Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Tự hào vùng đất “gian lao mà anh dũng”

 Đông Nam Bộ là vùng đất “gian lao mà anh dũng”, là một trong những cái nôi của cách mạng, là trung ương đầu não của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

0:00/0:00
0:00
Kinh tế cảng biển là thế mạnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kinh tế cảng biển là thế mạnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phát huy tinh thần cách mạng, Đông Nam Bộ hôm nay là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Một thời lịch sử hào hùng...

Những ngày Tháng Tám năm 2024, hàng trăm đoàn viên, thanh niên tỉnh Tây Ninh khánh thành nhiều tuyến đường cờ Tổ quốc tại các con đường dẫn vào các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử…

Trên tuyến đường cờ chiều dài gần 4 km với 350 trụ cờ ngang qua xã Tân Lập (huyện Tân Biên), Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh Trần Đặng Tiến chia sẻ: Đây là con đường dẫn vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền nam, công trình này được thực hiện để chào mừng các ngày lễ lớn.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, quân dân Tây Ninh luôn một lòng thủy chung, thương yêu, đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của cho cách mạng. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ thiếu thốn.

Đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh

79 năm trước, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Chỉ trong một ngày đêm (25/8/1945), chính quyền địch từ tỉnh đến quận đều sụp đổ hoàn toàn. Ba ngày sau, chính quyền các xã đều thuộc về tay nhân dân.

Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh còn ghi: “Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công, Đảng bộ Tây Ninh chỉ với 25 đảng viên đã đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ ủy, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là đồng bào tín đồ Cao Đài, kiên quyết chống kẻ thù, đứng lên giành chính quyền từ bọn tay sai phát-xít Nhật. Riêng giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1960), nhân dân Tây Ninh đã mở đường cho cách mạng miền nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai (26/1/1960)”.

Theo đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, quân dân Tây Ninh luôn một lòng thủy chung, thương yêu, đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của cho cách mạng. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ thiếu thốn.

Tại Bình Phước, một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng ở phía nam. Khi đó thực dân Pháp lập đồn điền và bóc lột tàn nhẫn sức lao động của những công nhân cao-su. Lúc bấy giờ, người ta thường ví đồn điền cao-su ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao-su mọc lên là có một công nhân ngã xuống.

Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, trong đó, sự kiện đêm 28 rạng ngày 29/10/1929, tại khu rừng bên suối đá Làng 3 (nay là xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với tên gọi Chi bộ Phú Riềng, đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao-su và nhân dân Bình Phước lúc bấy giờ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bình Phước đã làm nên những chiến thắng ghi danh sử sách, trong đó chiến thắng mở màn của Chiến dịch Nguyễn Huệ (7/4/1972), giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh. Chiến thắng này đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Trong tiến trình đấu tranh vệ quốc và giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, nhiều người con đã anh dũng hy sinh để làm nên nền độc lập dân tộc trong đó có Anh hùng Võ Thị Sáu.

Chị Võ Thị Sáu là người con của huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), nơi có dãy núi Châu Viên-Châu Long hùng vĩ, nổi danh là Chiến khu Minh Đạm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chị Võ Thị Sáu đã dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết Cai tổng Tòng, cùng đồng đội phá cuộc mít-tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do ngụy quyền tổ chức và trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu.

Tại phiên chợ Tết năm 1950, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính ngụy tại chợ Đất Đỏ, chị bị bắt và bị giặc tra tấn dã man, nhưng chị nhất quyết không khai. Sau đó, chị Sáu bị địch đày ra Côn Đảo. Ngay tại đêm trước khi lĩnh án tử hình, chị Sáu đã giơ tay thề trước lá cờ Đảng và trở thành nữ đảng viên trẻ tuổi nhất vào đầu năm 1952.

