cải cách chính sách lương là việc gian nan nhất của ngành nội vụ'.

 Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách tiền lương, đây là phần việc gian nan và khó khăn nhất của ngành, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ.

Nội dung được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công việc 6 tháng cuối năm của ngành, sáng 8/7 tại TP HCM. Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình "từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả".

"Phút 89 chúng ta vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo cách nào. Đến những ngày cuối mới thống nhất được phương án, chính sách mới", bà Trà nói và cho rằng đây là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng thành công ngoạn mục của ngành nội vụ trong 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị, sáng 8/7. Ảnh: An Phương

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị, sáng 8/7. Ảnh: An Phương

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, chính sách tiền lương mới đã trở thành niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công. Trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và các đối tượng thụ hưởng chính sách chế độ an sinh, phúc lợi xã hội gắn với mức lương này.

Theo đó, từ 1/7, mức lương cơ sở tăng 30%, tương đương tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.

"Việc vượt thử thách cải cách tiền lương, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của cán bộ ngành nội vụ, đáp ứng được kỳ vọng của tất cả nhóm thụ hưởng, không để ai chịu thiệt, bị bỏ lại phía sau", bà Trà nói, yêu cầu các địa phương cần quan tâm vấn đề quản lý và thu nhập, các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương bền vững.

Theo người đứng đầu ngành nội vụ, cải cách tiền lương vẫn còn nhiều việc, đó là tiếp tục thực hiện theo lộ trình, trả lương theo vị trí việc làm. Muốn làm được, các cơ quan, đơn vị phải quản lý được biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu giai đoạn này là giảm được 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách và giảm 5% công chức.

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Cán bộ làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh đó, bà Trà cho biết sắp tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu sửa đổi quy định về tinh giản biên chế bởi "công chức không còn chỗ để giảm, đã hết dư địa". Đối với viên chức, Bộ sẽ thúc đẩy cơ chế xã hội hóa, giảm hưởng lương từ ngân sách, đẩy mạnh cơ chế tự chủ chứ không phải giảm hay cắt số lượng. "Việc này không cầu toàn chất lượng ngay mà sẽ làm dần từng bước và tiếp tục hoàn thiện", bà Trà nói.

Tại hội nghị, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã tích cực sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có 10 chi cục, phòng và đơn vị tương đương thuộc UBND các tỉnh; 8 phòng và tổ chức tương đương thuộc UBND cấp huyện được tinh giảm.

Bộ Nội vụ cũng hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế gắn với phê duyệt vị trí việc làm với 3.853 người (107 nhân sự bộ ngành và 3.746 nhân sự địa phương). Đến nay, 100% cơ quan và địa phương hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm.

Kỷ niệm 35 năm thành lập nhà giàn DK1

 Từ ngày thành lập, suốt 35 năm qua, mỗi nhà giàn DK1 là một cột mốc chủ quyền và là điểm tựa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Ngày 5/7, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tiểu đoàn DK1, nhằm ôn lại quá trình xây dựng, trưởng thành và tri ân những liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo.

Ngày 5/7/1989, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) ra chỉ thị thành lập Cụm kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt DK1) tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Cùng với việc xây dựng các nhà giàn đầu tiên, Quân chủng Hải quân thành lập khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1, trực thuộc Lữ đoàn 171), làm nhiệm vụ quan lý, chốt giữ, bảo vệ các nhà giàn.

Giai đoạn 1989-2008, Quân chủng Hải quân đã xây 20 nhà giàn trên 7 bãi cạn là Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè và bãi cạn Cà Mau.

Nhà giàn Phúc Tần A năm 2017. Ảnh: Hữu Khoa

Nhà giàn Phúc Tần A năm 2017. Ảnh: Hữu Khoa

Những năm đầu thành lập, giữa bốn bề sóng nước và gió biển, cán bộ chiến sĩ DK1 thiếu từ rau xanh, nước ngọt, điện sinh hoạt đến thông tin liên lạc với hậu phương. Bằng tinh thần "còn người, còn nhà giàn", cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua vất vả, thiếu thốn và cả những mất mát. Đã có 5 nhà giàn bị gãy đổ, 9 cán bộ, chiến sĩ DK1 hy sinh.