Tỏa sáng vai trò vệ tinh

Nếu như ở Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thì các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… được coi là những vệ tinh quan trọng. Tại quê hương chị Võ Thị Sáu, vùng quê giàu truyền thống cách mạng hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Hai bên đường là những vườn cây xanh mướt, những cánh đồng lúa trải dài; giao thông rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Tổng doanh thu du lịch năm 2023 của huyện ước đạt 650 tỷ đồng, tăng gấp 81 lần so với năm 2003. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đã được huyện đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có 49 doanh nghiệp và cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch-lưu trú với tổng số 1.102 phòng lưu trú và 355 căn biệt thự. Trong tương lai, huyện Đất Đỏ sẽ là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế du lịch của tỉnh”.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nghị quyết 24 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.

Trong đó, chủ trương hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là cơ chế ưu đãi dành riêng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ. Dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới. Dự án cũng là động lực để vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.

Sau năm 1975, tỉnh Tây Ninh từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao-su, lúa. Với quyết sách đúng đắn, Tây Ninh từ một tỉnh thuần nông đã có những bước tăng trưởng công nghiệp khá và là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Du lịch Tây Ninh cũng có những bước chuyển biến mạnh mẽ, trung bình mỗi năm tỉnh đón 5 triệu lượt khách trong nước, quốc tế, tổng doanh thu ước đạt 2.000 tỷ đồng. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ tỉnh tập trung quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các điểm đến tâm linh mới và hấp dẫn, cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư trong du lịch, tăng cường liên kết du lịch liên vùng, liên tuyến…

Hiện tại tỉnh Tây Ninh đang quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế; xây dựng các dự án thương mại-dịch vụ-du lịch sinh thái trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền nam; khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát; nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven sông, các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh...

Còn tỉnh Bình Phước nhờ có quỹ đất rộng (6.877 km2), đất đai màu mỡ, là trung tâm của các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao-su, điều, tiêu… Bằng những quyết sách đúng đắn, tỉnh Bình Phước đang từng bước phát huy thế mạnh để tạo đà tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước. Trong sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; thấp hơn mức bình quân của cả nước…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Tỉnh đang nỗ lực thực hiện hai dự án giao thông trọng điểm là dự án cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành và dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Sau khi hai dự án cao tốc hoàn thành sẽ giúp Bình Phước kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên một cách thuận lợi, đây là một trong những lợi thế trong thu hút các nguồn vốn đầu tư tại tỉnh.

Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển để xứng đáng là vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Những "cánh bồ câu" nối tình quân dân nơi đầu sóng

 10 năm qua, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" đã đưa hàng nghìn bạn trẻ đến với huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhiều đảo lớn nhỏ nơi biên cương Tổ quốc. Mỗi hành trình là một nhịp cầu đong đầy cảm xúc, góp phần tăng cường tình quân dân, bồi đắp tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam.

0:00/0:00
0:00
Các đại biểu cùng cán bộ, chiến sĩ tại cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu, một công trình do Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng.
Các đại biểu cùng cán bộ, chiến sĩ tại cột mốc chủ quyền đảo Thổ Châu, một công trình do Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng.

Vượt sóng Biển Đông

"Thân gửi các anh bộ đội ở đảo Thổ Châu. Em là một sinh viên tại Trường đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh. Em đã nghe rất nhiều về cuộc sống và công việc của các anh ở đảo. Em hiểu rằng, các anh đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quê hương. Cuộc sống của các anh có thể khó khăn, xa gia đình, thiếu thốn, nhưng các anh vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tinh thần dũng cảm, kiên cường của các anh đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều…"; những dòng thư trên là tâm tình của Huỳnh Gia Ðiềm, nữ đại biểu đến từ thành phố mang tên Bác.

Ðến với xã đảo Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã mang theo hơn 100 lá thư tay gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 trên đảo, do các bạn trẻ viết hưởng ứng Cuộc vận động "Sinh viên Thành phố Bác gửi trọn tin yêu đến các chiến sĩ nơi đầu sóng".

Những "cánh én" chan chứa tình cảm từ đất liền ấy đã được trao tận tay các "anh bộ đội Cụ Hồ" thông qua loạt hoạt động trong khuôn khổ Hành trình.

Nhận lá thư còn vương vị mặn sóng biển, binh nhất Nguyễn Quốc Tuấn, Ðại đội 2 (Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 152) cho biết: "Ðể bảo đảm công tác huấn luyện, chúng tôi chỉ được sử dụng điện thoại để gọi về nhà vào cuối tuần, thời gian tương tác với gia đình không được thường xuyên cho nên đôi lúc cũng nhớ nhà, nhớ mọi thứ từ đất liền. Những bức thư tay mà các đại biểu trao gửi là món quà tinh thần đặc biệt, góp phần nâng cao tinh thần, giúp chúng tôi thêm vững tay súng, tiếp tục sẵn sàng vượt mọi thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".

Do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức từ ngày 8 đến 11/8 tại xã Thổ Châu, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" năm 2024 có 200 đại biểu, là những cán bộ Ðoàn, Hội Sinh viên tiêu biểu, sinh viên ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong số này, có không ít bạn trẻ chưa hề biết đến lịch sử chiến đấu chống lại nạn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary của quân và dân Thổ Châu năm 1975. Vì vậy, ban tổ chức hành trình đã thiết kế một buổi tọa đàm chuyên đề về nội dung nêu trên ngay khi các đại biểu đặt chân lên đảo.

Phạm Quang Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: "Buổi tọa đàm giúp tôi và các đại biểu hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây. Ðó là những bài học thực tế mà tôi may mắn có được khi tham gia Hành trình".

Buổi tọa đàm giúp tôi và các đại biểu hiểu rõ hơn về những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây. Ðó là những bài học thực tế mà tôi may mắn có được khi tham gia Hành trình.

Phạm Quang Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Ngân hàng

Gồm hàng loạt hoạt động phong phú như tọa đàm về lịch sử chiến đấu anh dũng của quân, dân xã đảo Thổ Châu; giao lưu, trao công trình sinh viên tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương; chương trình nghệ thuật "Khát vọng sinh viên Việt Nam"…, Hành trình không chỉ giúp hiểu sâu hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước, mà còn thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi đại biểu, để từ đó phấn đấu rèn luyện, học tập, trở thành "Sinh viên 5 tốt" và lan tỏa giá trị hình mẫu "Sinh viên 5 tốt" trong cộng đồng.

Nhịp cầu nối tình quân dân

Ban tổ chức đã khéo léo lồng ghép nhiều nội dung phù hợp với tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của các bạn trẻ vào chuỗi hoạt động của Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc". Tiêu biểu như buổi sinh hoạt thiếu nhi với sự có mặt của toàn bộ đại biểu và những "công dân nhí" của đảo.

Trên sân Trường tiểu học và trung học cơ sở Thổ Châu, thiếu nhi địa phương cùng các anh, chị sinh viên cất vang tiếng hát ca ngợi quê hương, đất nước tươi đẹp, hào hứng tham gia những trò chơi tập thể như nặn đất sét, tô tượng, kéo co, vẽ tranh… Dịp này, ban tổ chức trao 60 suất học bổng tặng các em học sinh có thành tích học tập tốt, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn trên đảo.

Cô Hoàng Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Thổ Châu cho biết: "Ðiều kiện cơ sở vật chất trên đảo khiến các em nhỏ không có nhiều cơ hội trải nghiệm những trò chơi như bạn bè đồng trang lứa trong đất liền. Vào mùa hè, các em thường chỉ chạy nhảy, nô đùa hoặc tắm biển cùng nhau. Tôi thật sự xúc động khi được biết toàn bộ đại biểu của Hành trình đều mang theo những món quà từ khắp mọi miền Tổ quốc để tặng các em.

Cũng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc khó quên trong các đại biểu là Giải chạy VUG Running (nội dung thuộc Giải thể thao sinh viên Việt Nam-VUG). 200 thành viên đoàn hành trình đã cùng một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Thổ Châu sải những bước chạy đầy ý nghĩa, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Trên cung đường chạy gần 1,5 km, các bạn trẻ không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn cảm nhận rõ nét đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương trên hòn đảo nằm ở cực tây-nam của Tổ quốc.