35 năm qua, mỗi nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền và là điểm tựa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Đã có hàng trăm ngư dân được cán bộ, chiến sĩ cấp cứu, điều trị bệnh; 400 lượt tàu cá được phát nước ngọt, nhiên liệu; đồng thời duy trì những ngọn đèn biển để dẫn đường, bảo đảm hàng hải cho hàng vạn lượt tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại.

Từ năm 2011-2017, 14/15 nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa và đóng mới. Đây là thế hệ nhà giàn kiên cố có thể chịu được sóng gió, được trang bị phương tiện hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu.

Thường trực Ban Bí thư: Xử lý dứt điểm án tham nhũng liên quan đến cán bộ.

 Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị Ban Nội chính Trung ương tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên.

"Việc này nhằm phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng các cấp và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng", Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nói khi làm việc với Ban Nội chính Trung ương và chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, ngày 5/7.

Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương "nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa", góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Ban Nội chính Trung ương cần hoàn thành các đề án, nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2024, nhất là đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời đề xuất chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp để xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội 14 của Đảng.

Cán bộ ngành nội chính phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng bí thư là "có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ, có đôi chân vững chắc và đôi bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường". Người làm nội chính phải thường xuyên rèn luyện bản thân để "không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên bọc đường".

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ban Nội chính Trung ương và chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, ngày 5/7. Ảnh: Hoàng Phong

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ban Nội chính Trung ương và chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, ngày 5/7. Ảnh: Hoàng Phong

Thường trực Ban Bí thư đánh giá nửa đầu năm, Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng nhiều chủ trương, quan điểm, định hướng chiến lược về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư 20 đề án và 300 báo cáo quan trọng. Ngành Nội chính cũng tham mưu rà soát hệ thống pháp luật để khắc phục những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Ban Bí thư cũng đánh giá cao Ban Nội chính chủ trì, phối hợp tham mưu tổ chức ba hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, chống tham nhũng; biên soạn và phổ biến cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực đẩy mạnh kiểm tra, giám sát lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng; kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến một số vụ án diện Ban Chỉ đạo theo dõi.

Thủ tướng nêu 5 ưu tiên trong quan hệ Việt - Hàn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul, đề nghị hai nước ưu tiên 5 lĩnh vực để quan hệ Việt - Hàn phát triển hơn nữa.

"Hai nước chúng ta vừa là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hóa, dân tộc, đặc biệt là tình cảm thông gia bền chặt qua nhiều thế hệ", Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 3/7 phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul nhân chuyến thăm Hàn Quốc.

Ông cho biết quan hệ song phương trong hơn ba thập kỷ qua đã trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á, với mức độ hợp tác thành công "chưa từng có".

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số một về đầu tư trực tiếp, du lịch, số hai về hợp tác phát triển (ODA), số ba về lao động, thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN. Hợp tác lao động mở rộng, hợp tác về văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và nền tảng xã hội ngày càng phát triển.

"Việt Nam nhất quán coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục phát triển thực chất, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện", Thủ tướng nói.

Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul, đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng để đưa quan hệ hai nước phát triển hơn, hai bên cần tập trung thúc đẩy 5 ưu tiên. Trước hết, Việt Nam - Hàn Quốc ưu tiên củng cố nền tảng quan hệ, hiểu biết lẫn nhau và gia tăng tin cậy chính trị thông qua việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cam kết, thỏa thuận cấp cao, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Hai nước ưu tiên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả, cân bằng bền vững.

Việt Nam - Hàn Quốc phấn đấu kim ngạch thương mại đến năm 2025 đạt 100 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 150 tỷ USD. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ sinh học.

"Cần tăng cường hợp tác phát triển (ODA), nhất là các dự án quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt", Thủ tướng đề xuất.

Ưu tiên thứ ba là tạo đột phá về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch song phương. Việt Nam mong Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm thành công trong phát triển ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung.

"Giới trẻ Việt Nam rất hâm mộ phim Hàn Quốc, K-pop, người dân Việt Nam thích ăn kim chi", Thủ tướng đề cập đến mối quan hệ văn hóa giữa hai nước. "Việc người dân Hàn Quốc đến các nhà hàng Việt Nam thưởng thức món phở đã trở thành thói quen hàng ngày".