Ngay sau đó, 200 đại biểu chia thành nhiều nhóm nhỏ, tranh tài qua những phần thi team-building gắn chặt với các nội dung của phong trào "Sinh viên 5 tốt".

"Tôi tự hào vì đất nước ta nơi nào cũng là cảnh đẹp, càng thấy ấm áp hơn bởi những gương mặt kiên cường, rắn rỏi của các anh lính đảo, sự nồng hậu của bà con nhân dân và nụ cười trong veo của thiếu nhi địa phương. Dù thời gian trên đảo không lâu, nhưng chúng tôi đã có cơ hội tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa như cùng các chiến sĩ tăng gia sản xuất, hỗ trợ người dân dọn dẹp cảnh quan bờ biển, tổ chức trò chơi cho thiếu nhi… Từ đó, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của người trẻ trong tôi đã dâng trào mạnh mẽ", đại biểu Nguyễn Yến Linh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ sau khi kết thúc đường chạy.

Tôi tự hào vì đất nước ta nơi nào cũng là cảnh đẹp, càng thấy ấm áp hơn bởi những gương mặt kiên cường, rắn rỏi của các anh lính đảo, sự nồng hậu của bà con nhân dân và nụ cười trong veo của thiếu nhi địa phương.

Nguyễn Yến Linh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Thăng Long (Hà Nội)

Sau khi gặp gỡ những người con ưu tú của đất nước đang sinh sống trên đảo, các thành viên trong đoàn hành trình đã được hiểu thêm về những khó khăn, vất vả cùng tinh thần bất khuất, kiên cường của quân dân Thổ Châu.

Trước tình cảm nồng hậu của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, đoàn đại biểu đã tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt với chủ đề "Khát vọng sinh viên Việt Nam". Trong ánh sáng của ngọn lửa trại chương trình, không ít hạ sĩ quan, chiến sĩ đã kết nối, trao đổi liên lạc, thậm chí gửi gắm đại biểu cùng quê mang đồ lưu niệm, thư tay về gia đình.

Ðồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu cho biết: "Xã đảo Thổ Châu là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Góp sức bảo vệ vững chắc và phát huy tiềm năng to lớn của biển, đảo nói chung, đảo Thổ Châu nói riêng không chỉ là vinh dự của thanh niên, sinh viên hôm nay, mà còn là trách nhiệm của các thế hệ sau này. 10 năm qua, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" đã đưa hàng nghìn đại biểu trẻ đến với quần đảo Trường Sa và nhiều đảo thanh niên, tiền tiêu như Phú Quý, Côn Ðảo, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Xanh… Mỗi hành trình là một nhịp cầu nối tình quân dân, đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt của cán bộ hội, sinh viên ưu tú, góp sức trẻ tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

 

Đọc Di chúc, cảm nhận cách ứng xử của một nhà văn hóa lớn

Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc (tháng 5-1965), cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thử thách vô cùng to lớn: Ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ dùng không quân mở chiến dịch “Mũi lao lửa” và từ ngày 2-3-1965, Mỹ ném bom liên tục, ác liệt hơn gọi là “sấm rền” đánh phá liên tục miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.

Ở miền Nam, ngày 8-3-1965, Mỹ đưa đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ gồm 3.500 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Đà Nẵng và Chu Lai, bắt đầu tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ. 

Trên bình diện quốc tế, sự vận động, phát triển của phong trào cộng sản quốc tế đã làm nảy sinh sự bất đồng giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Những bất đồng này đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự đồng tình, ủng hộ về vật chất và tinh thần của các nước anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Thực tế này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong Di chúc, Người đã tiên liệu được sự khó khăn, gian khổ, lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng Người khẳng định giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước là một tất yếu, dù phải kéo dài, dù có thể ta phải hy sinh thêm nhiều của, nhiều người nữa.

Đọc Di chúc, cảm nhận cách ứng xử của một nhà văn hóa lớn

Khát vọng và niềm tin tất thắng của Lãnh tụ Hồ Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam còn được thể hiện việc Người hoạch định cụ thể về một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội, về xây dựng văn hóa mới trong xã hội xã hội chủ nghĩa, về mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà nước ta hướng tới... Trong đó, những đề nghị của Người về miễn thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”... thực sự thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn.

Vẫn là Hồ Chí Minh – một con Người đầy bao dung nhân ái, đã dành tình thương yêu cho hết thảy mọi người: Từ những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, là thanh niên, phụ nữ…; Người lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai... 

Trong ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trước hết phải biết tự ứng xử. Khiêm nhường, chu đáo, cẩn thận, với mình thì nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ. Mặc dù uy tín rất cao, có khả năng thu hút, tập hợp quần chúng rất lớn, được toàn dân suy tôn là "Cha già của dân tộc" nhưng không bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người tự cho mình là "người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận", là "người đày tớ trung thành của đồng bào". Lúc sinh thời, nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân. Cho nên, cũng dễ hiểu tại sao khi phần mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố chọn một cách “vào đề” phù hợp nhất để nói điều mà toàn dân và cả chính bản thân Người không ai muốn: “...tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Một đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm lay động lòng người.

Người “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, và thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đó chính là phép xử thế của một nhà văn hóa lớn, thể hiện tư cách rất đúng đắn của vị lãnh tụ Đảng cầm quyền, thấu hiểu được vai trò của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại; thấu hiểu được vai trò của nhân dân, là gốc, là chủ thể của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và đổi mới đất nước.

Khiêm nhường trong vị thế một nguyên thủ quốc gia, một Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trên cương vị một lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Phút cuối của đời mình, sau khi dành tâm tư, tình cảm cho Đảng, cho dân, cho phong trào cách mạng thế giới, ung dung và thư thái, Hồ Chí Minh để lại mấy dòng cuối cùng trong Di chúc để viết về việc riêng của mình. Người dùng đến 8 từ “phục vụ”, không hề dùng một từ nào biểu đạt rằng mình là người lãnh đạo, hay đứng cao hơn mọi người. Và niềm nuối tiếc duy nhất của Người không phải vì không được sống lâu hơn như lẽ thường tình, như mục đích thụ hưởng mà “chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tìm hiểu, nghiên cứu văn kiện đặc biệt này, càng khẳng định rằng, bao giờ và ở đâu, vẫn luôn ngời sáng tấm gương Hồ Chí Minh – tấm gương của đạo đức cách mạng, chí công vô tư; tấm gương của một con người vĩ đại mà khiêm nhường hết mực.

Học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như ý nguyện của Người.

Đón, nhận con nuôi “Đồn Biên phòng” và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó

 

chiều ngày 3-9, Đồn Biên phòng Tr’Hy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 xã Axan, Tr’Hy (huyện Tây Giang) tổ chức Lễ đón, nhận con nuôi Đồn Biên phòng và gặp mặt, tặng quà cho 28 học sinh thuộc chương trình Nâng bước em đến trường-Con nuôi Đồn Biên phòng và Dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường.

Đón, nhận con nuôi “Đồn Biên phòng” và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó

Thượng tá Bùi Văn Đức Đồn Biên phòng Tr’Hy tặng quà cho con nuôi của đơn vị là Pơ Loong Khang và Hốih Đức Hữu.  

Theo đó, Đồn Biên phòng Tr’Hy nhận em Pơ Loong Khang (sinh năm 2013, nhà tại thôn Abaanh II, xã Tr’Hy) làm con nuôi từ ngày 1-9-2024. Em Pơ Loong Khang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi cha mất sớm, mẹ bị khuyết tật, hiện em đang học lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A xan). Đơn vị cũng bổ sung nhận đỡ đầu cháu Ríah Vứt (sinh năm 2011, trú tại bản Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) theo Chương trình nâng bước em tới trường. Cha của cháu Ríah Vứt đã mất, mẹ bị bệnh phải điều trị dài ngày, cháu phải ở với chú ruột nên hoàn cảnh rất khó khăn. Đồn Biên phòng Tr’Hy nhận đỡ đầu cháu Ríah Vứt cho đến hết lớp 12 với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.