Hàn Quốc liên tục có lượng khách du lịch cao hàng đầu vào Việt Nam. Hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục đào tạo giữa hai nước ngày càng hiệu quả. Khoảng 70 cặp địa phương hai nước ký kết quan hệ hợp tác. Khoảng 80.000 gia đình đa văn hóa đã trở thành cầu nối quan trọng và bền vững cho hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Việt Nam - Hàn Quốc cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Hai bên cũng ưu tiên chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Hàn Quốc xem Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển; khuyến khích chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Ưu tiên thứ năm là hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương tại Liên Hợp Quốc, các khuôn khổ ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc; đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Hai nước ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa, duy trì hòa bình và ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng tin tưởng thế hệ trẻ là chủ nhân của tương lai, lực lượng tiên phong trong phát triển và xây dựng đất nước. Ông mong sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Quốc gia Seoul sẽ trở thành những nhân tố quan trọng đóng góp hữu ích cho công cuộc xây dựng đất nước và cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Trong phiên hỏi đáp, bà Bùi Thị Mỹ Hằng, Viện Nghiên cứu châu Á, đặt câu hỏi về tầm nhìn của Thủ tướng để có sự cân bằng hơn trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ hai nước hướng tới tương lai gắn kết và cùng phát triển. Theo ông, Việt Nam và Hàn Quốc đang hướng tới mối quan hệ cân bằng với nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc và ông cũng đã đề nghị Hàn miễn thị thực cho người dân Việt Nam, bước đầu áp dụng với một số nhóm.

Video Player is loading.
Hiện tại 0:03
/
Thời lượng 1:16
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul. Video: VTV

Trả lời nghiên cứu sinh Song Hyun-chun về mối quan tâm của chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết mối quan tâm đầu tiên là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp đến là ổn định chính trị, an toàn xã hội. Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng xác định và tìm cách giải quyết bốn nguy cơ đe dọa gồm tụt hậu, chệch hướng, diễn biến hòa bình, tham nhũng, tiêu cực.

"Việt Nam chú trọng công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", ông nói. "Chúng tôi cũng quan tâm đến mối quan hệ quốc tế vì muốn đi xa thì phải đi cùng nhau".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đang trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7. Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022.

Hà Nội thiếu nhân viên hành chính.

 Giám đốc Sở Nội vụ nói có thủ tục hành chính ở Hà Nội số hồ sơ gấp 39 lần địa phương khác, nhưng biên chế chỉ nhiều hơn 1-2 người.

Ngày 3/7, HĐND TP Hà Nội chất vấn việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền (Phó bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng TP Hà Nội) đề cập tình trạng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chậm do khối lượng công việc nhiều, thiếu cán bộ. "Đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ nêu giải pháp cũng như thông tin về tiến độ xây dựng đề án vị trí việc làm của thành phố", đại biểu chất vấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nói thủ tục hành chính, công việc chậm có nhiều nguyên nhân, như phối hợp chưa tốt giữa các ngành, cấp; quy định pháp luật chưa chặt chẽ, không sát với thực tế. Biên chế hiện nay chưa tương xứng với khối lượng công việc, quy mô, tính chất của Thủ đô. "Có thủ tục hành chính số lượng phải thực hiện gấp 39 lần tỉnh thành khác, nhưng biên chế chỉ hơn 1-2 người. Tỷ lệ biên chế của Hà Nội so với quy mô dân số rất thấp", ông nói.

Bên cạnh đó, việc xây dựng biên chế cho các quận, huyện và sở ban ngành hiện chưa khoa học. Việc bố trí biên chế ở địa phương chưa căn cứ vào diện tích, dân số, đầu mối đơn vị hành chính, mật độ dân cư, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù khác. Việc bố trí số người làm việc tại sở, ban ngành cũng chưa căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và phạm vi, các thủ tục hành chính mà sở ban ngành đó phải giải quyết.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong

Về xây dựng đề án vị trí việc làm, ông Cảnh nói đến nay Sở Nội vụ đã phê duyệt được 2.687 đề án. Trong đó có 24 sở, 30 quận huyện, 307 đơn vị thuộc sở ban ngành và hơn 2.000 đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã.