Đón, nhận con nuôi “Đồn Biên phòng” và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó
Học sinh thuộc Chương trình Nâng bước em đến trường-Con nuôi Đồn Biên phòng và Dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường chụp ảnh lưu niệm tại Đồn Biên phòng Tr’Hy. 

Dịp này, Đồn Biên phòng Tr’Hy gặp mặt, trao tặng quà (mỗi suất gồm sách vở, đồ dùng học tập, chăn, màn và tiền mặt 1.000.000 đồng) cho 28 cháu con nuôi, nâng bước em đến trường và Dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường. Việc làm này nhằm động viên, hỗ trợ các cháu trước thềm năm học mới 2024-2025, tăng cường tình đoàn kết gắn bó quân dân và thể hiện vai trò của Bộ đội Biên phòng trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới huyện Tây Giang.

Tin, ảnh: THANH TRÚC

 

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiêu bài thâm hiểm của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hủy tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trắng trợn xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu này là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

1. Nhà văn Blaga Dimitrova của Bulgaria đã viết: “Niềm hy vọng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam, niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, chính Người đã mở ra cánh cửa hy vọng cho dân tộc Việt Nam. Có lẽ, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân Việt Nam”.

Không riêng nhà văn Blaga Dimitrova mà rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế, các nguyên thủ đã ghi nhận, đánh giá Hồ Chí Minh là một nhân vật đã làm nên dấu ấn bước ngoặt vĩ đại không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn để lại những dấu ấn khó phai trong tiến trình lịch sử phát triển tư tưởng, văn hóa của nhân loại.

Thế nhưng, bất chấp sự thật đã được lịch sử khắc ghi, các thế lực thù địch lại luôn hằn học với điều đó, tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với âm mưu “hạ bệ thần tượng”, họ không ngần ngại tuyên bố: Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ suy diễn rằng, để được nhân dân ủng hộ, Đảng phải có sức lôi cuốn.

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để có sức lôi cuốn, Đảng phải coi trọng công tác tuyên truyền và trong tuyên truyền, phải đặt trọng tâm vào chính sách “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ lập luận rằng, “thần thánh hóa lãnh tụ” là thủ đoạn chính trị mà Đảng sử dụng để tập hợp, đoàn kết, nâng cao lòng tự hào dân tộc, để cổ vũ tinh thần, nô lệ hóa quần chúng; đồng thời, tạo bình phong, chỗ dựa an toàn, củng cố quyền lực cho những người lãnh đạo cấp cao hiện nay. Từ đó, họ quy chụp việc Đảng giữ gìn thi hài, xây dựng Lăng Bác; lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo Bác là “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”.

2. Một số người thiếu thiện chí hoặc cố tình hướng lái dư luận lu loa rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người bằng xương, bằng thịt; “thần thánh hóa” đồng nghĩa với việc khai tử con người thật của Người. Rõ ràng, đây là luận điệu hết sức thâm độc, nham hiểm nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo ra “khoảng chân không chính trị” trong xã hội để hệ tư tưởng tư sản chiếm chỗ, chi phối, hòng dẫn dắt Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Sự thật là các thế lực thù địch đã đánh đồng việc Đảng, nhân dân Việt Nam yêu quý, kính trọng, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ không nhận thức hoặc cố tình không hiểu rằng, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao, tôn vinh những anh hùng, người có công với đất nước là truyền thống, đạo lý nhân văn và lẽ sống tốt đẹp của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Truyền thống đó đã được đúc kết qua những câu tục ngữ như: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây”...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt luôn tôn kính, thờ phụng những anh hùng dân tộc, bậc tiền nhân có công lao to lớn với quê hương, đất nước. Vì vậy, việc xây dựng Lăng Bác và giữ gìn thi hài Người là hoàn toàn xuất phát từ sự yêu quý, kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải do Đảng “thần thánh hóa lãnh tụ” như các thế lực thù địch thêu dệt. Về điều này, xin nhắc lại lời nhà báo Hayde Xantamaria (Cu Ba) đã đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân Việt Nam yêu quý như một người thân. Tình yêu của họ đối với Người vô cùng sâu sắc và không bờ bến. Đây không phải là tình yêu thần thoại mà là tình yêu và sự kính trọng thật sự”.