Điểm đột phá trong xác định vị trí việc làm là xác định rõ chuyên môn đào tạo, chức danh nghề nghiệp và hạng công chức. Cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, ông Cảnh cho rằng thành phố đang có nhiều lợi thế để khắc phục bất cập trong biên chế hiện nay.

Cụ thể, thành phố được xác định số biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội và khả năng cân đối ngân sách. "Như vậy việc xây dựng biên chế không phụ thuộc vào chỉ tiêu Bộ Chính trị giao cho Hà Nội nữa", ông Cảnh nói.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan được ký hợp đồng với lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là điểm mới quan trọng vì trước đây lao động hợp đồng không được thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Luật Thủ đô sửa đổi, TP Hà Nội được phân cấp, chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô. HĐND TP Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định.

UBND thành phố được giao quy định điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì Hà Nội phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung do Chính phủ quy định.

Việc xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Doanh nghiệp "xin gặp lãnh đạo phòng khó hơn giám đốc sở"

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái) nói thành phố muốn phát triển toàn diện thì nhân sự các cấp phải tốt. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chất lượng phục vụ người dân của Thủ đô lại "tụt hạng, tụt bậc" trong năm qua. Chỉ số về thời gian giải quyết thủ tục hành chính bị giảm 32 bậc, CPI giảm 8 bậc.

"Không thể nào trình độ cán bộ, công chức ở Thủ đô lại thấp hơn các tỉnh thành khác. Vậy tại sao chỉ số của chúng ta thấp hơn?", ông chất vấn, đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nói thời gian qua Bộ Chính trị giao cho Ban Thường vụ Thành ủy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung theo danh mục vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. "Khẳng định với đại biểu Đặng Đình Đoàn là cán bộ Hà Nội không kém hơn các tỉnh, thậm chí năng lực, trình độ hơn hẳn", ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thành ủy rất quan tâm đến vị trí chủ chốt, người đứng đầu. Chưa hết nhiệm kỳ, thành phố đã quyết định thay 3 giám đốc, trưởng ngành chủ chốt; chuyển đổi 6 chủ tịch cấp huyện. Tình hình tại các đơn vị đã có nhiều tiến triển, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. Ảnh: Hoàng Phong

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. Ảnh: Hoàng Phong

Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên môn của thành phố còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Việc chậm giải quyết các thủ tục không nằm ở UBND, sở ngành mà nằm ở vị trí trưởng, phó phòng và chuyên viên. "Có doanh nghiệp nói gặp trưởng, phó phòng và chuyên viên khó hơn gặp giám đốc", ông Bảo nói.

Ông cho biết Ban Tổ chức Thành ủy và UBND thành phố đã phối hợp, ban hành kết luận thanh tra về thực thi công vụ, trong đó yêu cầu thành phố "chỉ đạo thay thế một số chuyên viên, trưởng, phó phòng không làm việc mà đùn đẩy, né tránh".

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề nghị thủ trưởng ngành và chủ tịch quận, huyện xác định trách nhiệm với tư cách người đứng đầu để đôn đốc thực thi công vụ, xử lý nghiêm cấp dưới nhũng nhiễu, đùn đẩy, nhất là đội ngũ trưởng, phó phòng và cơ quan tham mưu.

Thủ tướng thăm Tổ hợp bán dẫn của Samsung.

 Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tổ hợp bán dẫn của Samsung tại tỉnh Gyeonggi trước khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Samsung Young Hyun Jun, Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Samsung Hark Kyu Park và các lãnh đạo cấp cao tập đoàn tháp tùng Thủ tướng thăm các mô hình sản phẩm bán dẫn.