Trên thực tế, không riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng có văn hóa tôn vinh những người có cống hiến to lớn cho đất nước. Ở Mỹ, George Washington (1732-1799) là tổng thống đầu tiên, được người Mỹ suy tôn là “Người cha già của đất nước” và để vinh danh ông, Mỹ đã xây dựng Đài tưởng niệm Washington, công trình kiến trúc bằng đá cao nhất thế giới. Ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi (1869-1948) được người dân hết sức tôn kính gọi bằng những cái tên thân thương như: Cha kính yêu, tâm hồn vĩ đại, lãnh tụ tinh thần của dân tộc. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông được coi là “hiện thân của nền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”...  

3. Điều rất đáng tự hào là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được yêu quý, kính trọng ở Việt Nam mà Người cũng được nhân dân thế giới nể phục, tôn vinh. Năm 1987, tại khóa họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Với nghị quyết này, UNESCO đã ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại, đồng thời tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những “nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại”.

 Từ đó đến nay, hoạt động vinh danh Người đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, đến cuối năm 2023, đã có 37 tượng/tượng đài, 13 khu tưởng niệm, 6 trường lớp và 21 đại lộ, đường phố, công viên mang tên Hồ Chí Minh được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những hoạt động đó xuất phát từ sự yêu mến, lòng kính trọng và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Hồ Chí Minh, hoàn toàn trái ngược với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng xác đáng nhất để bác bỏ luận điệu “thần thánh hóa” cá nhân. Sinh thời, Người chưa bao giờ coi mình là “thánh nhân”, mà chỉ tự nhận là một người luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có ăn, có mặc, có học... Nghiên cứu về Người, một học giả nước ngoài từng hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh là một con người hay một vị thánh?”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trả lời rằng: Hồ Chí Minh trước hết là một con người, cuối cùng cũng là một con người, còn vĩ đại như đức Chúa, đức Phật thì các bạn đã thừa nhận. Người cũng luôn gương mẫu và lên án những biểu hiện “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”; đồng thời, đề cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, tôn trọng nhân dân, quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, tận tâm, tận lực, tận hiến cho cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên mà David Hamberstam, phóng viên tờ báo New York Times (Mỹ) từng viết: “Trên thế giới có quốc gia người ta đề cao lãnh tụ dữ lắm, đó là sùng bái cá nhân. Còn cụ Hồ Chí Minh thì cương quyết không tìm cái vỏ bề ngoài lộng lẫy của quyền uy. Như thế cụ tự tin và tin chắc vào quan hệ của mình với dân tộc, với lịch sử, đến nỗi cụ chẳng cần đến tượng, đền đài, sách báo và những nhà nhiếp ảnh để chứng minh điều đó cho mình” (dẫn theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sách “Hồ Chí Minh vĩ đại một con người”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2013, trang 74-75).

Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Biểu tượng niềm tin kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, sự xác tín thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực vững chắc nhất để cộng đồng dân tộc ấy tồn tại, phát triển. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của hàng triệu con người.

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý của dân tộc, Đảng đã nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa II (4-1956), Đảng ta khẳng định: Sự nghiệp cách mạng của Đảng là một sự nghiệp vĩ đại, do công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân và của Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch là lãnh tụ thiên tài của Đảng, của nhân dân, của dân tộc. Vì vậy, Đảng đề cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lẽ tự nhiên, thường tình, hợp đạo lý, hợp lòng dân.

Nhân dân, dân tộc Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi chính Người đã khai sáng, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đơm hoa kết trái, bởi Người đã trọn đời dâng hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và bởi Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta. Tình cảm, tình yêu, sự trân quý, ngưỡng mộ đó là hoàn toàn xuất phát từ trái tim muôn dân đất Việt, chứ không phải là sự gò ép gượng gạo, giả tạo.

Từ những luận cứ trên, có thể khẳng định, luận điệu Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Đây là sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn nhằm bôi nhọ, làm lu mờ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận những đóng góp, cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng, nhân dân, dân tộc và cách mạng Việt Nam