Thủ tướng nói rất ấn tượng khi tận mắt chứng kiến những thành tựu của Samsung trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và bán dẫn nói riêng. Kết quả này đóng góp vào sự tiến bộ về chất lượng cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Samsung Young Hyun Jun đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Samsung Young Hyun Jun đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang

Ghi nhận hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của Samsung trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Việt Nam trong gần 20 năm qua, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Samsung tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thông tin về việc Việt Nam ưu tiên thúc đẩy công nghiệp bán dẫn và AI trong giai đoạn tới, lãnh đạo Chính phủ cho biết Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ bán dẫn, AI, thúc đẩy hệ sinh thái cho các lĩnh vực này. Ông cho biết Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng để phục vụ tốt nhất các tập đoàn đầu tư phát triển ngành bán dẫn.

Ông tin tưởng Samsung luôn phát triển, hợp tác đầu tư thành công và bền vững tại Việt Nam.

Bán dẫn là công nghệ lõi, cùng với các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Samsung đã tập trung đầu tư phát triển ngành bán dẫn, cung cấp các sản phẩm nền tảng cho các thiết bị điện tử, vi mạch, và các linh kiện điện tử khác, được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ điện thoại thông minh, máy tính, đến ô tô và thiết bị y tế.

Thủ tướng viết lưu bút khi tới thăm Tổ hợp bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại tỉnh Gyeonggi. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng viết lưu bút khi tới thăm Tổ hợp bán dẫn của Samsung tại tỉnh Gyeonggi. Ảnh: Dương Giang

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gia đình anh Jang Yeong Gak và chị Vũ Thái Linh - gia đình đa văn hóa Việt - Hàn ở thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết rất mừng khi chứng kiến cuộc sống hạnh phúc, thành công của gia đình. Ông nói gần 800 năm trước, khi Hoàng tử Lý Long Tường rời Đại Việt tới Cao Ly, hai dân tộc Việt - Hàn đã có mối lương duyên. Qua những thăng trầm, đột phá, quan hệ hai nước "chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay".

"Những người Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn chính là những chiếc cầu nối vun đắp cho quan hệ hai quốc gia, hai dân tộc", Thủ tướng nói, mong muốn gia đình anh Jang Yeong Gak và chị Vũ Thái Linh cùng các gia đình người Việt tại Hàn Quốc tiếp tục đoàn kết, xây dựng cuộc sống tươi đẹp.

Ông mong muốn các gia đình tuân thủ pháp luật sở tại, ứng xử văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và vun đắp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đến thăm gia đình đa văn hóa Việt - Hàn tại thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đến thăm gia đình đa văn hóa Việt - Hàn tại thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Ảnh: Dương Giang

Tại Hàn Quốc có gần 300.000 người Việt đang làm việc, học tập, sinh sống và có khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Hai nước có 80.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.

Sau khi thăm Tổ hợp bán dẫn của Tập đoàn Samsung và thăm một gia đình đa văn hóa Hàn - Việt, Thủ tướng và phu nhân cùng lãnh đạo cấp cao Việt Nam lên chuyên cơ về nước, kết thúc chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.

Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế.

 Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế, xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực y tế tại miền Trung.

Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc Kim Jin Pyo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, cho biết như trên tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 2/7 ở Seoul.

Trong cuộc gặp, ông Kim Jin Pyo cho biết cá nhân ông và Hiệp hội cùng các cơ quan Hàn Quốc sẽ thực hiện một số dự án, kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tiếp tục hỗ trợ mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế - một dự án tiếp theo chương trình hỗ trợ bệnh viện cơ sở 2.

Hàn Quốc sẽ xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực y tế tại miền Trung, đồng thời đào tạo tiếng Hàn và nghề nghiệp cho thanh niên Việt Nam, nhất là ngành điều dưỡng có thể làm việc tại cả hai nước. Hai bên cũng sẽ trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo toàn cầu...

Đánh giá cao tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6%, cao nhất trong khu vực, ông Kim Jin Pyo cho rằng điều này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc Kim Jin Pyo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu đổi mới sáng tạo toàn cầu Hàn Quốc Kim Jin Pyo, nguyên Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Kim Jin Pyo từng thăm Việt Nam vào tháng 1/2023 trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Trong chuyến thăm này, ông dự lễ khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những đóng góp của ông Kim Jin Pyo cho quan hệ hai nước và cảm ơn sự hỗ trợ dành cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nghĩa cử với Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Thủ tướng cũng giao các Bộ ngành liên quan xúc tiến tiếp thủ tục triển khai những dự án trên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.